Dòng sự kiện:
Vì sao lãi suất huy động vốn của các ngân hàng ồ ạt tăng?
16/10/2018 20:00:43
Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc nhiều ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động vốn dịp cuối năm xuất phát từ dấu hiệu dòng tiền của "nhà băng" bị ứ đọng.

Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến cuộc đua tăng lãi suất huy động khá mạnh mẽ. Đáng lưu ý, "cuộc đua" ấy lại không xảy ra ở nhóm ngân hàng nhỏ như thường lệ, mà lại là đến từ nhóm Big4 – 4 ngân hàng lớn nhất.

Trong một tháng trở lại đây, lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank... vừa tăng từ 0,1 - 0,3%/năm so với kỳ hạn trước đó.

Cụ thể, lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng này kỳ hạn 1 tháng lên 4,4 - 4,5%/năm, 3 tháng lên 4,8 - 5%/năm, 6 tháng 5,5%/năm... Tuy nhiên, lãi suất này của các ngân hàng vẫn thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn.

Sự biến động tăng lên của lãi suất huy động ở các ngân hàng lớn đã đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao, với lãi suất của nhóm Big 4 thậm chí đã cao hơn ở nhiều ngân hàng tư nhân khác. Chẳng hạn tiền gửi kỳ hạn ngắn thì đang cao hơn LienVietPostBank trong khi kỳ hạn dài thì đang xếp trên cả những cái tên như ACB, Eximbank, MB hay Techcombank…  Việc tăng lãi suất huy động vốn có thể đem lại lợi ích cho người gửi, tuy nhiên nó cũng khéo theo hệ lụy các ngân hàng cũng phải nâng lãi suất cho vay đối với khách hàng. Bởi về bản chất ngân hàng cũng chỉ là người “đi vay để cho vay”.

Câu hỏi đặt ra là, vậy vì sao các ngân hàng lớn lại gấp gáp tăng lãi suất đến như vậy? Liệu động thái này có làm kim chỉ nam cho các ngân hàng nhỏ khác hành động theo? Mặt bằng lãi suất cho vay liệu có bị tác động?..

Lãi suất tiền gửi dưới 9 tháng của một số ngân hàng.

Xoay quanh những vấn đề này, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Các ngân hàng lớn có động thái tăng lãi suất huy động vốn là việc khá bất ngờ, bởi thông thường các ngân hàng nhỏ sẽ có phản ứng nhanh hơn trong mỗi đợt tăng lãi suất. Tôi cho rằng nguyên nhân của việc này đến từ 2 yếu tố".

Vị chuyên gia phân tích, thứ nhất là thể hiện việc dự báo xu hướng thị trường của các ngân hàng. Trong điều kiện hiện nay, nhiều tổ chức dự báo lạm phát bị áp lực lớn trong thời điểm cuối năm 2018 và đặc biệt là 2019, xuất phát từ những ảnh hưởng của thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu tăng, những hạn chế về bảo hộ của nhà nước với giá cả thị trường… Là một yếu tố dẫn tới việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn.

Yếu tố thứ hai là các ngân hàng lớn bị ảnh hướng bởi nợ xấu, từ đó thiếu dòng tiền phục vụ cho kinh doanh. Chuyên gia Trí Hiếu ví nợ xấu như một cục máu đông làm ngưng trệ mạch máu lưu thông trên cơ thể. Từ đó dòng tiền sẽ không được luân chuyển và bị ngắt quãng. Để khỏa lấp khoản vốn bị ngưng đọng, các ngân hàng lớn phải tăng lãi suất để thu hút nhà đầu tư.

Chuyên gia Trí Hiếu cho biết, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng lớn sẽ có tác động tới các ngân hàng nhỏ. Trên thực tế các ngân hàng tư nhân cũng đã bắt đầu có phương án tăng lãi suất để nắm bắt xu thế.

Theo chuyên gia ngân hàng, hiện nay các ngân hàng thương mại đang đẩy tăng lãi suất kỳ hạn dài bởi chính sách siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHNN, do đó rõ ràng người dân gửi tiền kỳ hạn dài sẽ có lợi hơn kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên xét độ rủi ro của thị trường thì nên chọn kỳ hạn dưới 12 tháng là tối ưu.

Ngoài lý do trên thì việc lãi suất tăng cũng được cho là biện pháp chủ động của NHNN thông qua hoạt động rút ròng, từ đó khiến lãi suất liên ngân hàng bằng VND tăng lớn hơn mức tăng của lãi suất USD, giúp đồng nội tệ tăng giá, góp phần hạ nhiệt tỷ giá.

“Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất huy động lần này chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn, một chỉ báo cho thấy thanh khoản của một số tổ chức tín dụng đang có vấn đề”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến