Viglacera: Một vốn… bốn nợ
12/05/2015 20:00:29
ANTT.VN – Thông tin từ Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, tính đến 31/12/2014, Tổng công ty Viglacera đang phải “gánh trên vai” khoản Nợ phải trả lên đến 9.287 tỷ đồng, gấp gần 4 lần giá trị Vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, Thuyết minh Báo cáo cũng cho thấy không ít khoản vay và nợ của Viglacera đã được cơ cấu lại kỳ hạn trả.

Viglacera chính thức chuyển đổi sang mô hình Công ty Cổ phần từ 02/07/2014

Tổng Công ty Viglacera - CTCP là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) tại Việt Nam, đồng thời cũng được biết đến là thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản với các sản phẩm: khu công nghiệp cho thuê, khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại - văn phòng cho thuê.

Căn cứ quyết định số 716/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ xây dựng, ngày 02/07/2014, Viglacera chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động Tổng Công ty sang Công ty Cổ phần với vốn điều lệ 2.645 tỷ đồng, được chia làm 264.500.000 cổ phần, trong đó: Nhà nước (Bộ Xây dựng) nắm giữ 241.985.262 cổ phần, chiếm 91,48% vốn điều lệ; Bán ưu đãi cho người lao động doanh nghiệp 1.441.645 cổ phần, chiếm 0,55% vốn điều lệ; Bán cho các cổ đông khác 21.073.093 cổ phần, chiếm 7,97% vốn điều lệ.

Sau bước chuyển mình chiến lược, lần đầu tiên, “bức tranh cận cảnh” về thực lực của Viglacera đã được “vén màn bí mật” và công khai chi tiết với quảng đại thị trường theo đúng luật định của mô hình của một công ty đại chúng.

Một vốn… bốn nợ

Theo báo cáo tài chính, tính đến 31/12/2014, “ông trùm VLXD xứ Bắc” đang có tổng tài sản 12.220 tỷ đồng, giảm đi đôi chút so với con số 12.407 tỷ đồng của ngày mới cổ phần (22/07/2014). Tuy nhiên trong khi tổng Vốn chủ sở hữu chỉ là 2.644 tỷ đồng thì Nợ phải trả của Viglacera đã gấp đến 4 lần: 9.287 tỷ đồng, trong đó 5.606 tỷ đồng là Nợ ngắn hạn và 3.681 tỷ đồng Nợ dài hạn.

Nợ phải trả gấp gần 4 lần giá trị Vốn chủ sở hữu

Như vậy, trong cơ cấu vốn, Viglacera đang có tổng cộng 6.325 tỷ đồng được phân loại nguồn vốn dài hạn và con số này hoàn toàn đảm bảo năng lực để tài trợ cho khối Tài sản dài hạn với tổng giá trị 6.026 tỷ đồng của doanh nghiệp, 299 tỷ đồng dôi ra chính là giá trị Vốn lưu động ròng, thể hiện phần nguồn vốn dài hạn đang được sử dụng để tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Dẫu vậy, so sánh 6.193 tỷ đồng giá trị Tài sản ngắn hạn thì con số vốn lưu động ròng vốn dĩ mới chỉ như “muối bỏ bể”.

Với trạng thái tài chính theo kiểu “một vốn bốn nợ”, rõ ràng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Viglacera đang phụ thuộc rất lớn vào việc chiếm dụng nguồn lực từ các chủ nợ. Nó có thể sẽ giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng quy mô và gia tăng lợi nhuận, song ngược lại, việc lạm dụng đòn bẩy tài chính cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí dẫn đến vỡ nợ.

Trong 5.606 tỷ đồng Nợ ngắn hạn của Viglacera, có 1.515 tỷ đồng là Vay và nợ ngắn hạn. Số còn lại nằm ở phần phải trả người bán 1.228 tỷ, chi phí phải trả hơn 1.292 tỷ và các khoản thuế, quỹ khen thưởng, người mua trả tiền trước,…

Chi tiết các khoản vay ngắn hạn của Viglacera

Ngoại trừ 66 tỷ đồng vay ngắn hạn cá nhân, phần lớn các khoản vay ngắn hạn của Viglacera đều có nguồn gốc từ các ngân hàng, với danh mục trải rộng từ Vietcombank (142 tỷ đồng vay ngắn hạn + 24 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả), Vietinbank (260 tỷ đồng vay ngắn hạn + 150 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả), BIDV (321 tỷ đồng vay ngắn hạn + 56 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả), Agribank (200 tỷ đồng vay ngắn hạn + 13 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả) đến MB (13 tỷ đồng vay ngắn hạn + 3 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả), SHB (7 tỷ đồng vay ngắn hạn + 4 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả)… Đáng chú ý, Viglacera còn có một khoản vay rất "khủng" ở nhà băng đang chìm trong khủng hoảng – Oceanbank: 3 tỷ đồng vay ngắn hạn và 200 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả.

Trong khi đó, chi phí phải trả của Viglacera tính đến 31/12/2014 phần lớn là khoản trích trước chi phí các dự án, công trình xây dựng (780 tỷ), khoản trích trước chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng các KCN (152 tỷ), và đáng chú ý là khoảng 105,8 tỷ đồng tiền lãi vay phải trả…và các khoản chi phí khác.

Còn đối với 3.681 tỷ đồng nợ dài hạn, Doanh thu chưa thực hiện đã chiếm đến 2.616 tỷ đồng. Số còn lại (1.065 tỷ đồng), Vay và nợ dài hạn đã là 993 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở Vietinbank (462 tỷ đồng), Oceanbank (114 tỷ đồng), BIDV ( 63 tỷ đồng vay dài hạn + 70 tỷ động nợ lãi vay dài hạn)…

Kỳ hạn của nhiều khoản vay và nợ đã được cơ cấu lại

Nợ vay ngắn hạn của Viglacera tại Vietcombank đã được cơ cấu lại thành nợ vay trung hạn

Theo phụ lục hợp đồng số 02 ngày 31/12/2013 giữa Vietinbank Chi nhánh Hà Nội và Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long, hai bên đã thống nhất cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho toàn bộ dư nợ của Bên vay tại Bên cho vay đến thời điểm 31/12/2013 theo các hợp đồng tín dụng (HĐTD): HĐTD số 01/12/HM.NHNT.HN ngày 01/04/2013; HĐTD số 02/13/TL/NHNT.HN ngày 23/09/2013; HĐTD số 03/13/TL/NHNT.HN ngày 12/11/2013 từ nợ vay ngắn hạn thành nợ vay trung hạn. Thời hạn trả nợ mới là 60 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu nợ.

Viglacera: Khoanh nợ tại VDB, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lãi tại BIDV và "lưu cữu" khoản nợ đối với Ngân sách Hải Dương 

Liên quan đến khoản 70 tỷ đồng nợ lãi vay dài hạn BIDV TP Hồ Chí Minh, theo Văn bản sửa đổi, bổ sung số 02/01-HĐ-01/3467-BS8 ngày 20/10/2014 về việc điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ lãi của hợp đồng tín dụng số 02/01-HĐ-01/3467 ngày 02/01/2001, khoản lãi này được trả trong vòng 10 năm bắt đầu từ năm 2011 và chịu lãi suất theo từng thời kỳ và được trả ngày 25 hàng tháng. Tại ngày 31/12/2014, Công ty còn nợ ngân hàng với tổng số tiền là 75.892.176.989 VND. Trong đó nợ phải trả đến hạn trong kỳ sau số tiền là: 6.000.000.000 VND.

Đặc biệt, theo Báo cáo tài chính, Viglacera vẫn còn “lưu cữu” một khoản nợ ngân sách lên đến 5,7 tỷ đồng đối với tỉnh Hải Dương. Thuyết minh cho thấy khoản nợ Ngân sách Hải Dương do Nhà mày Viglacera Hải Dương vay từ năm 1999, trước khi Nhà máy sáp nhập vào Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội. Khoản vay này được đảm bảo bằng tín chấp.

Thù lao “khủng” của các “sếp lớn”

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Tổng công ty Viglacera – CTCP, trong 6 tháng cuối năm 2014 (tính từ thời điểm chuyển đổi sang mô hình CTCP), trung bình một tháng, mỗi thành viên Hội đồng Quản trị của doanh nghiệp 91,48% vốn Nhà nước này đã nhận được 1 khoản thù lao 52 triệu đồng.

Trong đó, thù lao cho Chủ tịch HĐQT là 58 triệu đồng/tháng (696 triệu đồng/năm), Thành viên chuyên trách là 48 triệu đồng/tháng, Thành viên kiêm nhiệm là 10 triệu đồng/tháng.

Còn đối với Ban kiểm soát, thù lao của Trưởng ban là 38 triệu đồng/tháng và Thành viên là 22 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch HĐQT Viglacera Luyện Công Minh nhận thù lao 58 triệu đồng/tháng (chưa tính thưởng)

Đáng chú, các con số trên mới chỉ đơn thuần là thù lao và chưa bao gồm thưởng.

Bởi, cũng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ lần đầu, Công ty dự kiến xem xét thưởng cho Bộ máy quản lý và điều hành từ 10%-30% của lợi nhuận sau thuế của phần vượt kế hoạch khi đạt được 2 chỉ tiêu: (1) Lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch; (2) Mức chi cổ tức cho các cổ đông tối thiểu bằng mức lãi suất huy động tiền gửi cá nhân kỳ hạn 12 tháng + 3,5% của Ngân hàng Vietcombank.

Được biết, đương kim Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera là ông Luyện Công Minh và Trưởng Ban Kiểm soát là bà Ngô Thùy Trang.

Kỳ tới: Điểm mặt “con tin” trong những khoản vay nghìn tỷ của Viglacera

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến