Dòng sự kiện:
Ví điện tử sẽ tiết kiệm phát hành tiền mệnh giá nhỏ
24/07/2019 20:01:17
Những cú thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí xe ôm, taxi… bằng ví điện tử hiện nay không lo phải đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ để trả lại tiền thừa cho khách hàng...

Ví điện tử sẽ là một kênh giải quyết triệt để khâu tiền mặt mệnh giá nhỏ

Theo thống kê của NHNN Việt Nam, bình quân mỗi năm chi phí phát hành tiền lẻ mệnh giá nhỏ (loại tờ tiền 5.000, 2.000, 1.000, 500, 200 đồng) tương đương 280 tỷ đồng. Bởi vậy, kể từ khi có chủ trương không in mới và phát hành tiền lẻ mệnh giá nhỏ đến năm 2018 đã nâng mức tiết kiệm chi phí in và phát hành tiền mệnh giá nhỏ lên đến 2.800 tỷ đồng.

Trên thực tế, ngân hàng trung ương nào cũng phải dành ra một nguồn lực tài chính nhất định để phát hành tiền mới ra lưu thông để thay thế các tờ tiền đã cũ nát không còn đủ tiêu chuẩn lưu hành, nhằm đảm bảo đủ lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế phù hợp với định hướng điều hành chính tiền tệ cũng như đảm bảo cơ cấu các mệnh giá tiền trong lưu thông… Lẽ đương nhiên với những nền kinh tế sử dụng tiền mặt nhiều thì chi phí phát hành tiền sẽ lớn hơn rất nhiều so với các nền kinh tế thanh toán phi tiền mặt do mức độ hư hỏng của các đồng tiền cao hơn vì tần suất sử dụng lớn hơn.

Ở Việt Nam, do tập quán sử dụng tiền mặt trong đời sống kéo theo nhu cầu tiền mặt mệnh giá nhỏ rất cao trong cuộc sống hàng ngày, nên đã tạo ra tâm lý các siêu thị, điểm phân phối bán lẻ hàng hóa, thậm chí cả các NHTM cũng giữ tiền mệnh giá nhỏ.

Theo đó, tiền mệnh giá nhỏ phát hành ra bao nhiêu, thị trường tiêu thụ hết bấy nhiêu. Trong khi tốc độ hư hại của các đồng tiền này cũng cao hơn nhiều so với các đồng tiền mệnh giá lớn do tần suất sử dụng lớn. Điều đó vô hình trung đã làm tăng chi phí phát hành tiền và gây ra nhiều lãng phí cho xã hội.

Thế nhưng, gần đây trong xu hướng thanh toán điện tử, nhất là các ví điện tử một công cụ thanh toán không dùng tiền mặt đang giải quyết rất cơ bản tiền lẻ mệnh giá nhỏ trong hoạt động thanh toán các món nhỏ lẻ trên thị trường. Chẳng hạn những cú thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí xe ôm, taxi… bằng ví điện tử hiện nay không lo phải đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ để trả lại tiền thừa cho khách hàng.

Trong khi xu hướng mua sắm online cũng ngày một phát triển cùng với sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Với hình thức mua sắm hiện đại này, người tiêu dùng cũng thường sử dụng phương thức thanh toán bằng ví điện tử và có thể thanh toán tới con số lẻ. Vì thanh toán không dùng tiền mặt nên nhu cầu tiền mặt trong nền kinh tế đang có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt là nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN Việt Nam), trong quý I/2019 đã có hơn 77 triệu giao dịch thanh toán bằng ví điện tử tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018. Top 5 ví điện tử có số lượng giao dịch chiếm đến 92% trên thị trường thanh toán ví được xếp từ cao xuống thấp bao gồm: Ví điện tử Payoo chiếm 67,26%, Momo chiếm 10,94%, Công ty cổ phần Phát triển thể thao điện tử Việt Nam chiếm 6,95%, Moca chiếm 1,23%, Ví FPT chiếm 6,73%. Giá trị giao dịch của top 5 ví điện tử xếp từ cao xuống thấp Payoo (25,52%), Momo (24,68%), Công ty cổ phần Phát triển thể thao điện tử Việt Nam (22,05%), Moca (12,40%), Ví FPT (8,16%).

Đến nay NHNN Việt Nam đã cấp phép hoạt động 30 đơn vị trung gian thanh toán, trong đó 26 dịch vụ cổng thanh toán điện tử và hỗ trợ thu, chi hộ; 9 đơn vị làm dịch vụ chuyển tiền và 27 đơn vị đang làm dịch vụ ví điện tử. Bên cạnh ví điện tử, hiện nay trên thị trường còn có rất nhiều kênh thanh toán không dùng tiền mặt khác, từ thanh toán thẻ ngân hàng, đến internet banking. Tất cả những hình thức thanh toán hiện đại này đang dần hình thành một thói quen thanh toán không tiền mặt trong xã hội.

Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và sớm ban hành Nghị định Quản lý và Phát triển thanh toán phi tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Theo đó, sẽ sửa đổi một số thông tư hướng dẫn việc mở và sử dụng thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, thu phí dịch vụ thanh toán qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, quy chế cấp, sử dụng và quản lý mã tổ chức phát hành thẻ ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, với cơ chế nạp tiền vào ví điện tử hiện nay là liên kết với tài khoản ngân hàng sẽ tạo ra một không gian luân chuyển phi tiền mặt tập trung trong hệ thống ngân hàng điện tử. Điều này nếu các nhà cung ứng, phân phối sản phẩm hàng hóa dịch vụ cùng chi tiêu trên các công cụ thanh toán điện tử, nguồn lực tài chính sẽ tập trung trong hệ thống ngân hàng. Khi các nguồn lực tài chính tập trung hết vào hệ thống ngân hàng sẽ tạo ra một chi phí vốn rẻ, làm cho tổng chi phí tài chính trong xã hội thấp xuống và các ngân hàng có thể cho vay với lãi suất thấp.

Khi ví điện tử đã giải quyết được một khối lượng thanh toán phi tiền mặt mệnh giá nhỏ rất lớn trong chi tiêu hàng ngày, phần còn lại sẽ do ngân hàng đáp ứng các khoản chi tiêu từ dưới 20 triệu đồng trở xuống giao dịch qua internet banking và mobile banking. Các giao dịch với số tiền lớn hơn các cá nhân, tổ chức sẽ đến giao dịch tại quầy thì vấn đề phát hành tiền mệnh giá nhỏ lưu thông trong thanh toán sẽ không còn là một gánh nặng như những năm qua.

Theo Thời báo ngân hàng


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến