Dòng sự kiện:
Vì sao ngân hàng 'hy sinh' nguồn thu trăm tỷ để miễn phí chuyển tiền?
02/01/2022 17:50:19
Không hẹn mà gặp, ba ngân hàng quy mô lớn nhất Việt Nam đồng loạt thông báo miễn phí chuyển tiền tài khoản từ 1/1/2022.

Những ngày qua, thông tin về việc các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 lần lượt thông báo miễn phí toàn bộ chuyển khoản online từ 1/1/2022 đã thu hút sự quan tâm của những khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại đây.

Cụ thể, Vietcombank sẽ miễn toàn bộ phí dịch vụ trên VCB Digibank – Kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân của Vietcombank. Khách hàng thực hiện chuyển tiền sẽ được miễn phí mà không cần đăng ký gói dịch vụ, không yêu cầu số dư tối thiểu.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ bao gồm phí duy trì dịch vụ VCB Digibank (mức phí trước đây là 10.000 đồng/tháng) và phí quản lý 1 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank (mức phí trước đây là 2.000 đồng/tháng).

Tương tự, tại BIDV, từ 1/1/2022, khách hàng cá nhân được miễn toàn bộ phí khi giao dịch trên BIDV SmartBanking, bao gồm phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống BIDV, phí duy trì dịch vụ, phí quản lý 1 tài khoản, phí tin nhắn OTT…

Hay tại Vietinbank, ngân hàng này thông báo miễn toàn bộ các loại phí trên kênh ngân hàng số VietinBank iPay, khách hàng không cần tham gia các gói tài khoản thanh toán hay duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản đều được hưởng các ưu đãi hấp dẫn này.

Trước đó, vào giữa tháng 5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất, chính thức tham gia cuộc đua miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số của Agribank.

Trong khi đó, các ngân hàng còn lại thu phí phổ biến từ 1.100 đồng đến 10.500 đồng. Với những khoản tiền lớn hàng tỷ đồng, mức phí có thể lên tới hàng trăm, hoặc thậm chí gần 1 triệu đồng. Chẳng hạn, tại ACB, chuyển tiền khác tỉnh sẽ tính phí 0,07% giá trị món tiền, tối thiểu 10.500 đồng, tối đa 350.000 đồng.

Đây được xem như là xu hướng của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, với việc tuyên bố miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng số từ năm 2022, các ngân hàng trên sẽ phải hy sinh phần lớn lợi nhuận ở hoạt động thanh toán, vốn là nguồn thu quan trọng trong mảng dịch vụ của ngân hàng.

Thực tế, xu hướng kể trên miễn toàn bộ phí giao dịch ngân hàng số nằm trong chiến lược “zero fee” đã được rất nhiều ngân hàng thương mại tư nhân thực hiện những năm gần đây, như Techcombank, VIB, TPBank, MSB…

Lý giải cho vấn đề trên, TS. Chu Tuấn Linh – Phó giám đốc khối ngân hàng đầu tư, CTCP Chứng khoán An Bình cho biết: “Theo tôi việc miễn phí là bước đi hoàn toàn bình thường của các ngân hàng trong việc cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, mà cái hướng tới chính là nguồn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn với lãi suất rẻ mà các ngân hàng tận dụng được từ khách hàng (được gọi là CASA). Để cạnh tranh nhau, thu hút nguồn vốn giá rẻ này thì các ngân hàng phải miễn phí cho các giao dịch chuyển tiền và một số dịch vụ khác là điều tất yếu.”

Điều này được chứng minh khi "Zero fee" đã mang về cho Techcombank lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn, không ngừng tăng trưởng qua các năm. So với các hình thức huy động vốn khác, CASA là nguồn chi phí vốn giá rẻ mà các ngân hàng đều "khao khát". Tỉ lệ CASA của nhà băng này đạt mức kỷ lục và cao nhất hệ thống, vào khoảng 49% tới cuối tháng 9 năm nay.

Bên cạnh đó, việc thanh toán này được xem là bàn đạp để thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng và thực hiện đề án thanh toán không tiền mặt mà NHNN đề ra mới đây.

Cùng với đó, các ngân hàng sẽ chú trọng đầu tư cho các ứng dụng ngân hàng số và cơ sở vật chất hiện đại để mang đến trải nghiệm cho khách hàng.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến