Vietstar Airlines – Ai sẽ chắp cánh ước mơ bay?
04/04/2016 18:32:59
ANTT.VN – Trong năm 2015, hai nhà đầu tư đã tích cực rót thêm 300 tỷ đồng để Vietstar đạt chuẩn tiêu chí vốn điều lệ tối thiểu thành lập hãng hàng không, tuy nhiên, khoản lỗ lũy kế gần 50 tỷ đồng vẫn còn treo sổ liệu có khiến “ước mơ bay” của Vietstar gãy cánh?

Tin liên quan

Cuối tháng 3/2016,  khi mà dư luận trong nước còn chưa hết xôn xao về việc Bộ GTVT cấp phép thành lập hãng bay VASCO, thì chính cơ quan này ngay sau đó lại có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines (VSA).

Theo đó, Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Được thành lập từ năm 2010 với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng, Vietstar là đứa con chung của ba tổ chức gồm Công ty TNHH MTV HK Ngôi sao Việt góp 262,7 tỷ - tương ứng 65% vốn và Công ty cổ phần Logistic Ngôi sao Việt góp 37,5 tỷ đồng, phần còn lại do Công ty Sửa chữa máy bay A41góp vốn với tỷ lệ 25%.

Theo đó, A41 được Bộ Quốc phòng giao cho làm đại diện góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong lĩnh vực hàng không với giá trị được định giá tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng.

Đến năm 2015, khi công ty này quyết định tăng vốn lên 800 tỷ đồng phần vốn góp thực tế của chủ sở hữu mới là 700 tỷ đồng - đúng với số vốn tối thiểu cần có để được cấp giấy phép bay quốc tế theo điều 8 Nghị định 30/2013/NĐ – CP, khoản tiền tăng thêm 300 tỷ do CTCP Logistic Ngôi sao Việt và Công ty TNHH MTV HK Ngôi sao Việt do tổng giám đốc Phạm Trịnh Phương làm chủ tịch HĐQT.

Theo lời giới thiệu trên website của công ty, Vietstar Airlines cung cấp các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không theo phương thức thuê chuyến (vận chuyển bằng các loại máy bay cánh bằng loại nhỏ và trực thăng đến các khu du lịch hoặc đảo nhỏ mà máy bay lớn không đến được), Cung cấp dịch vụ mặt đất cho các loại máy bay, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay cho khách hàng là các hãng hàng không đang hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Doanh thu trong năm 2015 của VSA có sự tăng trưởng đột biến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, tổng doanh thu tăng 26 lần lên 70,5 tỷ, lợi nhuận sau thuế lãi 146 triệu đồng thay vì lỗ gần 4,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2015, VSA vẫn phải ghi nhận khoản lỗ lũy kế 47,4 tỷ đồng sau hơn 5 năm đi vào hoạt động. Mức vốn điều lệ 700 tỷ đồng mà các nhà đầu tư của Vietstar góp thêm trong năm vừa qua cũng theo đó mà bị ảnh hưởng, không đạt tiêu chuẩn về vốn chủ sở hữu tối thiểu của hãng hàng không nội địa và quốc tế.

Sau 5 năm hoạt động, Vietstar Airlines lỗ gần 50 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện tối thiểu thành lập hãng hàng không

Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách, hàng hóa thông dụng và cả loại hình vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam. Trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, hãng hàng không này dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 737/Airbus320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay....

Về tình hình tài chính, khoản vay nợ đáng lưu ý nhất của Vietstar là khoản vay dài hạn ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank với tổng dư nợ tại ngày 31/12/2015  là 290 tỷ đồng – tăng 40% so với thời điểm đầu năm. Đây là khoản tiền vay theo hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201405688 ngày 05/11/2014 chịu lãi suất 10.5%/năm dùng để mua sắm tài sản cố định.

Quay lại với đề xuất của Bộ GTVT, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Vietstar sẽ là hãng bay thứ 5 ở Việt Nam, cùng với Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific và VASCO.

Vietstar Airlines ra đời liệu có cạnh tranh được với những ông lớn cùng ngành?

¾ cái tên kể trên là các hãng bay mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, cộng với hiện tượng một loạt hãng bay tư nhân chết yểu trong vài năm qua (Indochina Airlines, Air Mekong, Trãi Thiên hay Blue Sky), trong trường hợp các nhà đầu tự họ “Ngôi sao Việt” sẽ tiếp tục hào phóng rót thêm vốn để “chắp cánh ước mơ bay”cho Vietstar Airlines, dư luận có quyền đặt câu hỏi về hiệu quả tài chính của công ty trong tương lai không xa.

Nghi Điền – Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến