Dòng sự kiện:
VinaCapital bán cổ phần của 'trùm BOT' Tasco
22/12/2019 18:49:06
Quỹ ngoại bán cổ phần sau việc đàm phán chuyển giao VETC với tập đoàn Đèo Cả thất bại.

Ngày 12/12 vừa qua, VOF Investment Limited thông báo đã bán ra 720.300 cổ phiếu Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT). Sau giao dịch, quỹ thuộc VinaCapital còn nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,93% vốn. Ngoài ra, 2 quỹ liên quan là Windstar Resources Limited và Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth cũng sở hữu cổ phần Tasco. Tổng sở hữu ngày đến hết ngày 12/12 là 10,96%, tương đương 29,4 triệu cổ phiếu.

Đến ngày 13/12, VOF Investment Limited bán tiếp 700.000 cổ phiếu để giảm tỷ lệ về 1,8 triệu cổ phiếu. Báo cáo lần này của nhóm VinaCapital không còn xuất hiện Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth. Do đó, tổng nhóm VinaCapital chỉ còn nắm 26,8 triệu, tỷ lệ 9,99%.

Việc bán ra hàng triệu cổ phiếu HUT của VOF Investment diễn ra trong bối cảnh Tasco gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt là câu chuyện tại dự án trạm thu phí không dừng của công ty con Công ty TNHH Thu phí tự động VETC.

Mới đây, kế hoạch hợp tác đầu tư của Tập đoàn Đèo Cả mang tính “giải cứu” dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 với Tập đoàn Tasco đã chính thức dừng lại.

Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả đã có công văn gửi Bộ GTVT, Tập đoàn Tasco và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC thông báo dừng tìm hiểu thông tin để hợp tác đầu tư tại Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe giai đoạn 1 (BOO1).

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng việc nhà đầu tư này dừng tìm hiểu thông tin và dừng đàm phán với Tập đoàn Tasco tại dự án BOO1 do sự khác nhau về mục tiêu và sự thiếu nhất quán của Tasco.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, phía Tập đoàn Tasco chỉ quan tâm tới việc thoái vốn và rút lui khỏi dự án nhằm ít bị thiệt hại nhất và không quan tâm đến việc phải tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc của dự án.

Theo đó, Tập đoàn Tasco yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả đặt cọc 60 tỉ đồng để thực hiện chuyển nhượng cổ phần trước khi thực hiện các công việc tiếp theo và yêu cầu tập đoàn này phải bổ sung tài sản thế chấp ngân hàng để Tasco rút tài sản đang thế chấp, trong khi dự án đang bị âm dòng tiền.

Ông Thủy cũng cho biết thêm, hiện tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ 1 đều đã lắp đặt và vận hành tối thiểu 2 làn ETC hơn 1 năm qua, cho thấy nhà đầu tư rất đồng tình và ủng hộ chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, có 3 vướng mắc chính tại dự án BOO1 nếu không được tháo gỡ sẽ rất khó để dự án tiếp tục triển khai có hiệu quả: thứ nhất, việc chưa tìm được tiếng nói chung về tỷ lệ trích trực tiếp từ doanh thu thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC. Doanh thu thu phí chuyển vào tài khoản nhà đầu tư ETC trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng cho vay dự án BOT là vi phạm các thỏa thuận của hợp đồng tín dụng, gây rủi ro trong quản lý dòng tiền hoàn vốn dự án BOT…

Thứ 2, chủ phương tiện phải nộp tiền vào tài khoản trả trước của VETC tại Ngân hàng BIDV mà chưa có sự kết nối liên thông với tài khoản các ngân hàng khác cũng như ví điện tử, thẻ cào, cũng như chưa được tính lãi. Các xe miễn phí khi qua trạm vẫn bị trừ tiền và chỉ được hoàn lại sau 15 ngày. Việc người dân nộp tiền trước tạo số dư rất lớn của tài khoản nhà đầu tư có thể xảy ra rủi ro, tranh chấp kinh tế.

Thứ 3, số lượng phương tiện dán thẻ e-tag còn rất thấp, khoảng 800.000 trên 3,5 triệu phương tiện, chỉ 30% số phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC. Đây là lý do doanh thu của dự án ETC bị sụt giảm so với dự kiến. Nhưng nếu Bộ GTVT điều chỉnh tăng phí dịch vụ ETC, lại ảnh hưởng đến doanh thu và việc trả nợ của dự án BOT.

Trước đó, Bộ GTVT, Tập đoàn Tasco đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả tham gia tháo gỡ các vướng mắc tại dự án BOO1, các doanh nghiệp liên quan cũng đã ký các biên bản làm việc.

Trong khi đó, về phía VETC, doanh nghiệp này đã 2 lần có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị được dừng thực hiện dự án, phá sản do thua lỗ. Lỗ lũy kế đến 30.9 của VETC là 300 tỷ đồng (do tỷ lệ thu phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch).

Kết quả kinh doanh ảm đạm khiến giá cổ phiếu cũng lao dốc. Từ vùng 10.000 đồng/cp năm 2017, HUT đã rơi mạnh về 2.300 đồng/cp như hiện nay, mất 77% giá trị.

Khánh Linh (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến