Dòng sự kiện:
Vietcombank rời kế hoạch tăng vốn, bầu thành viên HĐQT mới ngay sau Tết
10/12/2022 06:03:19
Trong ĐHĐCĐ bất thường tới, Vietcombank sẽ phê duyệt các tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT, kéo dài thời gian thực hiện tăng vốn điều lệ và một số tờ trình khác

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB) vừa thông báo tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 30/1/2023 tại Hội trường tầng 19, tòa nhà Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời gian chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự Đại hội cổ đông bất thường là 30/12/2022.

Cuộc họp nhằm phê duyệt các tờ trình bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2023; tờ trình về việc kéo dài thời gian thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu VCB và một số tờ trình khác (nếu có).

Trước đó, Vietcombank đã thông báo miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phạm Anh Tuấn từ ngày 1/12/2022. Lý do miễn nhiệm là vì ông Phạm Anh Tuấn được Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thanh toán tại đây.

Về kế hoạch tăng vốn, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỉ lệ 18,1%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới.

Đối tượng phát hành là các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của Vietcombank tại thời điểm chốt quyền được xác định theo thông báo về ngày chốt quyền của ngân hàng đối với đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019.

Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, giữ vị trí là ngân hàng có số vốn điều lệ cao thứ 2 trong hệ thống, sau VPBank với 67.434 tỷ đồng và cao nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt gần 24.940 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận.

So với mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30.675 tỷ đồng, Vietcombank đã thực hiện được hơn 81% mục tiêu sau 9 tháng.

Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản Vietcombank đạt gần 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 50%, xuống còn 11.379 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 41%, lên mức 254.958 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 17,6%.

Trong cơ cấu nợ, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng đạt 9.003 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2021. Đặc biệt, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp 3 lần đầu năm, lên mức hơn 2.313 tỷ đồng. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% đầu năm lên 0,8%, vẫn thuộc nhóm thấp toàn ngành.

Ngoài ra, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank giảm từ mức kỷ lục 506% hồi cuối quý II xuống 402%.

Tác giả: Lê Thanh Hồng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến