Sau gần 3 tuần liên tục mở rộng quy mô hút tiền qua kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dần thu hẹp, thậm chí dừng phát hành trong những ngày gần đây. Theo đó, trong phiên 19/7 và 20/7 chỉ có 7.000 tỷ tín phiếu mới được chào bán thành công, trong khi lượng đáo hạn lần lượt là 19.700 tỷ và 18.000 tỷ. Đến ngày 21/7, chỉ có 150 tỷ tín phiếu 56 ngày trúng thầu nhưng có tới 20.000 tỷ tín phiếu 14 ngày 7/7 đáo hạn.
Đáng chú ý, đến phiên 22/7 đánh dấu lần đầu tiên sau khoảng hơn 1 tháng qua NHNN ngừng hút tiền qua kênh tín phiếu, trong khi có 5.150 tỷ đáo hạn.
Tính chung trong tuần qua, NHNN đã bơm trả lại thị trường 53.900 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Đồng thời, do phát hành mới ít hơn số đáo hạn khiến lượng tín phiếu lưu hành cũng liên tiếp giảm về còn hơn 123.329 tỷ đồng, từ mức gần 200.000 tỷ duy trì trong những ngày đầu tháng 7.
Không chỉ thả bớt tiền về thị trường khi tín phiếu đáo hạn, NHNN cũng bơm thanh khoản đều đặn cho các ngân hàng có nhu cầu qua kênh cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO)với khối lượng phát hành khoảng 200 - 300 tỷ đồng/ngày ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%. Đến phiên 22/7, lượng tiền bơm ròng qua kênh OMO ghi nhận khối lượng đột biến với gần 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN vẫn thường xuyên duy trì lượng chào thầu 5.000 tỷ đồng hàng ngày nhưng lượng khớp rất hạn chế, chỉ xoay quanh 200- 300 tỷ đồng/ngày với một vài thành viên có nhu cầu vay mượn. Nhưng đến phiên 22/7, gần như toàn bộ 5.000 tỷ đồng chào thầu đã được 7 thành viên vay hết, lãi suất vẫn giữ nguyên ở 2,5%/năm. Tình trạng này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã không còn dư thừa như những tuần trước.
Thanh khoản hệ thống bớt dư thừa còn thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn chính tăng rất mạnh trong tuần qua. Cập nhật đến hết ngày 21/7, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã vọt lên 2,16%, từ mức 0,83% ghi nhận vào cuối tuần trước và gấp 5 - 6 lần giai đoạn trước khi NHNN bắt đầu hút tiền qua kênh tín phiếu. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng cũng đều tăng so với cuối tuần trước, đặc biệt là kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng.
Ngân hàng Nhà nước đang suy tính gì?
Dù thu hẹp quy mô, NHNN đã liên tiếp tăng kỳ hạn của tín phiếu phát hành mới. Theo đó, sau khi "thử nghiệm" với kỳ hạn 7 ngày trong tuần hút tiền đầu tiên, NHNN nâng lên kỳ hạn 14 ngày và bổ sung kỳ hạn 28 ngày; đến phiên 18/7 - 21/7, nhà điều hành đã dừng hẳn các kỳ hạn 14 và 28 ngày, chuyển sang hoàn toàn kỳ hạn 56 ngày (tương đương 8 tuần giao dịch).
Đi cùng với việc kéo dài kỳ hạn, số thành viên tham gia mua tín phiếu từ NHNN cũng hạn chế hẳn, như ngày 20/7 chỉ có 1 thành viên và tới ngày 22/7 thì không có thành viên nào sẵn sàng gửi tiền về NHNN tại kỳ hạn 56 ngày, lãi suất 2,3%/năm.
Theo giới phân tích, việc chủ động giảm quy mô hút tiền nhưng tăng kỳ hạn tín phiếu cho thấy nhà điều hành muốn ''nhốt'' lượng tiền dư thừa lâu hơn song vẫn đảm thanh khoản hệ thống trong 1 – 2 tháng tới. Những bước đi mới của diễn ra trong bối cảnh NHNN đã và đang thực hiện bán USD nhằm hạ nhiệt tỷ giá, qua đó hút về một lượng tiền lớn.
Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NHNN đã bán ra khoảng 12 - 13 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Riêng trong hai tuần qua, NHNN đã bán rao ngay hơn 1,4 tỷ USD, tương ứng 32.760 tỷ đồng đã được rút ra khỏi hệ thống qua kênh ngoại tệ.
Mặt khác, nhóm phân tích cũng ước tính có khoảng hơn 4 tỷ USD hợp đồng kỳ hạn đáo hạn trong tháng 7. Điều này đồng nghĩa các ngân hàng thương mại cần chuẩn bị nguồn hơn 100 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, VDSC cho rằng trong bối cảnh áp lực còn hiện hữu đến từ vĩ mô thế giới, nhiều khả năng một số hợp đồng này sẽ được gia hạn với mức giá cao hơn.
Nhận định về hoạt động điều hành của NHNN, ông Trần Ngọc Báu - Founder & CEO của WiGroup cho biết, một số hợp đồng bán USD kỳ hạn 3 tháng của NHNN sẽ đáo hạn vào nửa cuối tháng 7, tuy nhiên theo nguồn tin chưa chính thức thì các hợp đồng này sẽ được gia hạn thêm 3 tháng. Điều này đồng nghĩa, một lượng lớn tiền Đồng sẽ bị NHNN hút về qua kênh bán ngoại tệ vào tháng 10 thay vì tháng 7.
Theo ông Báu, với việc sử dụng tín phiếu 56 ngày, thời điểm NHNN trả tiền về thị trường khi tín phiếu đáo hạn sẽ rơi vào giai đoạn tiền bị rút ra khỏi hệ thống khi các hợp đồng bán ngoại tệ đến hạn thanh toán. Do đó, việc tăng kỳ hạn tín phiếu lên 56 ngày rất có thể là biện pháp trung hòa các dòng tiền nhằm ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, bằng tín phiếu 56 ngày, NHNN cũng muốn nâng lãi suất VND liên ngân hàng tại các kỳ hạn dài; qua đó, góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD – VND, ổn định tỷ giá.
Tác giả: Quang Hưng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy