Trong ngày thứ Sáu (26/04), Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng hàng đầu Larry Kudlow vui mừng với kết quả GDP tăng trưởng 3.2% trong quý 1/2019, gọi đây là “con số bùng nổ” và cho thấy nền kinh tế đang hoạt động tốt.
Thế nhưng, ông lại không từ bỏ lời kêu gọi Fed hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất – một động thái thường được dành riêng để ngăn chặn đà giảm tốc nghiêm trọng hoặc sự sợ hãi trên thị trường tài chính.
Ông Kudlow nói với CNBC rằng sự giảm tốc của chỉ số lạm phát yêu thích của Fed có thể “để ngỏ” khả năng giảm lãi suất trong vài tháng tới.
“Fed độc lập và tôi chỉ đang thể hiện quan điểm cá nhân. Tổng thống Mỹ dường như cũng đồng ý với quan điểm đó”, ông Kudlow nói.
Dĩ nhiên, báo cáo GDP quý 1/2019 không chỉ toàn điều tích cực, đâu đó vẫn còn những dấu hiệu suy yếu. Thế nhưng, lời bàn tán về khả năng giảm lãi suất vẫn khiến một số chuyên gia kinh tế “đau đầu”. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất và có thể gây phản tác dụng.
“Theo tôi, điều đó sẽ chẳng hợp lý tí nào”, Michael Gapen, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Barclays Capital, nói với CNN Business. “Rất lạ là chúng ta bàn luận về khả năng giảm lãi suất khi tăng trưởng và thị trường lao động đang rất mạnh”.
Fed sắp “hết đạn”
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 3.8%, gần với các mức thấp nhất trong lịch sử. Và chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite gần đây vừa lên kỷ lục mới, lần đầu tiên kể từ mùa thu năm 2018.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, thốt lên “thật vô lý” nếu Fed cắt giảm lãi suất tại thời điểm này.
Ông Boockvar lưu ý rằng bất chấp các đợt nâng lãi suất của Fed kể từ cuối năm 2015, lãi suất vẫn ở mức thấp. Và từ đó, Fed còn ít khoảng trống lãi suất để sử dụng khi đợt suy thoái kế tiếp hoặc tâm lý sợ hãi trên thị trường tài chính xuất hiện.
“Họ gần như sắp hết đạn. Hãy để dành đạn cho đến khi thực sự cần tới nó”, Boockvar cho biết.
Ngay cả một số người từng là đồng nghiệp của Kudlow tại CNBC cũng bất ngờ với các nhận định của ông.
“Larry, Larry, Larry – làm sao ông có thể nói về khả năng giảm lãi suất khi GDP tăng trưởng 3.2% trong quý 1/2019?”, David Faber của CNBC cho hay.
Cũng hợp lý khi cho rằng nền kinh tế Mỹ không hề mạnh như con số GDP thể hiện.
Những thước đo nền tảng về chi tiêu tiêu dùng vẫn còn yếu ớt. Và phần lớn tăng trưởng đến từ đà tăng của hàng tồn kho doanh nghiệp – một xu hướng có thể nhanh chóng xoay chiều và cho thấy các công ty đang dự trữ hàng hóa thay vì bán chúng ra.
“Con số GDP mạnh nhưng lại có cái nền yếu” là những gì John Ryding, Chuyên gia kinh tế trưởng tại RDQ Economics, nhận định về báo cáo GDP mới nhất.
Thế nhưng, ông Kudlow không hề nói về điều này trong ngày thứ Sáu (26/04) và Tổng thống Mỹ cũng chẳng làm gì ngoài việc ca ngợi con số GDP mới nhất.
Dù vậy, ông Kudlow đã đúng khi nói rằng thước đo lạm phát yêu thích của Fed đã giảm tốc từ trên 2% xuống 1.4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
“Lạm phát đang giảm tốc. Fed sẽ cần phải xem xét tới điều này”, Kudlow nói với CNBC.
Trước những bất ổn trên thị trường tài chính vào cuối năm 2018, Fed đã thay đổi lập trường chính sách từ “diều hâu” sang “bồ câu”. Hồi tháng 12/2018, các quan chức Fed còn dự báo nâng lãi suất 3 hoặc 4 lần trong năm 2019, nhưng giờ thì chẳng còn có ý định nâng lãi suất nữa.
Dĩ nhiên, Fed đã từng thực hiện giảm lãi suất trước khi suy thoái xảy ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC trước đó trong tháng này, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida nhớ lại về “các đợt giảm lãi suất kiểu như bảo hiểm” mà Fed đã thực hiện trong năm 1995 và 1998.
“Các đợt cắt giảm lãi suất không phải lúc nào cũng đi kèm với suy thoái”, Clarida nói thêm.
Tuy nhiên, ông Ryding của RDQ Economics chỉ ra rằng môi trường hiện nay đã rất khác so với trước đây. Tăng trưởng không chậm như những năm 1994, 1995. Trên thực tế, tăng trưởng ngày càng nhanh. Và ông Ryding lưu ý, lạm phát giảm tốc xuống 0.8% trong năm 1998, một năm đầy dấu ấn của căng thẳng thị trường vì sự vụn vỡ của quỹ đầu cơ Long Term Capital Management.
Cắt giảm lãi suất tại thời điểm này “sẽ là quá sớm và có khả năng là một sai lầm”, ông Ryding nói thêm.
Theo FILI
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy