Dòng sự kiện:
VietBank được tăng vốn điều lệ lên mức 4.190 tỷ đồng
19/05/2020 13:56:34
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 954/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn Điều lệ tại Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB).

Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ quy định tại Điểm 5 Điều 1 Quyết định số 2399/QĐ-NHNN ngày 15/12/2006 của Thống đốc NHNN về việc cấp Giấy phép hoạt động cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín như sau: “5. Vốn điều lệ: 4.190.199.040.000 đồng (Bốn nghìn một trăm chín mươi tỷ một trăm chín mươi chín triệu không trăm bốn mươi nghìn đồng)".

NHNN yêu cầu, VietBank có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với nội dung được sửa đổi nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là một bộ phận không tách rời của Quyết định số 2399/QĐ-NHNN ngày 15/12/2006 của Thống đốc NHNN về việc cấp Giấy phép hoạt động cho VietBank. Quyết định số 869/QĐ-NHNN ngày 27/4/2018 của Thống đốc NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn Điều lệ tại Giấy phép hoạt động của VietBank hết hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Quyết định này.

Như vậy, Vietbank đã chính thức tăng vốn điều lệ từ 3,249 tỷ đồng (31/12/2017) lên mức hơn 4,190 tỷ đồng.

VietBank chính thức được tăng vốn điều lệ lên mức 4.190 tỷ đồng

Ngày 22/09/2018, HĐQT Vietbank thông báo sẽ tăng vốn điều lệ từ 3,249 tỷ đồng lên 4,256 tỷ đồng thông qua phát hành thêm 100.72 triệu cp với giá chào bán là 10,000 đồng/cp. Trong đó, HĐQT Vietbank dự kiến phát hành 90.97 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 9.75 triệu cp cho cán bộ nhân viên của Ngân hàng theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Ngày 10/12/2018, HĐQT Vietbank cho biết chỉ phân phối được 84.37 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 844 tỷ đồng theo mệnh giá vì có 1 cổ đông từ chối mua 6.6 triệu cp đã đăng ký.

Đến ngày 21/03/2019, HĐQT Vietbank thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành do đã hoàn tất việc xử lý 8.57 triệu cp cho người lao động không đăng ký mua hết.

Như vậy, Vietbank đã phân phối 84.37 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 9.75 triệu cp ESOP. Qua đó tăng vốn điều lệ thêm 941 tỷ đồng, lên mức 4,190 tỷ đồng.

Mới đây, Vietbank cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với huy động vốn của nhà băng này chỉ tăng 5,1%, song tín dụng còn tăng chậm hơn, chỉ đạt 2,8%. Tín dụng vẫn là mảng chủ lực của ngân hàng lãi thuần lại tăng trưởng âm. Thu nhập lãi thuần quý I/2020 chỉ đạt 275 tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm ngoái.

Nợ xấu ghi nhận nội bảng cân đối kế toán của VietBank cũng ở mức 572 tỷ, tăng 33 tỷ so với đầu năm, tương đương tỷ lệ 1,36% tổng dư nợ cho vay. Ngoài ra, số nợ xấu đã bán cho VAMC của ngân hàng này vẫn giữ nguyên ở mức 224 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng 82 tỷ).

Ngược lại, các hoạt động kinh doanh khác đều tăng trưởng đột biến, trong đó lãi thuần từ dịch vụ tang 97% lên hơn 10 tỷ đồng; lãi từ hoạt động ngoại hối gấp 9 lần đạt 13 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác gấp 2.2 lần khi ghi nhận hơn 64 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi gần 159 tỷ đồng, gấp 13 lần quý 1/2019 nhờ thu nhập gấp 11 lần. 

Theo số liệu trên báo cáo tài chính, hồi đầu năm VietBank có gần 1.677 tỷ đồng tiền chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (trái phiếu doanh nghiệp). Đến cuối quý I, số này đã giảm còn 1.079 tỷ. Như vậy, phần lợi nhuận từ hoạt động chứng khoán đầu tư nói trên nằm trong số gần 600 tỷ ngân hàng đã bán ra trong quý I.

Đây cũng là nguyên nhân chính giúp chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế Thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, lần lượt đạt 230 tỷ và 183 tỷ.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của VietBank ở mức 69.358 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với đầu năm, nợ xấu 1,35%.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến