Ngày 1/5 vừa qua, cơ quan chức năng Mỹ đã chính thức tiếp quản First Republic Bank và tiến hành bán lại tài sản của nhà băng này cho ngân hàng lớn nhất cả nước là JPMorgan Chase.
Theo trang tin CNN, đây là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ. Dù vậy, Fed được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm vào ngày 3/5 - khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày.
Khả năng cao Fed vẫn tăng lãi suất sau khi First Republic Bank sụp đổ. Ảnh: Bloomberg.
Cũng giống như Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) hay Signature Bank, vụ đổ vỡ của First Republic một phần bắt nguồn từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài của Fed. Khi lãi suất tăng, các khoản đầu tư của ngân hàng - nhất là đầu tư vào trái phiếu dài hạn - bị mất giá. Điều này dẫn tới việc hệ thống ngân hàng tại Mỹ đang gánh khoản thua lỗ hàng tỷ USD trên giấy tờ.
Ngoài ra, khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng cũng lại phải tăng lãi suất tiền gửi để cạnh tranh thu hút khách hàng với đối thủ khác. Điều đó đặt ra sức ép lớn đối với các ngân hàng khu vực và tầm trung, mà điển hình là những ngân hàng bị khách ồ ạt rút tiền khi xảy ra cuộc khủng hoảng hồi tháng 3.
Thị trường kỳ vọng tăng lãi suất
Vậy tại sao giới đầu tư vẫn tin chắc rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào ngày 3/5? Hãng tin CNN đã đưa ra 4 lý do để lý giải cho kỳ vọng này.
Lý do đầu tiên là thị trường tài chính đã phản ánh vào giá các tài sản về khả năng Fed tăng lãi suất trong lần họp này.
Theo giáo sư kinh tế học Jonathan Ernest tại Đại học Case Western Reserve, việc tăng lãi suất trở nên dễ dàng hơn đối với Fed khi thị trường đã kỳ vọng và thậm chí là phản ứng trước với điều này.
Cụ thể, thị trường hợp đồng tương lai đang phản ánh 80% khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 3/5.
"Nếu Fed không nâng lãi suất như vậy, thị trường sẽ sửng sốt và càng có thêm nhiều người tin rằng lãi suất sẽ tăng trong tương lai”, ông Ernest nhấn mạnh.
Cân bằng nền kinh tế
Thứ hai, Fed muốn tránh việc tăng lãi suất ngắt quãng.
Mục đích của Fed khi tăng lãi suất là chống lạm phát, chống lại sự leo thang của giá cả và làm giảm tốc nền kinh tế bằng cách khiến cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn khi cơ quan này luôn phải cân bằng giữa chống lạm phát và suy thoái kinh tế.
Hồi đầu những năm 1980, Fed đã “thay đổi liên tục” giữa tăng và giảm lãi suất để kiểm soát lạm phát đồng thời kích thích hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, dạng chính sách tiền tệ này - được giới chuyên gia gọi là “stop-and-go” (dừng và đi) - bị xem là thảm hoạ và đương nhiên, Fed không thể chống được lạm phát và cũng chẳng thể “hâm nóng” nền kinh tế.
Hiện tại, lạm phát ở Mỹ đã giảm so với mức đỉnh 9% vào mùa hè năm ngoái, tuy nhiên chỉ số này vẫn cao gấp đôi so với mục tiêu 2%. Do đó, Fed vẫn tập trung vào việc chống lạm phát hơn bất kỳ nhiệm vụ nào khác ở thời điểm này.
Fed luôn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa giảm lạm phát và tránh suy thoái. Ảnh: Brookings.
Lạm phát dịch vụ khó giảm
Thứ ba, lạm phát giá dịch vụ không dễ giảm như giá hàng hóa..
Một lý do khiến Fed gặp khó trong việc kéo lạm phát xuống là giá dịch vụ không giảm theo các đợt tăng lãi suất.
Theo báo cáo tháng 3 vừa rồi, giá dịch vụ tại Mỹ vẫn tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, CPI toàn phần bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 5%.
Tuy nhiên, Fed khó có thể gây ảnh hưởng lên giá dịch vụ bởi lĩnh vực này thường có sự ràng buộc với tiền lương, mà tiền lương ở Mỹ đang tăng rất nhanh. Theo chỉ số chi phí nhân công, tiền lương nước này hiện tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không sợ khủng hoảng ngân hàng
Và cuối cùng, Fed không hề lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng có hệ thống.
Nếu xem những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây là một vấn đề mang tính hệ thống, Fed nhiều khả năng sẽ đánh giá lại lại kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, giới chức Fed không bày tỏ mối lo ngại nào như vậy.
“Một vài ngân hàng khu vực sụp đổ không phải là lý do để Fed thay đổi chiến lược”, ông Ernest nói với CNN. “Vụ sụp đổ chắc chắn đã gây sốc và khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khủng hoảng 2008, tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy lịch sử sẽ lặp lại", vị giáo sư cho hay.
Tác giả: Hằng Nga
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy