Vicem và ‘giấc mơ’ trung tâm điều hành nghìn tỷ dang dở
23/11/2016 10:46:01
ANTT.VN – Thua lỗ triền miên, trong điều kiện ngân sách cấp phát hạn hẹp, Vicem dường như không có nhiều lựa chọn với dự án Trung tâm điều hành nghìn tỷ của mình.

Tin liên quan

Kinh doanh ảm đạm

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam – Công ty mẹ (VICEM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2016.

Theo đó, lỗ sau thuế trong kỳ ở mức 184 tỷ đồng. Tính cho nửa đầu năm, con số này lên tới 226,3 tỷ đồng. 2 quý đầu năm ngoái, Vicem ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 669 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6/2016 là 226,3 tỷ đồng.

Thời điểm cuối kỳ, tổng nguồn vốn của Vicem ở mức 13.968 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 13.985 tỷ đồng đầu năm; chiếm phần lớn trong đó là vốn góp chủ sở hữu (13.006 tỷ đồng). Vay và nợ thuê tài chính là 320 tỷ đồng.

Phần lớn nguồn vốn của Vicem được dành để đầu tư tài chính dài hạn (10.001 tỷ đồng), bao gồm đầu tư vào công ty con (9.818 tỷ đồng), công ty liên doanh liên kết (2.006 tỷ đồng), đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (345 tỷ đồng).

Tuy vậy, tính hiệu quả từ những khoản đầu tư trên vẫn là một dấu hỏi lớn đối với Chủ tịch Lương Quang Khải cùng các cộng sự, khi mà trích lập dự phòng đầu tư dài hạn tính tới cuối kỳ ở mức 2.168 tỷ đồng, tăng 42% so với thời điểm đầu năm (1.527 tỷ đồng).

Vicem phải trích lập hàng nghìn tỷ đồng dự phòng chỉ tính riêng các khoản đầu tư vào công ty con. Nguồn: BCTC riêng Vicem bán niên 2016

Trong đó, một số khoản đầu tư phải trích lập lớn như Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng (Giá gốc: 1.021 tỷ đồng, dự phòng 372 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp (Giá gốc 1.132 tỷ đồng, dự phòng 1.101 tỷ đồng); Công ty CP Xi măng Hạ Long (Giá gốc 646 tỷ đồng, dự phòng 646 tỷ đồng).

 ‘Giấc mơ’ trung tâm điều hành nghìn tỷ dang dở

Ở một chi tiết đáng chú ý, tính tới cuối tháng 6, số dư danh mục xây dựng cơ bản dở dang là 849,5 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (751 tỷ đồng).

Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower) được xây dựng trên diện tích 8.476m2 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

Tọa lạc ở vị trí đẹp trên đường Phạm Hùng, ngay cạnh tòa nhà Keangnam Landmark, Dự án Vicem Tower do Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng mức vốn lên đến 2.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn của khu vực, với thiết kế 1 tòa tháp 31 tầng nổi và 4 tầng hầm; diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2.

Tòa tháp cao 31 tầng của Vicem nằm ngay cạnh Keangnam Landmank. Ảnh: NĐ

Vicem Tower được xây dựng với mục đích làm trụ sở điều hành cho Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam kết hợp với văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại, tất cả đều đạt tiêu chuẩn hạng A.

Tuy nhiên, sau ngày khởi công vào tháng 5/2011, đến nay đã hơn 5 năm, dự án vẫn chưa được hoàn thành, mặc dù ban đầu được dự kiến hoàn thành trong quý II/2014.

Hiện tại, dự án mới chỉ xây xong phần thô và gần như ngưng tiến độ, chủ đầu tư dự án này đã phải lùi thời hạn hoàn tất sang quý III/ 2017.

Tuy nhiên, giả sử tổng mức đầu tư vẫn như dự toán ban đầu vẫn giữ nguyên ở mức 2.000 tỷ đồng, thì với số dư xây dựng cơ bản dở dang tính tới cuối quý II ở mức 751 tỷ đồng, Vicem sẽ phải “xoay” được hơn 1.200 tỷ đồng nữa trong ngắn hạn để có thể tiếp tục xây dựng dự án.

Kịch bản này, đặt trong bối cảnh khó khăn của Vicem, cũng như tình trạng cắt giảm chi tiêu ngân sách trên toàn quốc, sẽ không dễ dàng có thể xảy ra.

Như đã nêu, công ty mẹ Vicem lỗ sau thuế 184 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Bởi doanh nghiệp này chưa công bố BCTC hợp nhất nên không thể biết chính xác tình hình kinh doanh của các công ty con ra sao. Tuy nhiên cổ tức được chia từ công ty con trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức gần 2 tỷ đồng, bằng 1/7 cùng kỳ năm ngoái, phần nào cho thấy bức tranh ảm đạm từ công ty mẹ Vicem cùng các đơn vị thành viên.

Tiền không có, đồng nghĩa với khối bê tông sắt thép khổng lồ trị giá hơn 700 tỷ đồng vẫn nằm đội mưa nắng qua năm tháng, ngày càng xuống cấp, không chỉ đe dọa nguy cơ mất vốn nhà nước, mà còn ảnh hưởng tới an toàn của người dân xung quanh (dự án nằm ngay cạnh tòa tháp Keangnam)

Trong lúc này, lối thoát gần như duy nhất của dự án là chuyển nhượng lại cho một nhà đầu tư khác. Đây cũng là thông tin gây xôn xong trong dư luận thời gian qua, khi Vicem được cho là đang có ý định sang tay dự án cho một doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên sẽ không thể dễ dàng bởi việc tìm được một nhà đầu tư đủ tiềm lực, lại chấp nhận được thiết kế công năng ban đầu của dự án thường đi kèm với việc bị ép giá.

Dù với kịch bản nào đi nữa, thì viễn cảnh thất thoát vốn nhà nước là điều dễ hình dung, đặt ra câu hỏi trách nhiệm đối với những người đứng đầu Tổng công ty, đặc biệt trong giai đoạn phê duyệt tính khả thi của dự án.

Từ Bắc chí Nam không thiếu các dự án nghìn tỷ nằm đắp chiếu, đặc biệt gây lãng phí nguồn lực của toàn xã hội. Thiết nghĩ, trong bối cảnh ngân sách đang diễn biến khó khăn như hiện nay, các cơ quan chức năng có cần có trách nhiệm hơn nữa để tránh tình trạng trên tái diễn.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến