“Việt Nam cần 5 ngân hàng trụ cột thực sự lớn”
10/04/2015 11:46:03
Ông Keith Pogson, lãnh đạo cao cấp, Dịch vụ tài chính ngân hàng EY khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam cần 5 ngân hàng trụ cột thực sự lớn để làm dịch vụ thanh toán, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khi ra nước ngoài.

Tin liên quan

Ông Keith Pogson, lãnh đạo cao cấp, Dịch vụ tài chính ngân hàng EY khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Ông Keith cho rằng, với thị trường Việt Nam thì chỉ cần 5 ngân hàng là đủ. Tuy nhiên,  cần du trì thêm vài ngân hàng nhỏ cho thị trường ngách và có vài ngân hàng nước ngoài.

Theo ông Keith, chỉ có những ngân hàng có quy mô lớn thì mới có thể cạnh tranh được với ngân hàng trong khu vực.

“Quan trọng hơn, phải có ngân hàng quy mô lớn thì mới có thể đầu tư công nghệ đồng bộ. Động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng những ngân hàng ngang tầm khu vực là đúng đắn. Tôi cho rằng Việt Nam vẫn còn thời gian để cho các ngân hàng nỗ lực bởi còn 5 năm nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN mới thực sự mở cửa”, ông Keith bình luận.

Vậy theo ông, làm thế nào để các ngân hàng trong nước thực sự lớn mạnh?

Thường thì các nước có những ngân hàng lớn là sau khi họ phải vài lần sáp nhập. Tuy nhiên, việc các ngân hàng làm phép cộng với nhau như thế nào để hiệu quả thì cần phải tính tới mới quan tâm của ngân hàng nhỏ.

Giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008 có người đặt câu hỏi là có ngân hàng quá lớn để không thể đổ vỡ và ngân hàng quá nhỏ để thành công. Thực tế, ngân hàng quy mô lớn có điều kiện để đầu tư công nghệ, con người và tích lũy lợi nhuận tốt hơn, cho vay tốt hơn, huy động trong dân cư tốt hơn.

Thực tế, các nước trên thế giới có ngân hàng thành công chỉ có  1- 2 ngân hàng ở mỗi quốc gia, mà Việt Nam thì hiện có quá nhiều ngân hàng. Một số nước ở châu Á có ngân hàng lớn và khá thành công như MayBank của Malaysia, UOB của Singapore…

Để có thành công lớn ở thị trường nhỏ như ngân hàng của Malaysia, những ngân hàng của họ phải trải qua các cuộc M&A. Trước đây, Malaysia có 54 ngân hàng và sau nhiều lần thực hiện M&A, hiện nay nước này còn 10 ngân hàng.

Hơn nữa, để thành công, họ còn phải đầu tư vào công nghệ, con người để nâng cao hiệu quả lợi nhuận. Việt Nam muốn giảm số lượng ngân hàng xuống 15 - 17 ngân hàng thì có thể tham khảo kinh nghiệm của Malaysia.

Việt Nam có nhiều ngân hàng nhỏ, quy mô nhỏ nên khó đầu tư công nghệ. Tôi thấy Việt Nam cũng đang cạnh tranh công nghệ, nhưng xét trên bình diện thế giới thì các ngân hàng Việt Nam còn cách khá xa trong việc cạnh tranh công nghệ với thế giới. Hơn nữa, thời gian qua các ngân hàng chủ yếu đầu tư để nâng cao lợi nhuận nhưng lại chưa chú trọng về công nghệ.

Ông có thể nói rõ hơn việc Việt Nam cần thiết phải có ngân hàng thực sự lớn?

Trong vòng 5 - 10 năm tới, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng của thế giới rất cao, nếu Việt Nam thiếu những ngân hàng thực sự lớn có thể đầu tư cho vay hạ tầng lớn thì sẽ thiệt thòi bởi sẽ rất là khó đáp ứng nhu cầu này.

Theo tính toán của cá nhân tôi, để duy trì GDP 6,2% thì tăng trưởng tín dụng phải 15% trong thời gian tới, có nghĩa tín dụng phải khoảng 1 - 1,5% so với hiện nay.

Hơn nữa, 5 năm tới, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đi thực sự đi vào hoạt động thì Việt Nam cần phải có ngân hàng đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp đi ra ngoài khu vực.

Hơn nữa, các ngân hàng, không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy đều gặp phải áp lực đến từ cơ quan quản lý. Khi cơ quan quản lý buộc các ngân hàng phải sáp nhập với nhau để tạo nên ngân hàng lớn để có sức cạnh tranh thì xu hướng này sẽ phải diễn ra.

Cùng với đó, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, những ngân hàng nhỏ khó có thể tồn tại với những áp lực mới. Khi đó, họ buộc phải tính đến việc sáp nhập để có thể đủ mạnh để có nguồn lực về vốn, quy mô đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Theo ông, làm thế nào để việc sáp nhập ngân hàng ở Việt Nam được thành công?

Những nhân tố làm nên thành công trong các thương vụ M&A của ngân hàng cần có cả vĩ mô, vi mô. Chính phủ cần phải có những yếu tố kỹ thuật để hỗ trợ cho quá trình này.

Theo đó, vấn đề Chính phủ cần phải hỗ trợ đó là những văn bản pháp quy cho việc sáp nhập dễ dàng hơn như thuế, công đoàn, lao động. Đặc biệt, ngân hàng cần sự hỗ trợ của Chính phủ để khách hàng là khách hàng của ngân hàng bị sáp nhập đương nhiên trở thành khách hàng của ngân hàng mới mà không cần phải đi xin với nhiều thủ tục mới có thể có tài khoản ở ngân hàng mới.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu của Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình này.

Bên cạnh đó, quá trình sáp nhập cần phải được các ngân hàng tham gia vào quá trình này phải hiểu rõ, đó là xác định được những yếu tố quan trọng làm nên thành công.

Yếu tố thứ nhất, đó là xác định thương hiệu của ngân hàng. Cần phải biết, nên chon thương hiệu nào, hay là duy trì song song 2 thương hiệu. Việc này rất quan trọng, nếu chúng ta có chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến việc mất khách hàng rất nhanh.

Một trường hợp ở HongKong mà tôi đã chứng kiến khi tham gia quá trình sáp nhập của hai ngân hàng. Sau khi sáp nhập, họ đã lấy một thương hiệu mới, khiến cho khách hàng khi đến ngân hàng đã lo lắng vì họ không tìm thấy ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ trước đây đâu nữa. Đây là câu chuyện liên quan đến vấn đề truyền thông. Ngân hàng cần phải có chiến lược để truyền thông rõ ràng, không để khách hàng rơi vào trạng thái lo lắng.

Một yếu tố nữa mà ngân hàng cần phải xác định, đó là sẽ giữ lại bao nhiêu % nhân sự  sau khi thực hiện sáp nhập. Khách hàng cũng vậy, cần phải có một chiến lược hành động cụ thể để khách hàng khi đến giao dịch không cảm thấy bị tác động và ảnh hưởng gì đến họ.

Theo đó, những giấy tờ cho vay sẽ phải thống nhất theo một thương hiệu. Việc huy động của ngân hàng cũng vậy. Hay là cây ATM cũng vậy, cần phải làm rõ nên duy trì song song 2 thương hiệu hay hợp nhất thành 1. Ngày đầu tiên sáp nhập, giao dịch ATM, huy động, cho vay sẽ như thế nào…

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp đưa ra kế hoạch sáp nhập. Liệu kế hoạch này có khả thi không?

Có khả thi hay không thì cần phải xem lại mục tiêu có phù hợp với kế hoạch hay không. Ví như ở Syria, vài năm trước họ muốn sáp nhập thành công 3 ngân hàng và chỉ muốn 1 chủ sở hữu. Chúng tôi làm thương vụ này chỉ trong 3 tháng. Tuy nhiên, để vận hành tốt ngân hàng sau sáp nhập như công nghệ, nhân sự thì phải mất vài năm.

Hiện tượng ngân hàng lớn sáp nhập với ngân hàng bé hay ngân hàng bé thâu tóm ngân hàng lớn thì cũng xảy ra tương tự trên thế giới. Vấn đề quan trọng là cần phải xác định ban điều hành của ngân hàng nào hoạt động hiệu quả để điều hành ngân hàng.

Tuy nhiên, nợ xấu đang là vấn đề lớn. Việc xử lý nợ xấu đang gặp bế tắc. Điều này sẽ tác động tới hiệu quả của sáp nhập giữa hai ngân hàng?

Nợ xấu không phải là rào cản để sáp nhập của ngân hàng. Quan điểm của tôi không có tài sản nào xấu mà chỉ có giá nào để mua. Nếu tài sản nào xấu thì mua giá thấp.

Ở nhiều nước trên thế giới cũng có cơ quan hoạt động tương tự như VAMC. Khi thực hiện tái cơ cấu hệ thống, tổ chức này sẽ phát hành trái phiếu để mua nợ, đảm bảo nợ xấu của ngân hàng ở mức dưới 3% như ở Việt Nam.

Việc thành công của sáp nhập ngân hàng nằm ở 3 yếu tố, đó là văn hóa, quan điểm và kỷ luật. Thực tế, sự bất đồng về quan điểm sẽ rất rủi ro, có thể sẽ dẫn tới việc sáp nhập khó thành công.

Ví như 2 ngân hàng muốn sáp nhập với nhau nhưng ngân hàng A lại muốn phát triển thành ngân hàng bán lẻ, nhưng ngân hàng B lại muốn đẩy mạnh mảng doanh nghiệp. Việc tuyên truyền của 2 ngân hàng này sẽ làm cho thị trường lo ngại về sự thất bại trong thương vụ hợp nhất này. Nhân sự cũng là yếu tố quyết định cho việc thành công trong sáp nhập.

Theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài có quan tâm đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam không khi VAMC được mua bán nợ xấu với giá thị trường?

Tôi có 20 năm kinh nghiệm làm với ngân hàng và các cơ quan xử lý nợ xấu.Ttôi thấy việc cho phép mua nợ xấu giá thị trường thì không có gì hấp dẫn. Nếu mua dưới giá thì trường thì mới hấp dẫn. Còn mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với mua nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là rất rõ. Tuy nhiên việc họ quan tâm và có tham gia thực tế hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có việc mua giá phải thấp hơn thị trường.

Giá thị trường thì ai định nợ xấu, cơ quan nào định giá thị trường? Theo kinh nghiệm thế giới thì cơ quan nào, cơ quản quản lý hay tổ chức độc lập?

Chính thị trường sẽ đặt ra giá cho tài sản nợ xấu đó. Một kinh nghiệm đó là tổ chức cuộc đấu giá tài sản đó, nếu tài sản đó là bất động sản. Kinh nghiệm từ thế giới là sau khi tổ chức đấu giá thì giá thấp hơn 30% giá tổ chức định giá trước đó.

Ông bình luận gì về việc Ngân hàng Nhà nước quốc hữu hóa ngân hàng Xây dựng hồi đầu năm 2015?

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc quốc hữu hóa một số ngân hàng yếu kém là phù hợp với Việt Nam, vì đặc thù của Việt Nam là tiền gửi của người dân vào ngân hàng lớn, nhưng niềm tin với hệ thống ngân hàng lại yếu kém. Nếu cho ngân hàng phá sản thời điểm này thì niềm tin của người dân vào ngân hàng càng giảm sút. Bởi vậy, theo tôi, bước quốc hữu hóa ngân hàng là đúng đắn.

Tuy nhiên, việc làm này chỉ nên thực hiện trong thời gian đầu, sau khi hệ thống ngân hàng đi vào ổn định thì phải siết lại.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến