Dòng sự kiện:
Vì sao nợ xấu khó tìm được người mua?
18/11/2018 07:00:12
Có tài sản chỉ đấu giá một lần là bán được, nhưng cũng có tài sản phải đấu giá đến 10 lần vẫn chưa có người mua, lãnh đạo một công ty bán đấu giá cho biết.

Hầu hết các khoản nợ xấu thường được chào bán với giá cao hơn giá thị trường rất nhiều. 

Theo vị này, thị trường mua bán nợ hiện phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố là chất lượng khoản nợ và giá chào bán. Không riêng dự án nghìn tỷ là bất động sản (BĐS), nhiều khoản nợ xấu có giá trị nhỏ hơn nhưng không phải bất động sản cũng đang rất khó bán.

Hiện có nhiều khoản nợ xấu được công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thương mại rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

Chào bán “ế” nặng

Điển hình là khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Sài Gòn và 92 khách hàng. Theo quy định, hạn cuối nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá khoản nợ này là ngày 28/10, nhưng cuối cùng vẫn không có nhà đầu tư nào đăng ký. Đây là lần thứ ba, khoản nợ xấu này được mang ra đấu giá mà vẫn “ế”.

Một dự án BĐS “khủng” khác là khu phức hợp Saigon One Tower ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, với mức đấu giá được VAMC đưa ra là hơn 6.110 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ gốc và lãi trên 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, hơn một năm trôi qua, đến nay, khoản nợ này cũng chưa tìm được người mua vì giá trị tài sản quá lớn, hiếm có nhà đầu tư nào đủ năng lực tài chính.

Tương tự, khoản nợ của công ty TNHH Thành Phố Vàng là tài sản đảm bảo của Agribank đã bán nợ sang VAMC quyền sử dụng 7.851m2 đất (phường Phú Hữu, quận 9, TP.Hồ Chí Minh) đấu giá nhiều lần nhưng cũng không bán được.

Đáng chú ý, không riêng nợ xấu nghìn tỷ là các dự án BĐS, các khoản nợ xấu có giá trị nhỏ hơn không phải là BĐS lại càng khó bán.

Chẳng hạn như khoản nợ 111 tỷ đồng của CTCP Thương mại NEM với tài sản là toàn bộ hàng tồn kho của công ty (hàng thời trang, quần áo, đầm bầu…) trị giá gần 34 tỷ đồng được dùng làm tài sản đảm bảo ở Vietinbank.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho biết những trường hợp trên không phải là cá biệt, mà là tình trạng chung đối với hầu hết các khoản nợ xấu hiện nay.

Nguyên nhân được cho là do các ngân hàng khi bán nợ xấu thường tính đến cả số tiền gốc lẫn lãi, trong khi đó, những tài sản đảm bảo sau một thời gian dài thường không còn giá trị như ban đầu. Chưa kể, một số tài sản đảm bảo khi đấu giá đang còn những tranh chấp, kiện tụng hoặc có giá trị quá cao khiến nhà đầu tư không đủ năng lực để mua.

Mấu chốt là giá chào

Theo tiết lộ của một cán bộ xử lý nợ xấu ở một ngân hàng thương mại lớn, thông thường trong phiên đấu giá đầu tiên, ngân hàng sẽ tính toán đưa ra mức giá khởi điểm bằng cách cộng cả vốn gốc lẫn lãi suất và lãi phạt.

Với cách tính này, nếu ngay trong phiên đầu bán được mức giá đó, ngân hàng sẽ giải quyết dứt điểm được khoản nợ xấu mà không phải tiếp tục truy lùng các tài sản khác của bên vay để thu giữ.

Tuy nhiên, trong trường hợp không bán được, theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, ngân hàng có quyền giảm giá bán sản phẩm cho đến khi tìm được người mua, lúc đó kể cả ngân hàng có giảm giá nhiều lần vẫn thu được vốn gốc và sát với giá thị trường.

Đó là lý do hầu hết các khoản nợ xấu thường được chào bán với giá cao hơn giá thị trường (giá do các cơ quan thẩm định giá độc lập đưa ra) rất nhiều.

Đơn cử, trong năm 2017, Agribank đã nhiều lần thực hiện đấu giá tài sản dự án V-Ikon của công ty TNHH Việt Thuận Thành (đường Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) với giá khởi điểm lần lượt từ 373,5 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 336,15 tỷ đồng, rồi 319,5 tỷ đồng, gần 300 tỷ đồng, nhưng vẫn không thành công.

Tuy nhiên, trong tháng 7/2018, VAMC thực hiện đấu giá với mức khởi điểm 299,55 tỷ đồng, giá trúng là 301,15 tỷ đồng, vượt 1,6 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Lãnh đạo một công ty bán đấu giá chia sẻ thị trường mua bán nợ hiện phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố chính là chất lượng khoản nợ và giá cả chào bán. Có tài sản chỉ đấu giá một lần là bán được, nhưng cũng có tài sản phải đấu giá đến 10 lần vẫn chưa có người mua.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành ngân hàng, cho rằng nợ xấu cũng như hàng hóa, có khoản bán nhanh, khoản bán chậm. Thị trường có cung thì sẽ có cầu, vấn đề là bán mức giá nào.

“Nếu bán giá thấp, chắc chắn sẽ có người mua, vì người mua sẵn sàng bán lại để kiếm lời. Kể cả người mua về sử dụng thì họ cũng mong muốn mua được đúng với giá trị thực của hàng hóa”.

Theo Thời báo kinh doanh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến