Dòng sự kiện:
Vay tiền công chức để cải cách lương chính họ?
15/11/2016 14:15:14
Chính phủ đang đề xuất Quốc hội tăng 7% lương cơ sở, lên 1,3 triệu đồng/tháng nhằm cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng như thế này không căn cơ mà cần một cuộc “đại phẫu thuật” về chính sách tiền lương khu vực nhà nước. Trong đó, có ý tưởng lấy một phần tiền lương của cán bộ, công chức để cải cách tiền lương cho chính họ.

Tin liên quan

Lương khu vực nhà nước cao hay thấp?

Tại phiên họp ngày 17-10-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết ủy ban này ủng hộ đề xuất của Chính phủ tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng hiện nay lên 1,3 triệu đồng/ tháng, tương đương tăng 7%.

“Việc tăng lương là hợp lý trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn”, ông Hải nói. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương. “Việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc; cũng như phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương...”, ông Hải nói.

Hiện nay khu vực nhà nước có tổng cộng 2,8 triệu người; trong đó cán bộ, công chức nhà nước từ trung ương tới cấp xã chỉ khoảng 500.000 người, còn hơn 2,2 triệu người ở khu vực dịch vụ công, đơn vị sự nghiệp. Trong ảnh: Hướng dẫn thực hiện cổng thông tin hành chính một cửa tỉnh Đồng Nai. Ảnh: MINH KHUÊ

Thực tế, lương cơ sở rất thấp và chậm được điều chỉnh. Đến nay, lương tối thiểu vùng I của khu vực doanh nghiệp đã là 3,5 triệu đồng/tháng, cao gấp ba lần lương cơ sở. Tuy nhiên, thu nhập của cán bộ, công chức có thấp hay không lại là chuyện khác.

Tại một buổi hội thảo gần đây của Bộ Nội Vụ, ông Đặng Như Lợi, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay hàng năm ngân sách nhà nước bố trí hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không được nâng cao, thậm chí giảm sút, bộ máy trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Ông Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế trung ương: Để cải cách tiền lương, có thể vay chính cán bộ, công chức khoản tiền mà ngân sách còn thiếu gắn với bảo lãnh vị trí việc làm bằng hợp đồng dân sự giữa cán bộ, công chức với đại diện thủ trưởng cơ quan nơi sử dụng cán bộ, công chức.

Trong khi đó, việc tinh giản biên chế lại không hiệu quả. Thực tế, càng tinh giản thì biên chế càng tăng, nhiều cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương cán bộ nhiều hơn chuyên viên. Càng xã hội hóa, càng khoán, quỹ tiền lương càng tăng, tỷ trọng tăng chi ngân sách nhà nước cho tiền lương ngày một cao hơn.

Về đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đời sống của người lao động trong khu vực nhà nước còn gặp nhiều khó khăn nên đề xuất tăng lương nói trên sẽ cải thiện một phần đời sống của công nhân, người về hưu, người có công với cách mạng.

Nhưng việc nâng lương này chỉ là giải pháp tình thế, không căn bản, không phản ánh đúng chính sách tiền lương.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, chính sách tiền lương hiện nay còn cào bằng giữa các địa phương, giữa các vùng miền nên chưa khuyến khích được các địa phương tích cực cải cách hành chính. Một khảo sát của Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc cho thấy 14,4% lao động khu vực nhà nước có từ hai việc làm trở lên mà nguyên nhân chính là lương không đủ sống.

Bên cạnh tình trạng “chân trong, chân ngoài”, theo ông Bùi Sỹ Lợi, một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt những người có chức vụ, dù lương thấp nhưng thực tế thu nhập lại khá cao. Điều này chứng tỏ có nhiều khoản thu nhập ngoài lương, trong đó, nhiều khoản thu nhập có nguồn gốc từ ngân sách.

Dùng một phần tiền lương để cải cách tiền lương

Để cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động đang làm việc cũng như người đã nghỉ việc hưởng lương hưu thì phải có tiền. Vậy tiền sẽ lấy ở đâu khi ngân sách đang eo hẹp?

Theo ông Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế trung ương, có thể vay chính cán bộ, công chức khoản tiền mà ngân sách còn thiếu gắn với bảo lãnh vị trí việc làm bằng hợp đồng dân sự giữa cán bộ, công chức với đại diện thủ trưởng cơ quan nơi sử dụng cán bộ, công chức.

Giả sử tiền lương của cán bộ, công chức là 10 triệu đồng/tháng, nhưng hiện ngân sách mới chỉ có thể đảm bảo được 6 triệu đồng (60%); phần thiếu hụt là 4 triệu đồng (40%) có thể vay chính cán bộ, công chức theo hợp đồng và coi đó như một khoản “thế chấp” cho chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức. Nhà nước sẽ chi trả toàn bộ khoản vay này cho họ khi nghỉ hưu, chết hoặc khi có nhu cầu chính đáng khác nếu hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo vị trí công tác được giao. Đồng thời, họ sẽ bị khấu trừ từng phần tương ứng, nếu vi phạm các hình thức kỷ luật theo Luật Cán bộ, Công chức... hoặc bị sung công toàn bộ nếu phạm tội dưới bất kỳ tội danh nào theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ông Huyên lưu ý, phần vay của cán bộ, công chức cần linh hoạt theo tình hình các cân đối lớn về kinh tế, tài chính như tốc độ tăng GDP, chỉ số giá tiêu dùng, bội chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển... Tuy nhiên, ngay cả khi ngân sách đảm bảo chi trả toàn bộ, cũng nên giữ lại khoản “đặt cọc” từ 25-30% cho vị trí công tác của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ chỉ tiêu định lượng công việc đối với từng vị trí công tác cho từng cơ quan, đơn vị; biên chế khu vực Đảng, hành chính, đoàn thể phải được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị trong từng thời gian nhất định. Ngoài ra, phải đề cao trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân đứng đầu, đồng thời quy định rõ ràng, minh bạch bằng pháp luật và công khai để cán bộ, công chức và người dân biết.

Nếu thực hiện theo phương pháp này, theo ông Huyên, Nhà nước sẽ thực hiện được đúng nguyên lý trao đổi ngang giá đối với sức lao động của cán bộ, công chức, tạo động lực buộc cán bộ, công chức tự giác, cố gắng, chuyên tâm làm việc với năng suất và chất lượng cao, góp phần lành mạnh hóa các quan hệ xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...

Tuy nhiên, theo ông Huyên, việc này chỉ thành công khi việc giám sát người đứng đầu được thực hiện tốt. Hơn nữa, việc tính toán, thanh toán, theo dõi tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức khá phức tạp; việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức hàng năm nếu không được làm chặt chẽ, nghiêm túc; việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công việc để xác định biên chế nếu không được thực hiện hợp lý thì phương án trên không thực sự mang lại hiệu quả.

Hiện nay khu vực nhà nước có tổng cộng 2,8 triệu người; trong đó cán bộ, công chức nhà nước từ trung ương tới cấp xã chỉ khoảng 500.000 người, còn hơn 2,2 triệu người ở khu vực dịch vụ công, đơn vị sự nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ, cho hay đối với cán bộ, công chức hưởng lương hoàn toàn do ngân sách nhà nước thì phải sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế. Trên cơ sở đó thực hiện khoán để các cơ quan tự chủ và chuyển các khoản như hội họp, đi nước ngoài sang chi cho tiền lương.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, theo ông Dũng, cần trao quyền tự chủ cho các đơn vị này theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương. Nhưng nếu cứ tính hết vào chi phí thì người dân sẽ không có khả năng chi trả. Do đó, đối với người có điều kiện thì sẽ phải tính đúng, tính đủ và thu theo nhu cầu của khách hàng để phục vụ.

Với đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và người nghèo thì Nhà nước phải hỗ trợ. Ví dụ mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, người có công...

Theo TBKTSG 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến