Vì sao tiền giả chỉ mãi là tiền giả?
27/11/2014 09:22:29
ANTT.VN - Tiền giả là một vấn nạn mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, đồng tiền giả dù làm tinh vi đến đâu cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có các yếu tố bảo an hoặc có làm giả một số yếu tố nhưng không tinh xảo.

Tin liên quan

12 yếu tố bảo an trên đồng tiền polymer

Tiền polymer tại Việt Nam là loại tiền bằng polymer được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 2003, có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại, đồng thời nâng cao chất lượng, nhất là khả năng chống làm giả của đồng tiền.

Mặt trước của đồng tiền có hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mệnh giá bằng số và bằng chữ, hoa văn trang trí.

Mặt sau của đồng tiền có dòng chữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mệnh giá bằng số và bằng chữ, phong cảnh hoặc công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa, hình hoa trang trí.

Đặc điểm bảo an của tờ 500.000 đồng

Các đặc điểm bảo an cơ bản của đồng tiền polymer đó là: hình bóng chìm; dây bảo hiểm; hình định vị; yếu tố in lõm (nét in nổi); mực đổi màu OVI (mệnh giá 100.000, 200.000, 500.000 đồng); hình ẩn nổi (mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000, 200.000 đồng); IRIODIN (dải màu vàng lấp lánh); cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi, cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn – DOE (mệnh giá 50.000, 100.000, 200.000 và 500.000 đồng); mảng chữ siêu nhỏ; mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím; số seri phát quang khi soi dưới đèn cực tím.

Đặc điểm bảo an của tờ 200.000 đồng

Trao đổi với lãnh đạo Cục Phát hành và kho quỹ, tiền giả dù làm tinh vi đến đâu thì cũng chỉ là tiền giả, vì không thể đảm bảo được hết các yếu tố bảo an trên đồng tiền. Các yếu tố bảo an hiện nay của tiền giấy đều áp dụng được trên chất liệu polymer như hình định vị, in lõm… Ngoài ra, chất liệu polymer còn cho phép in nét mảnh, siêu nhỏ tinh xảo hơn so với in trên nền truyền thống nên hiệu quả chống sao chụp cao hơn. Sử dụng tiền polymer không những nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền lưu thông mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.

Đặc điểm bảo an của tờ 100.000 đồng

Tiền giả thường “tuồn” đi đâu?

Thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của một số đối tượng nhằm vào người dân có ít hiểu biết, không có nhiều thông tin về tiền giả nhất là vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Chúng thường để tiền giả lẫn cùng tiền thật nên những người không có thông tin rất khó phân biệt. Nhiều đối tượng, dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giả nhỏ để được trả lại bằng tiền thật. Lợi dụng khi người bán hàng bận rộn hoặc có những hành vi khiến họ mất tập trung, thiếu cảnh giác. Hầu hết, những người buôn bán nhỏ, người già ở các vùng nông thôn, nơi vắng người đều là “con mồi” các đối tượng nhắm đến.

Tờ 200.000 đồng thật và giả

Tại Điều 29 Luật Ngân hàng Nhà nước; điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam đã nghiêm cấm những hành vi: làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp nhận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản - Điều 180 (Bộ luật hình sự, sửa đổi bổ sung)

 

Polymer là chất liệu mới cho phép tạo ra những đồng tiền có khả năng chống giả cao, bền và sạch hơn tiền giấy truyền thống, được Ngân hàng Dự trữ Australia phát hiện và bắt đầu nghiên cứu ứng dụng từ năm 1967. Tuy nhiên, phải đến năm 1988, Australia mới bắt đầu thử nghiệm đồng tiền lưu niệm trên giấy nền Polymer và đến năm 1992, nước này chính thức phát hành đồng tiền polymer đầu tiên trên thế giới.

Quá trình thử nghiệm thực tế ở nước này đã khẳng định tiền polymer có chất lượng cao trong lưu thông và ngăn chặn có hiệu quả nhất nạn tiền giả. Hơn 1 thập kỷ sau, tiền polymer được phát hành ở 19 nước thay cho tiền giấy truyền thống.

 

Thu Thủy – Ninh Giang

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến