Sau gần 9 tháng triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực song song với quá trình chống dịch. Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, 47 tỉnh, thành phố đã có hơn 100% người dân trên 18 tuổi hoàn thành ít nhất một mũi vaccine.
Vaccine được biết đến như một giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế nguy cơ diễn biến nặng khi nhiễm SARS-CoV-2. Từ đây, các chuyên gia y tế nhận định những tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng cao cần thống kê, phân tích kỹ hơn số lượng ca nặng để đưa ra biện pháp ứng phó tối ưu, nhất là khi F0 trong cộng đồng đang dần xuất hiện nhiều hơn thời gian qua.
Tính toán tỷ lệ nặng, nhẹ song song với số ca nhiễm mới
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định: “Việt Nam đã chấp nhận sống chung an toàn với SARS-CoV-2, không còn ‘Zero Covid-19’ nên chúng ta, chủ yếu, phải tính toán tới số ca diễn biến nặng, nhẹ”.
Theo ông, các địa phương nên quan tâm nhiều hơn tới tỷ lệ ca mắc Covid-19 diễn biến nặng nhưng không được bỏ qua số lượng nhiễm nCoV mới. Nguyên nhân là số lượng ca mắc mới nếu quá lớn sẽ gây ra tình trạng quá tải hệ thống y tế.
Một chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội thời gian vừa qua. Ảnh: Việt Linh.
“Các địa phương cần bám sát vào Nghị quyết 128 của Chính phủ, số ca mắc mới trong cộng đồng được tính theo tỷ lệ trên 100.000 dân mỗi tuần, từ đó đưa ra đánh giá về cấp độ dịch. Với mỗi cấp độ, chúng ta sẽ có những giải pháp ứng phó khác nhau đã quy định”, vị chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng thừa nhận thời gian qua chưa thấy Hà Nội hay nhiều địa phương khác công bố tỷ lệ ca mắc Covid-19 diễn biến nhẹ, không triệu chứng hay nặng.
“Xét về mặt công bố dữ liệu dịch tễ, việc này là cần thiết. Tôi nghĩ sẽ là thiếu sót lớn nếu các địa phương chưa thống kê hay phân tích cụ thể tỷ lệ này, từ đó khó nắm được tình hình và đưa ra phương án phòng dịch phù hợp”, PGS Hùng đánh giá.
Theo vị chuyên gia này, việc phân tích tỷ lệ ca mắc diễn biến nặng, nhẹ nên được thực hiện song song với thống kê số người nhiễm virus hàng ngày, khi công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 đã đạt được những kết quả nhất định.
Ông gợi ý: “Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các địa phương nên phân tích cụ thể, ví dụ với số ca mắc trong một tháng hay một tuần, trong đó bao nhiêu ca không có triệu chứng, tỷ lệ triệu chứng nhẹ không cần can thiệp y tế, số trường hợp có triệu chứng vừa cần điều trị, bệnh nhân phải vào hồi sức tích cực, ca có bệnh lý nền hay bao nhiêu người cao tuổi...”.
PGS Hùng cho rằng các địa phương nên xem xét trên nhiều yếu tố như nhóm tuổi, mức độ nặng, bệnh lý kết hợp... Qua đó, chúng ta mới có thể đưa ra chính sách phòng dịch cụ thể và phù hợp.
Ứng phó dựa trên kết quả phân tích số liệu
Thông qua việc thống kê và phân tích tỷ lệ trường hợp diễn biến nặng, nhẹ do Covid-19, PGS Trần Đắc Phu cho rằng trong trường hợp số lượng ca tử vong quá cao, chúng ta có thể xem xét việc họ đã tiêm vaccine hay chưa.
“Những trường hợp đã tiêm vaccine và có diễn biến bệnh không nặng cũng cần được chú ý trong việc điều trị. Nếu hệ thống hiện tại không đáp ứng đủ, các địa phương cũng có thể dựa vào đó để kích hoạt lại những khu điều trị bổ sung”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói.
Ông Phu nhấn mạnh các địa phương cần bám sát Nghị quyết 128, ưu tiên hàng đầu vẫn là phát hiện sớm ổ dịch, tiếp tục truy vết, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa hẹp, tránh ảnh hưởng kinh tế - xã hội và an sinh của người dân.
“Điều quan trọng là không để các vùng có nguy cơ dịch cấp 3, cấp 4 quá nhiều. Nguy cơ đến đâu, chúng ta phải phong tỏa đến đó”. PGS Phu nói thêm.
Một nhân viên y tế thông báo danh sách người dân đến lượt tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Anh.
Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, từ số liệu phân tích ca mắc Covid-19 diễn biến nặng hay nhẹ, các tỉnh cũng có thể nhanh chóng nắm được tình hình và đưa ra biện pháp ứng phó phù hợp.
Ông nêu ví dụ: “Các địa phương có thể sẽ nhận thấy những ca mắc là người cao tuổi, có bệnh lý nền, dễ tử vong nhưng đang có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Khi đó, chúng ta sẽ tập trung tiêm vaccine cho nhóm này. Ngoài ra, các trường hợp từng mắc bệnh cấp tính đã ổn định cũng cần được quan tâm, vận động đi tiêm chủng”.
Trong khi đó, nếu tỷ lệ người nhiễm nCoV diễn biến nặng thấp, đa số trường hợp không xuất hiện triệu chứng, các tỉnh, thành phố cần xem xét phương án cách ly tại nhà, tránh buộc người dân phải cách ly hay điều trị tập trung tại bệnh viện.
“Ngược lại, trong trường hợp tỷ lệ diễn biến nặng cao, chúng ta sẽ biết mình cần chuẩn bị bao nhiêu giường hồi sức tích cực, hệ thống y tế đã đảm bảo chưa. Qua việc thống kê, phân tích tỷ lệ ca nặng, ngành y tế có thể nhìn lại năng lực của mình, qua đó tập trung khắc phục dựa trên diễn biến dịch”, PGS Hùng lưu ý.
Tác giả: Quốc Toàn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy