Sáng 19/3, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, bước vào phần tranh luận.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đại diện VKS đề nghị loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
Mở đầu, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) thực hành công tố phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo. Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm bị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Tham ô tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn
Theo đại diện VKS, vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB là một trong nhiều vụ trọng án kinh tế được các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý nghiêm.
Việc đưa vụ án Trương Mỹ Lan và cùng các đối tượng ra xét xử công khai thể hiện tinh thần xử lý tội phạm “không có vùng cấm”, nhằm răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu và bị truy tố về 3 tội: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 01/01/2018.
Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB, trả mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Để rút được tiền từ Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các Công ty Thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Trương Mỹ Lan chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB.
Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên và sử dụng các công ty “ma” để lập hồ sơ vay khống, hồ sơ thể chấp khống.
Để hợp thức việc rút tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luận lập phương án thực hiện việc “giải quỹ” bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần,... đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.
Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của NHNN, Trương Mỹ Lan không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC và bán nợ trả chậm cho chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu một phần số nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.
Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan đã lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản giá trị thấp để rút tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn ra khỏi SCB, qua đó chiếm đoạt hơn 498.000 tỷ đồng của SCB.
Trong đó, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB. Đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 64.600 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên, đến nay không thể thu hồi. Hành vi này của bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB số tiền 304.096.278.409.456 đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372.775.105.744 đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên. Hành vi này của bị cáo Lan đã phạm vào tội Tham ô tài sản.
Cần loại bỏ các bị cáo cầm đầu vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội
Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của Ngân hàng SCB, để SCB tiếp tục được tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền, quà, lợi ích vật chất cho nhóm bị cáo thanh tra.
Các bị cáo thuộc đoàn thanh tra của NHNN trong quá trình thanh tra, giám sát tại Ngân hàng SCB vì vụ lợi, đã lập báo cáo không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che sai phạm để Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện việc thao túng SCB, gây hậu quả đặc biệt lớn.
Theo đại diện VKS, quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo là đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận sai phạm.
Quá trình điều tra, xét xử, đại diện VKS cũng ghi nhận bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt như phạm tội lần đầu, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng, có nhân thân tốt.
Tuy nhiên, bị cáo Lan được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu không thừa nhận hành vi phạm tội, khai báo quanh co, không ăn năn hối cải, đổ lỗi cho cấp dưới.
Theo đại diện VKS, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, hành vi phạm tội tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn nên cần loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Trương Mỹ Lan khỏi đời sống xã hội mới đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Ngoài ra, các thuộc cấp thân tín của bị cáo Lan là Đinh Văn Thành (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB); Bùi Anh Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Tạ Chiêu Trung (nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) phạm tội 2 lần trở lên, giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn nên cũng cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
Phiên tòa vẫn tiếp tục phần luận tội và đề nghị mức án cụ thể với các bị cáo có liên quan khác...
Tác giả: Võ Công Thư
- Trương Mỹ Lan xin không kê biên biệt thự cổ 700 tỷ, đề nghị bán khách sạn Daewoo Hà Nội
- Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị định giá lại toàn bộ 1.166 mã tài sản
- Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề nghị xem xét lại cáo buộc lập 1.000 công ty ‘ma’
- Bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn chuyển 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho SCB
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy