Đặc biệt, để tiến đến số hoá bản đồ đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đang tồn đọng một lượng lớn tại các Văn phòng đất đai nhiều địa phương.
Mòn mỏi chờ đợi
Ông Phạm Văn Nghĩa, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ chia sẻ, giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ, sổ đỏ) do ông đứng tên bị mất, làm lại sổ mới cũng mất gần 2 tháng mới xong. Đầu tháng 5/2022, ông tiếp tục đến Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ xin cấp lại bản vẽ vị trí lô đất để bổ sung hồ sơ vay vốn ngân hàng, mà không biết khi nào mới được giải quyết.
“Giấy chứng nhận QSDĐ mới tôi có rồi, bây giờ làm lại bảng vẽ của hồ sơ miếng đất của tôi thôi. Làm lại để mình cần làm thủ tục vay ngân hàng hay thủ tục gì đó phải cần có đầy đủ hồ sơ. Bây giờ tôi chờ lấy số, gọi tên theo thứ tự. Lúc trước giấy chứng nhận QSDĐ bị mất cấp lại cũng mất hơn 1 tháng, bây giờ không biết sao?” - ông Nghĩa chia sẻ.
Nhiều Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở Bà Rịa - Vũng Tàu tồn đọng hồ sơ của dân. (Ảnh: Gia Khang)
Còn ông Phạm Văn Hải, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức cho biết, gia đình ông thuộc diện cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ riêng lẻ, nên tự mang hồ sơ lên UBND xã xác nhận tăng diện tích so với thực tế trong giấy, xong rồi đến Văn phòng Đăng ký đất đai huyện làm thủ tục. Nhưng để thực hiện đo đạc lại phải mất mấy tháng nên hồ sơ của ông từ năm 2021 đến nay mới hoàn thiện nộp về huyện.
“Khi hoàn thành ra giấy chứng nhận QSDĐ cho mình là 15- 20 ngày. Cách đây mấy tháng, vào năm ngoái nhà nước đã vào đất đo lại xem dư hay thiếu đất. Vì hồ sơ nhiều quá, cả huyện này cùng làm nên làm từ từ theo hồ sơ. Hồ sơ này cả năm rồi vì dồn ứ lại, có hẹn với dân là 21 ngày ra huyện lấy giấy chứng nhận QSDĐ về” - ông Hải nói.
Tăng cường làm việc ngày nghỉ
Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ mỗi ngày tiếp nhận hơn 60 hồ sơ đất đai của người dân và hiện đang tồn đọng khoảng 1.600 hồ sơ đo đạc, trong đó có nhiều hồ sơ thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ.
Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ cho biết, nguyên nhân tồn đọng số hồ sơ trên là các thửa đất sau khi đo đạc thực tế thì diện tích có biến động (tăng hoặc giảm diện tích) nhưng không liên hệ được với chủ đất liền kề để ký giáp ranh, do đó phải niêm yết, thông báo, dẫn đến thời gian trả kết quả trễ hẹn so với quy định.
Hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ của người dân bị chậm trễ do phải xác minh, trả lại nhiều lần. (Ảnh: Gia Khang)
Bà Hoa cho biết thêm, số lượng hồ sơ nhiều nhưng nhân lực làm việc tại đơn vị thì rất ít. Để trả hồ sơ đúng hẹn cho người dân, Văn phòng phải hợp đồng thêm nhân viên bên ngoài, làm việc không kể ngày nghỉ, cuối tuần, đồng thời linh động giải quyết sang nhượng và cấp đổi cùng một lúc cho dân.
“Khi người dân nộp hồ sơ tách thửa, chuyển nhượng thì Văn phòng thực hiện luôn việc cấp đổi luôn chứ không không bắt buộc người dân thực hiện cấp đổi trước rồi mới về chuyển nhượng, tách thửa vấn đề này rất khó cho dân. Hiện nay, không có quy định là dân phải cấp đổi rồi mới thực hiện các quyền, tuy nhiên để đảm bảo thời gian thì thực hiện cùng lúc cấp đổi rồi chuyển nhượng luôn” - bà Hoa nói.
Còn Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Đức cho biết, 14 đơn vị hành chính cấp xã đều phải thực hiện việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ với tổng số hồ sơ cần cấp đổi là hơn 42.340 hồ sơ. Tính đến thời điểm hiện nay, mới có gần 10.000 hồ sơ đã được xử lý với các bước như: kiểm tra, đối chiếu lại với hồ sơ địa chính, nhập thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, biên tập giấy chứng nhận để chuyển lên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh in giấy chứng nhận, số còn lại thì đang thực hiện xét cấp.
Ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Đức cho biết, trung bình mỗi ngày hơn 60 nhân viên làm việc liên tục từ sáng đến 7-8 giờ tối vẫn không giải quyết kịp hồ sơ của người dân. Trước đây, trung bình mỗi ngày mỗi nhân viên chỉ giải quyết 1-2 hồ sơ, nay phải xử lý từ 10-12 hồ sơ. Còn 2 lãnh đạo Văn phòng mỗi ngày ký từ 200 – 250 hồ sơ liên quan đến các quyền sử dụng đất cho dân nhưng vẫn không giải quyết kịp.
“Mình ký hồ sơ này thì hồ sơ khác dồn đến cho nên như thế cứ kéo dài. Để giải quyết hồ sơ cho dân thì tăng cường nhân sự là quan trọng nhất. Chúng tôi tăng cường, động viên nhân viên, người lao động làm việc ngoài giờ và làm luôn cả ngày thứ bảy và chủ nhật” - ông Lâm cho biết.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện các chi nhánh địa phương đang cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục đất đai cho người dân khiến khối lượng hồ sơ đất đai quá tải, trong đó có thủ tục cấp đổi Quyền sử dụng đất của người dân. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường nhân lực về các Văn phòng đăng ký đai địa phương, đồng thời tăng thời gian xử lý đối với các hồ sơ lồng ghép để chi nhánh có thời gian xử lý hồ sơ cho người dân đúng hẹn./.
Tác giả: Gia Khang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy