Dòng sự kiện:
Vietcombank, BIDV đang lãi hàng nghìn tỷ mỗi năm từ dịch vụ thanh toán
30/12/2021 09:24:24
Hoạt động thanh toán luôn là nguồn thu lớn nhất đóng góp vào mảng dịch vụ của Vietcombank và BIDV. Tuy nhiên, cả hai nhà băng đã quyết định bỏ một phần lợi nhuận này từ năm 2022.

Không lâu sau khi Vietcombank thông báo về việc miễn toàn bộ phí giao dịch chuyển tiền, phí duy trì dịch vụ, phí quản lý tài khoản mặc định trên kênh ngân hàng số, BIDV cũng chính thức tham gia chiến lược giảm phí này.

Cụ thể, BIDV cho biết để khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, từ ngày 1/1/2022 ngân hàng sẽ miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh số.

Trong đó, khách hàng cá nhân giao dịch trên ngân hàng số BIDV SmartBanking sẽ được miễn toàn bộ phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; phí duy trì dịch vụ; phí quản lý 1 tài khoản và phí tin nhắn OTT…

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2022 đến hết 30/6/2022, tất cả khách hàng đăng ký mới dịch BIDV SmartBanking và phát sinh tối thiểu 1 giao dịch tài chính sẽ được ngân hàng chuyển ngay 65.000 đồng vào tài khoản.


BIDV là ngân hàng quốc doanh thứ 2 tuyên bố miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng số từ năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nguồn thu nghìn tỷ
 
Như vậy, BIDV là ngân hàng quốc doanh thứ hai áp dụng chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền điện tử cho các khách hàng cá nhân, sau Vietcombank.

Đáng chú ý, trước khi tuyên bố miễn phí từ năm 2022, các loại phí giao dịch qua kênh online, đặc biệt là phí chuyển tiền đang là nguồn thu quan trọng, đều đặn mang về hàng nghìn tỷ đồng cho 2 ngân hàng này.

Tính từ năm 2016, lãi từ dịch vụ thanh toán (chủ yếu là phí chuyển tiền, phí thanh toán) tại cả Vietcombank và BIDV đều đạt trên mức nghìn tỷ mỗi năm và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số lãi thuần ở mảng dịch vụ.

Tại Vietcombank, năm 2013, lãi từ dịch vụ thanh toán của nhà băng này là 606 tỷ đồng, đóng góp 37% vào tổng mức lãi hoạt động dịch vụ chung trong cả năm. Tuy nhiên, nguồn thu này đã đều đặn tăng trưởng bình quân 25%/năm trong suốt giai đoạn 2014-2020 sau đó, đạt hơn 2.800 tỷ vào năm 2020.

Như vậy, chỉ sau 7 năm, lãi từ dịch vụ thanh toán của Vietcombank đã tăng hơn 4 lần và chiếm 43% tổng số tiền lãi ở mảng dịch vụ chung nhà băng này ghi nhận được.

Tại BIDV, nguồn thu từ hoạt động thanh toán thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn trong cơ cấu mảng dịch vụ khi thường chiếm hơn 60% tổng lợi nhuận thuần hàng năm.

Cụ thể, năm 2013, dịch vụ thanh toán mang về cho nhà băng này hơn 890 tỷ đồng lãi gộp, chiếm 57% tổng lợi nhuận thuần ở mảng dịch vụ. Tuy nhiên, mức lãi này đã tăng trưởng bình quân 21%/năm trong suốt 7 năm sau đó (2014-2020) và đạt gần 3.300 tỷ trong năm gần nhất.

Xét trong cơ cấu lợi nhuận mảng dịch vụ, hoạt động thanh toán của BIDV đều đặn đóng góp trên 60%. Thậm chí, trong năm 2018, lãi từ hoạt động thanh toán đóng góp tới 94% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của nhà băng này.

“Chiếc bánh” gần 800.000 tỷ đồng

Với việc tuyên bố miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng số từ năm 2022, cả Vietcombank và BIDV sẽ phải hy sinh phần lớn lợi nhuận ở hoạt động thanh toán, vốn là nguồn thu quan trọng trong mảng dịch vụ của ngân hàng.

Thực tế, việc 2 nhà băng quốc doanh kể trên miễn toàn bộ phí giao dịch ngân hàng số nằm trong chiến lược zero fee đã được rất nhiều ngân hàng thương mại tư nhân thực hiện những năm gần đây, như Techcombank, VIB, TPBank, MSB…

Mục tiêu chính của chiến lược này là hy sinh nguồn thu từ phí dịch vụ nhưng thu hút được nguồn tiền gửi thanh toán của khách hàng. Đây chính là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất dao động chỉ 0,1-0,2%/năm.

Việc có được nguồn tiền lãi suất thấp này giúp các ngân hàng có chi phí vốn rẻ hơn so với mặt bằng chung, từ đó ghi nhận mức thu nhập lãi thuần (NIM) cao hơn.

Hiện tại, các ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất hệ thống đều là nhóm có NIM dẫn đầu như Techcombank, TPBank, MSB, MBBank…

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III năm nay, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận hơn 110,9 triệu tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân với số dư gần 800.000 tỷ đồng.

Số dư tiền này đã tăng liên tục 6 quý gần nhất và tăng gần 227.700 tỷ trong vòng một năm qua. Đây chính là “chiếc bánh” lãi suất thấp mà các ngân hàng đang cạnh tranh nhau với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến