UBND TPHCM vừa nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) giai đoạn 2018-2019 vì chậm trễ ký kết hợp đồng tư vấn IC cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo UBND TPHCM, việc chậm ký kết tư vấn dự án cho tuyến metro số 2 làm ảnh hưởng tiến độ triển khai, chất lượng dự án và uy tín của TPHCM với các nhà tài trợ, đối tác ngoại giao.
Ngoài việc yêu cầu tập thể lãnh đạo MAUR rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc điều hành và quản lý dự án, UBND TPHCM giao Trưởng ban MAUR tiếp tục theo dõi và chịu trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan trong trường hợp thanh tra, kiểm toán phát hiện các cá nhân sai phạm trong việc ký kết hợp đồng với tư vấn IC và các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị khác.
Được biết, ông Lê Nguyễn Minh Quang là Trưởng ban MAUR từ năm 2016 đến cuối năm 2018. Từ ngày 4/1/2019 đến nay, ông Bùi Xuân Cường được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban MAUR (sau khi UBND TPHCM cho ông Lê Nguyễn Minh Quang thôi chức theo nguyện vọng).
Liên quan đến vụ việc trên, nguồn tin của Tiền Phong cho biết tháng 1/2012, MAUR ký hợp đồng với liên danh tư vấn (đứng đầu liên danh là một công ty của Đức) gói thầu tư vấn thực hiện dự án (tư vấn IC) với giá trị hợp đồng là 43,98 triệu Euro.
Theo nội dung hợp đồng, giai đoạn A được thực hiện theo hình thức trọn gói trị giá 12,73 triệu Euro để thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính. Giai đoạn B giám sát thực hiện xây dựng dự án trị giá 31,25 triệu Euro. Thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn là trong 18 tháng.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện hợp đồng chậm trễ nên từ tháng 10/2018, Tư vấn IC đã tạm dừng huy động nhân sự hỗ trợ cho dự án. Ngoài ra, hợp đồng IC tuy được ký kết trọn gói nhưng do chậm trễ trong quá trình triển khai nên phát sinh 13 phụ lục hợp đồng, trong đó 6 phụ lục phát sinh khối lượng công việc ngoài hợp đồng với giá trị hơn 8,9 triệu Euro.
Tuyến metro số 2 đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để triển khai thi công
Chưa kể, MAUR đang thương thảo để ký kết phụ lục hợp đồng số 13. Điều đáng nói là trong hợp đồng gốc có điều khoản cho phép thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng nên Tư vấn IC đang áp dụng để tính chi phí phát sinh ngoài hợp đồng khoảng 3,7 triệu Euro.
Như vậy, tổng chi phí phát sinh thêm từ các phụ lục hợp đồng tư vấn IC là khoảng 12,6 triệu euro (tức tăng 99% giá trị hợp đồng giai đoạn A). Hiện nay, MAUR đã nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành và thanh toán cho Tư vấn IC hơn 18,5 triệu Euro từ hợp đồng gốc giai đoạn A và hơn 7,9 triệu Euro lấy nguồn từ chi phí giai đoạn B.
Ngoài tổng chi phí tư vấn IC bị “đội” lên, nhà tài trợ vốn cho dự án tuyến metro số 2 nhiều lần gửi thư đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo MAUR sớm huy động lại Tư vấn IC và ký phụ lục hợp đồng số 13.
Trong thư của nhà tài trợ vốn gửi UBND TPHCM ngày 24/6 bản dịch lưu ý, rằng các cam kết tiếp tục tài trợ vốn phụ thuộc vào các tiến triển mạnh mẽ và rõ rệt của dự án. Ngân hàng Tái thiết Đức đã đặc biệt yêu cầu việc tái huy động Tư vấn IC là một điều kiện để thu xếp khoản vay bổ sung cho dự án.
Nếu việc huy động Tư vấn IC tiếp tục đình trệ sẽ khiến tổng mức đầu tư dự án tăng thêm đáng kể và TPHCM sẽ không được hưởng ưu đãi chiết khấu cho khoản vay mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trao đổi với Tiền Phong tối 16/3, đại diện MAUR cho rằng do các lý do khách quan nên phát sinh thêm công việc nên cần phải huy động tư vấn. Bản thiết kế ranh nhà ga sau khi tham vấn cộng đồng bị người dân phản đối nên cần phải điều chỉnh lại để giảm mặt bằng phải thu hồi, đồng thời sử dụng các vị trí đất công để bố trí tháp thông gió.
Năm 2015, Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và thống nhất điều chỉnh lại thiết kế mặt bằng các nhà ga, ranh thu hồi đất của dự án.
“Ngoài ra, giai đoạn từ 2016 - 2018, BQL đường sắt đô thị tổ chức đấu thầu quốc tế một số gói thầu chính song song với điều chỉnh dự án để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, Thanh tra TPHCM nêu ý kiến cần phải đảm bảo chặt chẽ quy định của Luật Đấu thầu nên sau đó UBND TPHCM đã hủy các gói thầu này. Điều này khiến các công việc mà tư vấn đã làm dù không được sử dụng nhưng vẫn phải trả chi phí” – đại diện MAUR cho hay.
Tác giả: Huy Thịnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy