Có thể kể đến những App khá phổ biến trên Google Play hoặc Appstore dành cho điện thoại như: DoctorDong, Scash, Atome, VĐồng, Bagang... Điểm chung của những App này là dễ sử dụng, thủ tục đơn giản chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, đồng thời quá trình giải ngân khoản vay cũng khá nhanh chóng từ 1 - 2 ngày sau khi xác nhận từ bên cho vay.
Thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh là những ưu điểm mà hình thức cho vay qua ứng dụng điện thoại (App) đang dùng để lôi kéo người vay. Nhưng song hành với đó là khoản lãi khổng lồ phải trả, những lời đe dọa, phỉ báng nếu không trả đúng hạn.
Với những người tham gia vay tiền lần đầu, số tiền vay thường chỉ được giới hạn từ 3 triệu đồng trở xuống, nếu trả đúng hạn, hạn mức này sẽ được tăng dần lên. Tuy nhiên, người vay sẽ không được nhận đầy đủ số tiền mình vay mà phải cắt lại một khoản gọi là phí dịch vụ. Cụ thể, nếu vay 1,5 triệu đồng, người vay sẽ chỉ cầm về từ 900.000 - 1.000.000 đồng nhưng khi trả vẫn phải trả đủ 1,5 triệu đồng. Thời gian phải trả thường là trong 1 tuần, nếu trả chậm sẽ tính lãi suất khoảng 5%/ngày, tương đương với 150%/tháng.
Vay tiền qua App là tín dụng đen.
Khi nói về tình trạng cho vay qua App có lãi suất "cắt cổ" đang khiến nhiều người lâm vào cảnh cùng cực, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng đây là một dạng của tín dụng đen. Với việc hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, gồm nhiều thủ đoạn đa dạng, có mặt ở hầu hết các địa phương, tín dụng đen cũng là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.
Về bản chất, mô hình cho vay qua App là rất tiện lợi đang được triển khai thành công tại nhiều quốc gia như Mỹ hay Nhật Bản. Hoạt động này hỗ trợ người vay nhanh chóng, thích hợp với những người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên trên thực tế, vay qua App đang bị biến tướng thành tín dụng đen với khoản lãi vay có thể lên tới trên 1.000%/năm. Chính vì vậy, mô hình này cần có sự giám sát kịp thời từ phía Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của loại hình cho vay ngang hàng đang còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam cũng như bảo đảm quyền lợi cho người vay.
Trên thực tế, ngay trong nửa đầu 2020, cơ quan công an đã tổ chức nhiều chuyên án nhằm nhằm triệt phá các tổ chức tín dụng đen nói chung cũng như các tổ chức vận hành các App vay tiền nói riêng. Có thể kể đến như vụ Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh phanh phui ổ nhóm gồm cả người Việt Nam và Trung Quốc điều hành các App vay tiền "vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online” với lãi suất lên đến 90%/tháng. Được biết, mặc dù mới chỉ hoạt động được 6 tháng nhưng những đối tượng trên đã nắm trong tay hồ sơ vay vốn của 60.000 người với số tiền 100 tỷ đồng và đã thu lời hàng chục tỷ đồng.
Cũng từ trường hợp nói trên có thể thấy, không giống như đa phần mô hình tội phạm của tín dụng đen, App cho vay còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn khi xuất hiện yếu tố nước ngoài, hay nói cách khác là có tính chất của tội phạm xuyên biên giới. Có thể nhận thấy, phần lớn các App vay tiền hiện đang hoạt động tại Việt Nam đều có bóng dáng của DN Trung Quốc. Những đối tượng này thường núp bóng DN trong nước và thuê người Việt để vận hành các App có sẵn nhằm tiếp cận người cần vay tiền, sau đó lợi nhuận sẽ được chuyển ngược trở lại Trung Quốc.
Nhằm hạn chế tình trạng biến tướng như cho vay qua App hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra Dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng. Động thái này được đánh giá là rất cần thiết để tạo dựng tính pháp lý mô hình cho vay có ứng dụng công nghệ cũng như bảo đảm quyền lợi cho người đi vay.
Theo một chuyên gia trong ngành công nghệ tài chính, sau một thời gian bùng nổ, vay tiền qua App đã bị Trung Quốc siết chặt quản lý, do đó nhiều tổ chức dạng này đã chuyển sang hoạt động tại Việt Nam. Ước chừng hiện có khoảng hơn 60 DN Trung Quốc đang vận hành các App vay tiền tại Việt Nam với vỏ bọc là DN trong nước. Với cách thức hoạt động có hơi hướng của "xã hội đen" như hiện nay, các App vay tiền dạng này đã và đang gây ra nhiều phản cảm cho người dùng, trực tiếp ảnh hưởng đến mô hình cho vay ngang hàng vốn đang có dấu hiệu phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo báo Dân Sinh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy