Vì sự an toàn và phát triền bền vững của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
26/02/2016 17:03:20
Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, mở rộng dịch vụ ngành nghề, tạo công ăn việc làm ở vùng nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và đẩy lùi một số tệ nạn ở nông thôn, là một kênh huy động vốn quan trọng và đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tin liên quan

           Toàn cảnh Lễ ký kết Quỹ bảo toàn cho vay hỗ trợ khó khăn tài chính đối với QTDND Hát Lót (Sơn La)

Toàn cảnh Lễ ký kết Quỹ bảo toàn cho vay hỗ trợ khó khăn tài chính

đối với QTDND Hát Lót (Sơn La)

           Thành công đó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa to lớn về mặt xã hội, nhân văn. Thành quả đó đã góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng mô hình TCTD là hợp tác xã ở vùng nông thôn.

          Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, thời gian qua cũng đã xuất hiện một số QTDND bộc lộ tồn tại, yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là QTDND đó hoạt động sai với mục tiêu tôn chỉ mục đích hợp tác xã, năng lực quản trị điều hành còn bất cập, để xẩy  ra rủi ro đạo đức gây thất thoát vốn của QTDND, ảnh hưởng đến uy tín của QTDND, gây mất an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn và có nguy cơ lan truyền tâm lý bất ổn đến các QTDND khác ở các vùng lân cận.

          Để góp phần đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đối với việc xử lý các QTDND yếu kém ngoài sự quyết tâm khắc phục của các thành viên QTDND, sự chỉ đạo và vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương, việc hỗ trợ tích cực về vốn, thanh khoản và tư vấn về nghiệp vụ của Ngân hàng Hợp tác, thì Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Quỹ bảo toàn) là một trong những giải pháp hết sức cấp thiết để hỗ trợ các QTDND yếu kém trở lại hoạt động bình thường, góp phần ổn định hoạt động của cả hệ thống QTDND .

          Kinh nghiệm của một số nước xây dựng thành công mô hình tổ chức tín dụng hợp tác, đặc biệt là hệ thống Quỹ tín dụng Desjardins – Canada và hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Cộng hòa liên bang Đức đã chứng minh rằng, để đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn, phát triển bền vững thì các thiết chế an toàn phải được hình thành và vận hành có hiệu quả. Thực tiễn triển khai 11 năm thí điểm Quỹ an toàn hệ thống QTDND tại tỉnh Thái Bình và sau đó được tiếp tục triển khai thí điểm tại tỉnh Hưng Yên, An Giang đã minh chứng cho sức mạnh của mối liên kết hệ thống cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả, lâm vào nguy cơ mất an toàn cao và đứng trước bờ vực phá sản đã dần được hồi phục và khắc phục vươn lên, trở lại hoạt động bình thường. Trong 11 năm triển khai thí điểm, Quỹ an toàn hệ thống QTDND đã hỗ trợ cho vay vốn đến 11 QTDND lâm vào tình trạng mất an toàn trong hoạt động, mà điển hình là các QTDND : Vũ Thắng, Song Lãng, Duyên Hải, Nam Hải (tỉnh Thái Bình); Song Mai, Ông Đình, Liên Khê (tỉnh Hưng Yên) qua đó đã giúp cho các QTDND này nhanh chóng khắc phục được khó khăn, yếu kém, từ đó vươn lên trở lại hoạt động bình thường.

          Chính từ những kết quả tích cực mang lại trong thời gian thí điểm Quỹ an toàn hệ thống QTDND, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai trên toàn quốc với việc ban hành Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, ngày 21/04/2014 về Quỹ bảo đảm an toàn thống QTDND (Quỹ bảo toàn). Thông tư số 03/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước có ưu việt là phát huy tính dân chủ của loại hình kinh tế hợp tác xã đó là giao cho Ngân hàng Hợp tác xây dựng và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn sau khi được Đại hội thành viên Ngân hàng hợp tác thông qua để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống QTDND. 

          Ngày 25/03/2014, sau khi được Đại hội thành viên Ngân hàng Hợp tác thông qua Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn và chính thức đi vào hoạt động, Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã được thành lập với số lượng ban đầu là 07 thành viên, sau đó được tăng lên là 11 thành viên. Trong đó, 07 thành viên đại diện cho các QTDND, 04 thành viên đại diện cho Ngân hàng Hợp tác để triển khai việc quản lý và điều hành Quỹ bảo toàn; đồng thời Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã kiện toàn tổ chức, hình thành bộ phận giúp việc, bố trí phòng làm việc và các trang thiết bị phục vụ cho việc vận hành hoạt động của Quỹ bảo toàn. Do mới thành lập nên toàn bộ kinh phí về tiền lương cán bộ làm việc chuyên trách, cơ sở vật chất, chi phí hoạt động của Quỹ bảo toàn đều được Ngân hàng hợp tác hỗ trợ.

          Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã xây dựng và ban hành các Quy chế, quy định nội bộ, xây dựng hệ thống tài khoản, hình thành bảng cân đối tài khoản kế toán và mở tài khoản riêng đến từng QTDND đã tham gia Quỹ bảo toàn. Qua đó, việc theo dõi hoạt động của Quỹ bảo toàn, báo cáo tình hình và số liệu hoạt động lên Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Nhà nước và các thành viên rõ ràng, minh bạch theo đúng quy định của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN và hướng dẫn của Ngân hàng hợp tác .  

          Tính đến ngày 30/11/2015, chỉ còn 09/1146 QTDND chưa nộp phí bảo toàn; Ngân hàng Hợp tác và các QTDND đã nộp phí bảo toàn năm 2014 với tổng số tiền là: 46,632,378,306 đồng, trong đó ngoài các QTDND nộp phí bảo toàn lần  đầu, Ban quản lý Quỹ bảo toàn đã tiếp nhận bàn giao từ Ban quản lý Quỹ an toàn thí điểm hệ thống QTDND trước đây tại 03 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và An Giang.

          Song song với việc thu phí bảo toàn năm 2014, Quỹ bảo toàn đã nhanh chóng tiếp cận với các QTDND gặp khó khăn, đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn từ Quỹ bảo toàn theo quy định để tư vấn, hướng dẫn thủ tục để triển khai các hoạt động hỗ trợ vốn vay Quỹ bảo toàn. Cùng với việc tiếp nhận 02 QTDND còn dư nợ vay Quỹ an toàn thí điểm hệ thống QTDND là Trần Cao (Hưng Yên) và Nam Hải (Thái Bình), đến nay Quỹ bảo toàn đã triển khai cho vay với số tiền 08 tỷ đồng đến 04 QTDND gặp khó khăn về tài chính là QTDND Khánh Hòa (tỉnh Ninh Bình); QTDND Hát Lót (tỉnh Sơn La); QTDND Phú Lộc (tỉnh Phú Thọ); QTDND Kim Giang (tỉnh Hải Dương). Tuy mỗi hoàn cảnh khó khăn của mỗi QTDND có khác nhau nhưng có cùng điểm chung là các thành viên của các QTDND đó đã thể hiện sự đồng tâm nhất trí với quyết tâm rất cao về phương án và cách thức triển khai việc củng cố, khắc phục khó khăn trong hoạt động, sự vào cuộc mạnh mẽ và chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn, sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Hợp tác, trong đó  nguồn vốn vay từ Quỹ bảo toàn cũng đóng góp nhân tố quan trọng để giúp cho QTDND gặp khó khăn có khả năng khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Đến nay, 04 QTDND trên đang trên đà phục hồi và đạt được kết quả tích cực trong quá trình triển khai theo phương án củng cố, khắc phục khó khăn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Được cho vay hỗ trợ tài chính từ Quỹ bảo toàn sẽ giúp QTDND khắc phục khó khăn, Quỹ có điều kiện cho thành viên vay vốn, phát triển sản xuất. (Ảnh minh hoạ)

Được cho vay hỗ trợ tài chính từ Quỹ bảo toàn sẽ giúp QTDND khắc phục khó khăn,

Quỹ có điều kiện cho thành viên vay vốn, phát triển sản xuất. (Ảnh minh hoạ)

          Hiện nay, Quỹ bảo toàn đang tiếp cận tiếp một số QTDND đang gặp khó khăn trong hoạt động, trong đó có QTDND Phước Hòa (tỉnh Bình Định), đang được thẩm định và xin ý kiến các thành viên Ban quản lý Quỹ bảo toàn để triển khai cho vay hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các QTDND này có điều kiện vượt qua khó khăn, quyết tâm vươn lên khắc phục khó khăn trong hoạt động.

          Từ kết quả trên cho thấy, việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ bảo toàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự an toàn và phát triển hệ thống QTDND, nó khẳng định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong liên kết và tương trợ trong hệ thống thông qua việc cho vay hỗ trợ có hoàn trả đối với QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững của cả hệ thống QTDND.

Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác - Giám đốc Quỹ bảo toàn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến