VEPR: Thâm hụt ngân sách gây rủi ro cho kinh tế Việt Nam
28/05/2015 11:49:36
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành e ngại rủi ro vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2016, chủ yếu do Chính phủ phải theo đuổi chính sách tài trợ thâm hụt ngân sách.

Tin liên quan

Phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam sáng nay (28/5), tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định kinh tế Việt Nam năm 2015 đã ổn định và bớt sóng gió hơn những năm trước. "Kinh tế đã có sự hồi phục nhẹ từ năm 2013, tuy chưa thể nói sẽ bứt phá mạnh nhưng dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới", ông Thành nói.

Rủi ro vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2016 do Chính phủ phải tài trợ thâm hụt ngân sách.

Như mọi năm, báo cáo thường niên của VEPR đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP và lạm phát. Con số năm nay là 6,1% ở phương án thấp, trong khi kịch bản cao hơn đạt 6,3%. Lạm phát của cả năm 2015 trong kịch bản một được dự báo tiếp tục duy trì ở mức tương tự 2014, đạt khoảng 1,9%. Trong khi đó, ở kịch bản 2, khi nền kinh tế phục hồi cao hơn một chút thì lạm phát có thể lên 3,2%.

Tuy nhiên, đại diện VEPR cũng e ngại rủi ro vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2016, chủ yếu do Chính phủ phải theo đuổi chính sách tài trợ thâm hụt ngân sách trong bối cảnh chi lớn mà Quốc hội đã chặn "room" phát hành trái phiếu.

"Chính phủ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động nguồn tài trợ thâm hụt ngân sách. Nếu Quốc hội không có sự thỏa hiệp cần thiết trong định mức về lượng trái phiếu phát hành hoặc trần nợ công, Chính phủ có thể bị đẩy vào tình thế phải tìm kiếm nguồn tài trợ tạm thời từ Ngân hàng Nhà nước dưới nhiều hình thức, và xét cho cùng có bản chất tiền tệ nhiều hơn là tài khóa", báo cáo nêu. Liên quan đến động thái này, vừa qua Chính phủ đã giao các Bộ, ngành nghiên cứu sử dụng một phần dự trữ ngoại hối để cho ngân sách vay.

Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng nếu quá chú trọng tới bù đắp thâm hụt ngân sách, những ràng buộc về kỷ luật tiền tệ lẫn tài khóa có nguy cơ bị phá vỡ, tạo một tiền lệ xấu. Tác động tức thời của các chính sách này là sự xói mòn niềm tin của thị trường vào cả chính sách tiền tệ và mức độ minh bạch tài khóa. Cùng với đó, VND tiếp túc tích lũy sự lên giá trong bối cảnh đồng USD mạnh lên sẽ âm thầm xói mòn sức cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước cũng như các dịch vụ thu hút khách nước ngoài, du lịch.

"Hai yếu tố này tưởng chừng ít liên quan nhưng lại gắn bó mật thiết với nhau, đặc biệt khi xảy ra các tình huống bất lợi. Ví dụ, việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách nếu kích hoạt một làn sóng lạm phát nhẹ vào đầu năm 2016, có thể dẫn tới sức ép thay đổi tỷ giá ngày càng nhiều hơn vào thời điểm đó. Và nếu tỷ giá phải thay đổi mang tính đối phó, thì vô hình trung sẽ tạo ra một vòng xoáy lạm phát làm thay đổi tỷ giá, phá vỡ thế cân bằng vĩ mô đang tạm thời có được hiện nay", nhóm nghiên cứu cảnh báo.

Bổ sung thêm ý kiến, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay những gánh nặng từ bội chi ngân sách đang tạo áp lực lên giá cả, thuế, chẳng hạn như việc tăng thuế bảo vệ môi trường, thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô thời gian qua. "Với sức ép của nợ công và bội chi ngân sách thì dường như sẽ có thêm nhiều chính sách đặc biệt, bất ngờ để trang trải cho nguồn bị thâm hụt", ông nói.

Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất cần điều hành tỷ giá linh hoạt, tăng dự trữ ngoại hối để tăng niềm tin với chính sách tiền tệ. Đồng thời, tiếp tục cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tạo tiền đề cho sự hồi phục tỷ suất sinh lời, tăng tích lũy vốn cho hệ thống, tiếp tục tái cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro cao.

Cải cách mạnh thể chế trong nước cũng tạo tiền đề cho nền kinh tế phát triển vững chắc hơn. Các ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu cần được thị trường hóa nhiều hơn nữa để tăng sức cạnh tranh, phát huy sức mạnh của khu vực doanh nghiệp trong ngành. Ví dụ như ngành lúa gạo, VEPR cho rằng cần nới lỏng các điều kiện xuất khẩu, tăng cường vai trò của hệ thống doanh nghiệp xay xát để làm nền tảng cho các liên kết dọc trong ngành, xây dựng năng lực cạnh tranh cho ngành.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ từ năm 2015, Nhà nước cũng nên gỡ bỏ các ràng buộc lên các yếu tố sản xuất căn bản như vốn, lao động, đất đai để có thể tận dụng những lợi ích như các cam kết ký kết. Về dài hạn, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng.

"Điều này đòi hỏi những chương trình cải cách đồng bộ trong lĩnh vực hành chính, thể chế và các chiến dịch thay đổi trong hệ thống doanh nghiệp về tinh thần tăng năng suất, hiệu quả trong bản thân mỗi doanh nghiệp", VEPR nhấn mạnh.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến