Dòng sự kiện:
VietBank trầy trật mua Lim Tower II và mối liên hệ với Tập đoàn Hoa Lâm
01/07/2023 10:05:54
Liên quan đến việc chuyển nhượng toà nhà Lim II tại số 62A Cách mạng Tháng 8, Quận 3, TP HCM, vì sao VietBank đã không thông qua đầu tư và nhận lại tiền cọc sau 5 năm?

Trước đó, năm 2018, ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã thông qua việc mua tòa nhà Lim II ở số 62A Cách mạng Tháng 8, Quận 3, TP HCM) với giá dự kiến là 1.400 tỷ đồng để làm trụ sở.

Ngày 27/12/2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của VietBank đã thông qua không đầu tư vào toà nhà Lim II với lý do thủ tục kéo dài, đối tác chưa hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng.

Toà nhà Lim II cũng là nơi đặt Văn phòng TP HCM của VietBank.

Đến cuối tháng 5/2020, VietBank lại chấp thuận mua một phần toà nhà Lim II. Phạm vi mua lúc này là 3 tầng hầm, tầng trệt đến tầng 11, tổng diện tích 18.713m2. Giá mua tài sản dự kiến là 1.340 tỷ đồng.

Ngày 10/8/2020, VietBank ký hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Lương Thạch để nhận chuyển nhượng một phần toà Lim II, giá chuyển nhượng là 1.340 tỷ đồng. Sau đó, VietBank đã chuyển số tiền đặt cọc 1.100 tỷ đồng cho Lương Thạch.

Tháng 5/2021, VietBank và Lương Thạch tiếp tục ký hợp đồng hứa mua, hứa bán phần còn lại của toà Lim II (tầng 12-19), với giá chuyển nhượng 944 tỷ đồng, thời gian ký kết hợp đồng mua bán không quá 25/5/2023. Số tiền đặt cọc cho Lương Thạch cho phần còn lại của toàn nhà là 708 tỷ đồng.

Như vậy, VietBank đã đặt cọc tổng cộng cho Lương Thạch số tiền lên tới 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II với tổng giá trị của thương vụ là 2.284 tỷ đồng, tăng 63% so với phương án đã bị huỷ bỏ trước đó. 

Tòa nhà Lim II được đầu tư bởi Tập đoàn Hoa Lâm của vợ chồng doanh nhân Dương Ngọc Hòa và Trần Thị Lâm, tại góc đường Võ Văn Tần, Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, TP HCM. Dự án có tổng diện tích xây dựng khoảng 28.000 m2, là khu trung tâm thương mại kết hợp với văn phòng làm việc hiện đại.

Tập đoàn Hoa Lâm là thành lập từ năm 1993, hiện kinh doanh đa ngành gồm, bất động sản, y tế, dược phẩm, tài chính ngân hàng. Hoa Lâm từng là cổ đông chiến lược nắm giữ 35% cổ phần của Ngân hàng VietBank.

Ngân hàng VietBank được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đi lên từ một ngân hàng nông thôn, với những cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VietBank giảm 4% về mức 106.932 tỷ đồng trong đó cho vay khách hàng giảm 3%, tiền gửi của khách hàng giảm 3%. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 14% lên 2.654 tỷ đồng chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng đến 67%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3,65% lên 4,31%.

Theo tìm hiểu của Doanh nghiệp và Thương hiệu, Y Tế Hoa Lâm – Shangri-La được thành lập vào tháng 7/2008 là liên doanh hợp tác giữa Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm và Shangri-La Healthcare Investment PTE.LTD. Đến quý II/2019, quỹ Aseana Properties Limited (ASPL - Singapore) đã đầu tư vào Shangri-La Healthcare Investment và Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm với số vốn lần lượt là 72,4% & 51%.

Tin mới nhất, Tập đoàn Hoa Lâm đã nhận chuyển nhượng Bệnh viện quốc tế City (CIH) và khu y tế kỹ thuật cao (IHP) từ Aseana Properties Limited với giá chuyển nhượng 95 triệu USD.

Trước đó tháng 9/2021, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An, thành viên “hệ sinh thái” của Tập đoàn Hoa Lâm đã huy động thành công 456 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 10 năm. Gia An đã huy động vốn dùng để hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư sản xuất Thương mại Mai Anh và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm để mua cổ phần vốn góp của Shangri-La Healthcare Investment PTE.LTD trong Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La.

Bảo Khánh (T/h) 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến