Dòng sự kiện:
Vì sao 'cò đất' vẫn còn đường lộng hành, thao túng tạo sốt đất ảo?
26/07/2020 10:45:22
Hiện tượng 'cò đất' lộng hành, tạo ra các cơn sốt đất ảo khiến thị trường BĐS trở nên méo mó, tuy nhiên hiện nay việc cấp chứng chỉ hoạt động các môi giới này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trong thời gian gần đây, thị trường BĐS Việt Nam đã chứng kiến hiện tượng giới đầu nậu, cò đất thao túng giá đất, hoặc tạo ra các cơn sốt đất ảo, các dự án “ma” không có thật để “bẫy” nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà khiến thị trường trở nên méo mó, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường.

Theo các chuyên gia BĐS, về lâu dài, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm soát quá trình hành nghề của giới đầu nậu và cò đất, rất có thể thị trường sẽ xuất hiện các hình thái tiêu cực, ví dụ như bong bóng BĐS, hoặc hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền,...

Hiện nay mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp (Ảnh minh họa)

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay, số lượng nhân viên môi giới BĐS đang hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập dao động trong khoảng 200.000 người, chủ yếu tập chung ở hai thị trường lớn là Hà Nội (với khoảng 70.000 nhà môi giới) và TP.HCM (khoảng 90.000 nhà môi giới).

Tuy nhiên, theo ước tính của VARS, mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp, chiếm khoảng 15%.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, con số 15% người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp như hiện nay là quá thấp.

Ông Đính thẳng thắng thừa nhận, số lượng người được cấp chứng chỉ hành nghề ít ỏi như hiện nay, không phải là do bản thân các công ty môi giới muốn hành nghề “chui”, thực chất, các công ty môi giới đã nhiều lần tha thiết xin Sở Xây dựng các địa phương đứng ra tổ chức thi sát hạch để lấy chứng chỉ hành nghề, thực hiện theo đúng quy định của Luật Kinh doanh BĐS.

Thời gian qua không ít địa phương xảy ra hiện tượng "cò đất" thao túng, tạo ra các cơn sốt đất ảo (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ở một số địa phương, các Sở xây dựng còn có tâm lý “ngại” tổ chức thi do quá nhiều việc liên quan tới công tác quản lý, cấp phép, thanh kiểm tra dự án BĐS trên địa bàn và không đủ nhân sự.

Bản thân Sở Xây dựng tại các địa phương cũng không chú trọng tới việc này. Chính vì vậy, số lượng người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cũng không nhiều. 

Ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM có đông người làm nghề môi giới nhưng các cuộc thi sát hạch lấy chứng chỉ cũng rất ít ỏi. 

Cụ thể, Hà Nội có 70.000 người làm nghề môi giới, TP.HCM là 90.000 người, nhưng một năm 2 địa phương này chỉ tổ chức 4 - 5 cuộc thi sát hạch, mỗi cuộc thi chỉ 300 - 400 người được cấp, như vậy là quá ít.

“Các địa phương nhỏ hơn, có quy mô thị trường BĐS tương đối hẹp thì họ chú trọng phát triển dự án hơn, nên quá trình tổ chức thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề môi giới rất hạn chế, chưa được quan tâm, chưa tương xứng với nhu cầu”, ông Đính nói.

Bàn về giải pháp, theo ông Đính, trong Luật Kinh doanh BĐS đã cho phép một số Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực BĐS có thể tham gia với vai trò tổ chức các cuộc thi sát hạch, và các Sở Xây dựng là đơn vị cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo các chuyên gia để quản lý hoạt động của môi giới BĐS cần có nhiều cuộc thi cấp chứng chỉ hành nghề

Trong 5 năm gần đây, bản thân Hội Môi giới BĐS cũng liên tục đề nghị các Sở Xây dựng đứng ra tổ chức thi sát hạch theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, rất ít địa phương hưởng ứng với đề nghị này.

"Muốn tăng tỷ lệ người được cấp chứng chỉ môi giới BĐS, thì bắt buộc các Sở Xây dựng phải ráo riết và quyết tâm tổ chức các cuộc thi sát hạch, hoặc ủy quyền cho các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực BĐS đứng ra tổ chức thi và được phép cấp chứng chỉ hành nghề.

Về mặt lợi ích, các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực BĐS đã có sẵn đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm trong nghề, đồng thời các Hội, Hiệp hội cũng đã có sẵn ngân hàng câu hỏi, sẵn sàng tổ chức thi một cách công bằng nhất, thay vì chỉ có Sở Xây dựng mới được tổ chức như hiện nay", ông Đính nói. 

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS, kể từ năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đã liên tục ban hành Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định 139 để quy định rõ các điều kiện khi làm nghề môi giới, cũng như các biện pháp xử lý khi hành nghề “chui”.

Cụ thể, tại Điều 58 Nghị định 139 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập không có chứng chỉ hành nghề,...

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi, kinh doanh môi giới bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS,...

"Tôi cho rằng các mức xử phạt như trên có đủ tính răn đe đối với hoạt động môi giới BĐS trái phép, tuy nhiên để chấn chỉnh được hiện tượng cò đất lộng hành thì cần phải có sự vào cuộc, siết chặt quản lý của các cơ quan nhà nước", ông Tuấn nói.

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến