Dòng sự kiện:
Việt Nam nổi bật trong các thị trường mới nổi về khả năng thu hút vốn ngoại
11/01/2020 12:04:26
Năm 2019, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài duy trì được vị thế mua ròng, giá trị khoảng 6.620 tỷ đồng. Liệu năm 2020 có mở ra một 'chân trời mới' cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

Theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), dòng vốn đã trở lại Đông Nam Á sau 4 tuần bị rút vốn, ghi nhận ở mức 1 triệu USD trong tuần trước. Cụ thể, dòng vốn rút khỏi Indonesia tiếp tục giảm, ghi nhận ở mức 4 triệu USD, giảm 70% so với tuần trước. Bên cạnh đó, Malaysia đón nhận 6 triệu USD trong tuần trước, cao nhất trong 6 tuần qua trong khi Thái Lan vẫn chịu áp lực rút vốn.

Số liệu thống kê của KIS cũng chỉ ra rằng, trong tuần (30/12-06/01/2020), khối ngoại tiếp tục mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị 62 tỷ đồng,  giảm 70% so với tuần trước đó.Một điểm tích cực khi thị trường Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn tích cực, đạt 1 triệu USD vào tuần trước, đóng góp chủ yếu từ VFMVN30 ETF với 1,14 triệu USD đổ vào thông qua chứng chỉ quỹ. Như vậy, trong 3 tuần liên tiếp, thị trường Việt Nam đã thu hút hơn 9,2 triệu USD. 

Theo đó, nhóm cổ phiếu thuộc ngành Nguyên vật liệu và Tiêu dùng thiết yếu vẫn được mua ròng mạnh nhất, giá trị mua ròng lần lượt là 152 tỷ đồng và 52 tỷ đồng. Cụ thể, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) dẫn đầu lĩnh vực Nguyên vật liệu với giá trị mua chiếm 85% toàn ngành. Với nhóm cổ phiếu Tiêu dùng thiết yếu, cổ phiếu của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) và cổ phiếu của Vinamilk (HoSE: VNM) tiếp tục được mua mạnh.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu thuộc nhóm Tài chính là lĩnh vực bị bán mạnh nhất, tập trung vào các cổ phiếu HDBank (HoSE: HDB); Chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI) và Ngân hàng BIDV (HoSE: BID). Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu Bất động sản vẫn bị áp lực bán chi phối, chủ yếu là cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), trong khi Vincom Retail (HoSE: VRE) và Vinhomes (HoSE: VHM) được mua mạnh trong tuần trước

Còn năm 2019, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài duy trì được vị thế mua ròng, giá trị khoảng 6.620 tỷ đồng. 

Cụ thể, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại, cả chiều mua và bán, đạt hơn 318.000 tỷ đồng, chiếm gần 16% thanh khoản toàn thị trường. Top 5 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng với giá trị lớn nhất bao gồm VIC (5.270 tỷ đồng), PLX (2.101 tỷ đồng), VCB (1.754 tỷ đồng), MSN (1.646 tỷ đồng) và VRE (1.197 tỷ đồng).

Khối ngoại mua ròng trong 2 năm qua, nhưng phần lớn thông qua giao dịch thoả thuận, còn giao dịch khớp lệnh ghi nhận bán ròng, ảnh hưởng trực tiếp lên chỉ số VN-Index.

Dù vậy, làn sóng bán ròng thông qua khớp lệnh của khối ngoại trên sàn chững lại khi mức độ bán ròng giảm mạnh từ hơn 16.000 tỷ đồng trong năm 2018 xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng trong 2019.

Thậm chí, khối này mua ròng gần 3.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 và chỉ chuyển sang bán ròng khi diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Trên thực tế, từ cuối năm 2018, biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam bị chi phối đáng kể bởi bất ổn bên ngoài.

Diễn biến chiến tranh thương mại leo thang không đơn thuần tác động về mặt tâm lý, mà có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền ngoại cẩn trọng hơn với các thị trường cận biên.

 

“Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” trở thành ẩn số trong tất cả các báo cáo chiến lược của nhiều công ty chứng khoán trong nội dung dự đoán dòng vốn ngoại năm 2020.

 

Tuy nhiên, trong các thị trường mới nổi, Việt Nam có ưu điểm nổi bật với nền tảng vĩ mô và tăng trưởng kinh tế tốt nhất khu vực, là cơ sở vững chắc cho thị trường chứng khoán phát triển, dù vẫn có những điểm tối màu khác tác động.

Theo đó, thị trường Việt Nam sẽ có sức hút đối với dòng tiền ngoại.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, đầu tư của khối ngoại sẽ mang tính chọn lọc và một vài thị trường được ưa chuộng hơn phần còn lại.

Kỳ vọng, hoạt động của khối ngoại trên sàn chứng khoán Việt Nam sẽ tích cực hơn do các quỹ ETF chủ chốt có khả năng tiếp tục thu hút tiền từ Thái Lan và Hàn Quốc, cổ phiếu Việt Nam có khả năng được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 khi cổ phiếu Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market, thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu cải thiện và kỳ vọng các quỹ ETF mới dựa trên chỉ số cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại (tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại) sắp được thành lập.

Ngoài ra, nếu hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sôi động trở lại, thị trường có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.

Kuwait gần như chắc chắn sẽ được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market Index trong tháng 5/2020.

Theo tính toán của MSCI, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market 100 Index dự kiến tăng từ khoảng 12,3% hiện nay lên 30%.

Khi đó, Quỹ Ishare MSCI Frontier 100 ETF có thể mua vào gần 2.000 tỷ đồng.

Không chỉ thế, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI cận biên cũng sẽ được nâng lên đáng kể. Hiện tại, chưa có quỹ ETF nào mô phỏng bộ chỉ số này.

Tuy nhiên, có một số quỹ cận biên đang so sánh với MSCI cận biên, do đó, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, các quỹ có thể mua chọn lọc các cổ phiếu lớn và thanh khoản của Việt Nam.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhìn nhận, năm 2020, dòng vốn ngoại sẽ có sự khác biệt (bao gồm cả vốn chảy vào cổ phiếu và trái phiếu).

Câu chuyện nâng hạng thị trường khó có thể thành hiện thực trong năm nay, nhưng Việt Nam là thị trường được đánh giá hưởng lợi lớn nhất từ tỷ trọng mà Kuwait để lại.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu huy động 200 - 300 triệu USD trái phiếu để đầu tư mở rộng (như lĩnh vực hàng không), các ngân hàng cũng phải tính việc tăng vốn thông qua kênh trái phiếu nhằm tăng trưởng vốn dài hạn, vì kênh tăng vốn qua cổ phiếu khó hơn.

Ông Minh chia sẻ, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, ông nhận thấy xu hướng nhà đầu tư ngoại đầu tư trái phiếu tại các thị trường mới nổi đang gia tăng.

Mặt khác, ghi nhận thông tin trên thị trường, các tập đoàn lớn trong nước dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu với quy mô lớn bằng USD, kỳ vọng thu hút vốn cả trong và ngoài nước.

Về mặt định giá, năm 2019, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 960,99 điểm, với P/E ở mức 15,7 lần, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Ở mức P/E này tại thời điểm năm 2017, thị trường đã tạo đà tăng tích cực trên thị trường chứng khoán vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

So sánh P/E với các nước trong khu vực như Indonesia 20 lần, Thái Lan và Malaysia 18 lần, Philippines 17 lần, thì P/E thị trường Việt Nam đang ở mức hấp dẫn.

Một thông tin đáng chú ý khác, các con số thống kê vốn ngoại nêu trên đơn thuần là trên sàn chứng khoán tập trung, còn dòng vốn ngoại chảy ngoài sàn ở các công ty đại chúng cũng rất nhiều.

Theo chia sẻ của giám đốc ngân hàng đầu tư của một công ty chứng khoán (xin được giấu tên), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đổ vào Việt Nam rất lớn, họ có nhu cầu mua lại cổ phần ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Mới đây, công ty đã hoàn thành tư vấn cho một doanh nghiệp nhựa để đối tác ngoại vào mua toàn phần, giá trị thương vụ khoảng 180 tỷ đồng. Dự báo, dòng vốn ngoại, nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sẽ chảy vào thị trường Việt Nam trong năm nay cũng như các năm tới.

Khánh Linh (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến