Theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2023, nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng sẽ tăng đột biến. Giá các loại vật liệu xây dựng này cũng được dự báo tăng, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương.
Để rõ hơn về dự báo trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Nam - Trưởng phòng Định mức và đơn giá, Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), từ đó đưa ra phương án điều hành giá trong thời gian tới.
Giá cát, đá xây dựng tăng do loạt dự án giao thông
- Đầu tiên, xin ông cho biết tình hình thị trường vật liệu xây dựng, nhất là giá cát, đá xây dựng, ximăng, thép và nhựa đường trong thời gian tới có gì đáng lưu ý?
Ông Nguyễn Thành Nam: Căn cứ vào diễn biến thị trường vật liệu xây dựng trong 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng dự báo giá cát, đá xây dựng trong quý 3/2023 vẫn tiếp tục tăng do các dự án giao thông trọng điểm được khởi công đồng loạt trên cả nước từ đầu năm.
Trong đó có một số dự án trọng điểm như: 10 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa; vành đai 4 tại Hà Nội; vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Thực tế trên khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng trong thời gian tới tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương. Trong đó, những “điểm nóng” về vật liệu sẽ tập trung tại 3 điểm chính là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Riêng đối với các loại vật liệu xây dựng như ximăng, thép xây dựng và nhựa đường, Bộ Xây dựng dự báo giá sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý 3/2023 do khả năng cung cấp và sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu thi công xây dựng và xuất khẩu.
Nhà thầu thi công đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Mặt khác, thị trường bất động sản đang chững lại, “cầu” dường như không có, trong khi “cung” lại tồn kho quá nhiều. Vì thế, mặc dù vật liệu đầu vào tăng nhưng “cung” quá nhiều, người mua thì ít, nên thực tế cũng không thể tăng được giá.
- Ông có thể thông tin rõ hơn về cơ sở cũng như căn cứ vào dữ liệu nào để dự báo giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá đất đắp, đá, cát xây dựng trong thời gian tới sẽ tăng đột biến?
Ông Nguyễn Thành Nam: Dự báo trên được căn cứ dựa trên số liệu, đánh giá về thị trường vật liệu, nhân công hay tình hình thi công các dự án xây dựng, do Viện Kinh tế xây dựng nghiên cứu. Các thông tin này được viện tập hợp thành báo cáo, dự báo biến động của thị trường, từ đó chuyển thể thành các báo cáo điều hành của Bộ Xây dựng để gửi Thủ tướng và các cấp, bộ, ngành để nắm bắt tình hình.
Ví dụ như giá thép thì thông thường sẽ liên quan đến quặng thép, dầu, than… Do vậy, trong trường hợp giá thép tăng thì đương nhiên giá thành của các mặt hàng liên quan cũng sẽ tăng.
Một nguồn khác có thể căn cứ để dự báo, đó là nguồn tiêu thụ ở trong nước như sản phẩm vật liệu xây dựng được tiêu thụ thế nào, tồn kho ra sao. Doanh nghiệp không bán được thép, ximăng thì giá có tăng hay không? Hay như ximăng, nguồn đầu vào cao nhưng hàng không bán được thì doanh nghiệp cũng không thể giảm hay tăng được giá sản phẩm, mà vẫn phải “neo” ở một mức giá phù hợp.
Công bố giá là kênh thông tin tin cậy cần phải thực hiện
- Như ông đề cập ở trên, tới đây, các chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án giao thông sẽ gặp khó khăn do nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng tăng đột biến. Điều này có thể hiểu là nguồn “cung” đất đắp, đá, cát xây dựng dự báo sẽ khan hiếm?
Ông Nguyễn Thành Nam: Nguồn cung về khai thác vật liệu xây dựng (như đất đắp, đá, cát xây dựng) ở các địa phương mà có dự án giao thông đi qua, trên thực tế hiện vân đang gặp khó khăn.
Về khâu thủ tục, mặc dù một số mỏ đã được cấp phép nhưng để đưa điểm mỏ đi vào khai thác, vận hành chính thức lại là cả quá trình. Bởi lẽ, để khai thác được mỏ còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như việc đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng…
Do vậy, nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là đất đắp, cát, đá xây dựng trong thời gian tới dự báo sẽ khan hiếm. Đây cũng là lý do khiến giá thành vật liệu xây dựng dự báo sẽ tăng.
- Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ bản các địa phương đều thực hiện việc công bố giá vật liệu xây dựng, song vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện công bố theo quy định. Vậy việc các địa phương chưa, chậm công bố giá, có ảnh hưởng thế nào tới thị trường vật liệu xây dựng?
Ông Nguyễn Thành Nam: Việc công bố giá vật liệu xây dựng thuộc về trách nhiệm của các địa phương. Đây được xem là một kênh thông tin chính thống, tin cậy và “sát” với diễn biến của thị trường, để cho các dự án đầu tư công có cơ sở áp dụng.
Tuy vậy, hệ thống này cũng không phải là duy nhất, bởi có những thời gian biến động giá thị trường (như thời điểm hiện nay), công bố giá không theo kịp, nên các dự án vẫn có thể lấy theo báo giá của các hãng ở bên ngoài để điều chỉnh.
Trên cơ sở đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng đã được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, việc triển khai trong thời gian qua cũng không tránh khỏi những khó khăn. Do đó, trong các tháng đầu năm 2023 vẫn còn 1 số địa phương chưa, chậm công bố giá vật liệu theo quy định.
Trong đó, một số địa phương mới thực hiện công bố đến quý 1/2023 như Bắc Kạn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Thậm chí, một số địa phương mới thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng của quý 4/2022 như: Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Kiên Giang.
Cùng với thị trường vật liệu xây dựng, bất động sản cũng được dự báo sẽ còn gặp khó. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Tuy vậy, việc chậm công bố chỉ số giá cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường, bởi trong việc công bố giá, đa phần là dựa vào thông tin của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vật liệu. Khi các doanh nghiệp, đơn vị khai thác gửi lên thì Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố sẽ cập nhật lên hệ thống và công bố theo quý hoặc tháng khi có sự biến động cần thiết phải công bố để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí.
Cần “thông” nguồn cung để giá đi vào nề nếp
- Việc giá vật liệu xây dựng (nhất là cát và đá xây dựng) trong quý 3/2023 dự báo vẫn tiếp tục tăng có ảnh hưởng thế nào đến thị trường bất động sản, nhất là đối với việc triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội ở trên cả nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Nam: Đương nhiên khi giá vật liệu xây dựng tăng cao thì thị trường bất động sản cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế khi giá vật liệu đầu vào tăng thì giá bán sản phẩm bất động sản cũng sẽ bị đẩy lên, gây khó cho người mua nhà.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường vật liệu xây dựng như sắt, thép, ximăng, bêtông đang tồn kho rất nhiều và dường như “chưa có lối thoát” do không có người mua. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi thị trường bất động sản dường như đang “đóng băng,” không phát triển được vì không có dự án mới nào; dự án cũ thì đang ách tắc.
- Qua nhiều năm nghiên cứu về định mức và đơn giá, ông có nhìn nhận hay đánh giá gì khả quan về thị trường vật liệu xây dựng cũng như thị trường bất động sản trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thành Nam: Ở góc độ cá nhân, qua tham dự một số cuộc hội thảo với các đánh giá, chia sẻ của giới chuyên gia, tôi thấy tình hình thép, ximăng, bê tông hiện nay vẫn đang chững lại. Ngay cả thị trường bất động sản cũng đang chững lại. Do vậy, xét trên bình diện chung thì vẫn chưa thấy tín hiệu gì khả quan.
Bên cạnh đó, vật liệu khai thác thì hiện nay vẫn đang bị “ách tắc” tại các điểm mỏ nên không đảm bảo ổn định nguồn cung. Tôi cho rằng chỉ khi “thông suốt” nguồn cung cũng như “gỡ” được khó khăn về pháp lý để các mỏ sớm đi vào khai thác thực chất thì mới có nguồn cung đúng và lúc đấy giá thành mới đi vào nề nếp.
- Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có phương án điều hành giá thế nào để thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng cũng như xây dựng thị trường vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Thành Nam: Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, cập nhật các vướng mắc của các địa phương trong quá trình thu thập, công bố giá vật liệu xây dựng để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc công bố giá vật liệu xây dựng, giá thi công, chỉ số giá đảm bảo đúng tần suất, thời gian và thống nhất trong cả nước.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tổ chức theo dõi thị trường giá xây dựng, bất động sản, dịch vụ đô thị để tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng, giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Bộ cũng đánh giá và dự báo thị trường bất động sản, có kế hoạch kiểm tra, làm việc với các địa phương nơi có công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay đang triển khai để có hướng xử lý về vấn đề nguồn vật liệu cho các dự án./.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Hùng Võ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy