Vinachem xin nhiều ưu đãi cho khoản nợ “khủng” của hai nhà máy đạm
16/09/2016 11:16:15
ANTT.VN – Trong báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã có hàng loạt kiến nghị lên Thủ tướng về việc cho phép chuyển nợ vốn vay thành vốn nhà nước đầu tư và khoanh nợ khoản vay tại một số ngân hàng cho hai dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc.

Tin liên quan

Theo báo cáo, đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2016 doanh nghiệp này cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc tập đoàn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ một số sản phẩm. Đặc biệt là nhu cầu và giá bán với các sản phẩm phân bón, săm lóp ô tô vẫn thấp và giảm so với cùng kỳ, do vậy ảnh hưởng chung đến kết quả chung của Tập đoàn.

Về giá trị sản xuất công nghiệp, tính theo giá thực tế đạt 19.748 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu đạt 21.727 tỷ đồng giảm 9,3% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 849 tỷ đồng.

Vinachem đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng nhiều ưu đãi cho các khoản nợ của Nhà máy Đạm Ninh Bình và Nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại một số ngân hàng ( Ảnh minh họa)

Đánh giá chi tiết về 6 nhóm sản phẩm của tập đoàn, Vinachem cho biết, do nhu cầu phân bón thấp, tiêu thụ khó khăn, giá bán liên tục giảm dẫn đến nhóm sản xuất phân bón không giữ được tăng trưởng về giá trị sản xuất, doanh thu và giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh.

Về nhóm sản phẩm cao su tiếp tục tăng lợi nhuận nhưng về thị trường tiêu thụ không được thuận lợi so với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu lắp ráp xe ô tô trong nước giảm và tình trạng gian lận thuế của lốp ô tô nhập khẩu đã cạnh tranh rất mạnh với lốp ô tô sản xuất trong nước; nhóm pin, ắc quy, sản phẩm chất tẩy rửa, nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, khí công nghiệp… được duy trì ổn định.

Theo Vinachem, căn cứ vào thực tế kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhất là với nhóm phân bón, điển hình là Urê và DAP có mức giá bình quân thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục có xu hướng giảm…

Báo cáo cho thấy có 3 đơn vị có doanh thu giảm mạnh với cùng kỳ là Công ty CP DAP – Vinachem (50,8%); Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (51,8%), Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (18,6%), các đơn vị còn lại giảm từ 0,9 – 24%.

Đáng chú ý, một số tồn tại của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình như dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012 nhưng đến nay chưa quyết toán được gói thầu EPC dẫn đến chưa quyết toán dự án hoàn thành. Theo Vinachem, từ đầu năm 2014 đến nay tập đoàn và nhà thầu HQC đã tiến hành đàm phán 11 đợt để giải quyết các tồn tại của hợp đồng EPC và bồi thường thiệt hại của nhà thầu do không đạt yêu cầu trong hợp đồng EPC.

Tuy nhiên, một số tồn tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: Thời gian chậm tiến độ thực hiện hợp đồng; các thay đổi trong quá trình thi công liên quan đến thay đổi kết cấu , vật liệu cấu kiện sử dụng trong thi công, thiết bị của dự án… Nhà thầu có cam kết sẽ cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan cho chủ đầu tư trước ngày 25/6/2016 nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp đủ.

Cùng với đó, nhà thầu cũng cam kết sẽ cung cấp cho chủ đầu tư hồ sơ dự án, tài liệu hoàn công, báo cáo cuối cùng, trước 25/6/2016 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được. Tập đoàn cũng đã có văn bản yêu cầu nhà thầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tài liệu quyết toán gói thầu EPC dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình nhưng đến nay cũng chưa nhận được văn bản trả lời của nhà thầu.

Vinachem đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật số 71, đưa phân bón Urê vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế 0%;

Tập đoàn này cũng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, số tiền là 2.708 tỷ đồng. Trong trường hợp không được chuyển nợ vốn vay thành vốn nhà nước đầu tư nêu trên đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong thời gian 5 năm  từ năm 2016 – 2020 ( Không trả nợ gốc, không tính lãi vay phát sinh trong 5 năm).

Vinachem cũng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép khoanh nợ khoản vay của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình tại Ngân hàng EXIMBANK Trung Quốc trong thời gian 5 năm, từ năm 2016 – 2020 ( không tính nợ gốc, không tính lãi vay phát sinh trong 5 năm).

Đồng thời, tập đoàn này cũng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép khoanh nợ khoản vay dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam ( dư nợ đến thời điểm 29/2/2016 là 3.956,907 tỷ đồng) trong thời gian 5 năm từ 2016 – 2020.

Vinachem đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt trong thời gian xem xét cho phép điều chỉnh lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình ( 371,74 tỷ đồng) và dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc ( 3.043,6 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55% về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành là 8,55%/năm. Bên cạnh đó, Vinachem cũng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép Công ty Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% cho năm 2018.

Tập đoàn này cũng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Công ty Đạm Ninh Bình và Công ty Đạm Hà Bắc vay vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vinachem cũng kiến nghị Bộ Công thương không tiếp tục xem xét, cấp phép đầu tư dự án sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp, nhất là các loại phân bón sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu như: Urê, lân chế biến, NPK.

Thiên Di
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến