Là diễn giả chính trong phiên thảo luận chiều 23/5 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos 2022 với chủ đề “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu 5 đề xuất của Việt Nam nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, đồng thời đề nghị các đối tác quốc tế giúp xây dựng tại Việt Nam một trung tâm đổi mới, sáng tạo về nông nghiệp của khu vực.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái là diễn giả chính trong phiên thảo luận chiều ngày 23/05 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos 2022
Mở đầu phiên thảo luận trong chiều ngày 23/05 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 tổ chức tại Davos- Thuỵ Sỹ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, thế giới đang trong giai đoạn “khủng hoảng chồng khủng hoảng”, khi tác động kép của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị tại một số quốc gia đã có những tác động lớn chưa từng có đến giá cả hàng hoá và chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hơn 800 triệu người trên toàn thế giới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thông tin cho biết, là một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, từ một nước trong quá khứ thường xuyên bị đe doạ bởi việc thiếu hụt lương thực, từ nhiều năm qua Việt Nam không chỉ đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cho quốc gia mà còn trở thành một quốc gia xuất khẩu quan trọng, đóng góp lớn vào an ninh lương thực toàn cầu.
Do đó, trên cơ sở những kinh nghiệm được đúc kết từ quá trình phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Việt Nam mang đến Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos 2022 một gói 5 đề xuất, giải pháp nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Đề xuất đầu tiên, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đó là an ninh lương thực là vấn đề tác động trực tiếp đến toàn thể người dân nên bất kỳ chính sách nông nghiệp nào cũng cần phải có cách tiếp cận toàn diện, với chiến lược lâu dài.
“Vì an ninh lương thực tiếp cận đến toàn dân nên cần có một sự tiếp cận tổng thể, đa chiều, đa mục tiêu và không chỉ ngắn hạn mà cả dài hạn, hướng đến mục tiêu là xây dựng một hệ thống lương thực tự cường, bao trùm và bền vững”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.
Các nhóm giải pháp tiếp theo được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề xuất là ngay trước mắt cần viện trợ khẩn cấp cho các quốc gia đang bị đe dọa bởi khủng hoảng lương thực, phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu, phá bỏ các rào cản về thuế quan. Về lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, an ninh lương thực là vấn đề toàn cầu nên cấp thiết cần có sự phối hợp đa phương, nâng cao vai trò điều phối của các tổ chức quốc tế. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến các cơ chế hợp tác 3 bên trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai thành công trong nhiều năm qua khi cử các kỹ sư nông nghiệp đến giúp đỡ các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, châu Mỹ la tinh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu 5 đề xuất tại phiên thảo luận.
Hướng đến tương lai, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề xuất nông nghiệp cần bắt kịp với tiến bộ công nghệ, cần gắn nông nghiệp với tiến trình chuyển đổi số, tạo nên bước thay đổi về chất đối với phát triển nông nghiệp theo hướng “xanh, sạch, ít phát thải carbon”. Nhận định rằng hệ sinh thái nông nghiệp tương lai cần phát triển theo hướng bền vững, công bằng hơn đối với các đối tượng yếu thế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu ví dụ về việc mô hình “liên kết 4 nhà” tại Việt Nam, bao gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông đã không chỉ giúp giải quyết được vấn đề an ninh lương thực mà còn góp phần làm hài hoà trách nhiệm xã hội của các bên.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tự tin cho rằng, với kinh nghiệm và thế mạnh của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến vào kỷ nguyên nông nghiệp mới nhờ 3 trụ cột là “nông nghiệp sinh thái, nhà nông thông minh, nông thôn hiện đại”, đồng thời đề nghị các đối tác quốc tế gia tăng hợp tác biến Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo về nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á.
“Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, đồng thời cũng có lợi thế về chuyển đổi kinh tế số nên chúng tôi đề nghị các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hỗ trợ và ủng hộ cho việc thành lập một trung tâm sáng tạo về hệ thống cung ứng lương thực-thực phẩm của Đông Nam Á và đặt tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ.
Sau bài phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nhiều diễn giả như Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) David Beasley, Phó Tổng thống Tanzania, Bộ trưởng Môi trường và biến đổi khí hậu của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE)… đã tham gia thảo luận về các thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu hiện nay.
Trước đó, trong ngày làm việc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao tại Diễn đàn, gặp Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy, gặp và làm việc với bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối Ngân hàng thương mại khu vực Nam Á và Đông Nam Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC. Đặc biệt, trong ngày 23/05, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với rất nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn, thảo luận về việc thu hút tài chính xanh cho các dự án tại Việt Nam./.
Tác giả: Quang Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy