Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Những ngày gần đây, nhiều khách hàng ở Hà Nội phản ánh tiền điện tăng cao và nghi ngại có sự nhầm lẫn trong tính tiền điện.
Một khách hàng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ gia đình có 4 điều hòa và một số thiết bị điện khác. Gia đình chỉ sử dụng điều hòa vào buổi tối. Mọi tháng, tiền điện của gia đình dưới 4,2 triệu đồng, còn tháng Năm, tiền điện tăng lên 5,6 triệu đồng.
Lý giải về vấn đề này, ngày 14/6, đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết theo quy luật thời tiết hằng năm, tháng Năm và Sáu là thời điểm khu vực miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, bước vào cao điểm mùa Hè, bắt đầu có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao kéo theo tiền điện cũng cao hơn tháng trước đó.
Trong tháng Năm, dù Hà Nội chỉ hứng chịu 1 đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày (vào ngày 20 và 21/5) nhưng lượng điện tiêu thụ trung bình đã lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng Tư (42,99 triệu kWh/ngày).
Từ đầu tháng Sáu đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Cùng với đó, hiệu ứng nhà kính đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C.
Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. Đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay.
Nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, có thể nhận thấy sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô trong tháng Sáu đã tăng rất cao. Cụ thể, tính đến ngày 12/6, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 80,082kWh, tăng 28% so với tháng Năm và 86% so với tháng Tư.
Như vậy, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng Năm và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng Sáu (từ 1/6 đến 12). Do nắng nóng nên nhiều gia đình, trường học, công sở đã tăng các thiết bị làm mát để phòng tránh nắng nóng.
Chỉ tính trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), sản lượng điện tiêu thụ trong tháng Năm tăng 100% so với tháng trước đó.
Công ty Điện lực quận Nam Từ Liêm cho biết hầu hết các trường học trên địa bàn đều lắp đặt thêm điều hòa trong các phòng học và phòng chức năng. Vì nhu cầu sử dụng điện tăng, công ty đã phải "căng mình" để cấy thêm đường dây, lắp đặt thêm trạm biến áp cấp điện cho 43 điểm trường học các cấp trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, nắng nóng sẽ liên tục xảy ra trong cả tháng Sáu, ít có khả năng gián đoạn và nếu có gián đoạn cũng chỉ trong 1-2 ngày.
Vì thế, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/5 đến ngày 15/6 thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra. Do thời tiết nắng nóng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ - "thủ phạm" chính làm cho tiền điện tăng cao.
Nghiên cứu cho thấy vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50-60%.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Nhiệt-Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2-3%.
Cùng với đó, nhiều người có thói quen trời càng nóng thì cài nhiệt độ điều hòa càng thấp vô tình làm tốn thêm điện. Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống 1 độ C, mức tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5-3%.
Vị chuyên gia này khuyến cáo để giúp giảm chi phí và góp phần vận hành ổn định lưới điện Thủ đô, khách hàng sử dụng điện cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.
Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2-3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Một nguyên nhân khác khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, theo EVN HANOI, là việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện, gây hại sức khỏe.
Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, EVN HANOI khuyến cáo người sử dụng điện không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như bếp điện, máy giặt, bình nóng lạnh…) trong giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 18 giờ đến 23 giờ hằng ngày).
Đại diện EVN HANOI cho biết đơn vị sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của khách hàng và có trách nhiệm kiểm tra, xử lý và giải đáp một cách thỏa đáng mọi thắc mắc về hóa đơn tiền điện thông qua tổng đài 19001288.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy