Tin liên quan
Theo đó, doanh nghiệp vừa trình lên một kế hoạch bán 6 con tàu với tổng trọng tải gần 250.000 DWT. “Khủng” nhất trong số này là hai con tàu Vinalines Global và Vinalines Trader có trọng tải mỗi chiếc lên tới 70.000 DWT. Đây đều là tàu chở hàng khô và được xếp vào loại tàu già khi tuổi đời đã lên đến 20 năm. Điều đáng chú ý là trong danh sách này có cả tên một trong những chiếc mới nhất mà ông lớn ngành hàng hải VN sở hữu, đó là tàu Vinalines Ruby được Vinashin đóng vào năm 2012.
Tàu Vinalines Ruby được đóng mới năm 2012 cũng bị rao bán.
Mua đắt bán rẻ
Nếu lý do bán 5 tàu container chủ yếu là vì chi phí cao do tàu già, xuống cấp thì Vinalines Ruby được đưa vào danh mục thanh lý vì có mớn nước lớn (hơn 10 m) nên không thể đem vào hoạt động được trên các tuyến nội địa, trong khi giá cho thuê trên thị trường quốc tế đã giảm đi chóng mặt. Tuy nhiên, điều đáng nói là các tàu nằm trong kế hoạch bán lần này được định giá vô cùng thấp nếu đem so với mức tiền rất lớn mà Vinalines đã bỏ ra đầu tư khoảng 7 năm về trước.
Đơn cử, Vinalines Fortuna trọng tải 26.369 DWT được chi nhánh TP.HCM mua năm 2009 với giá gần 20,7 triệu USD (tương đương thời giá lúc đó là 341,5 tỉ đồng) thì tại thời điểm năm 2014 được định giá gần 95 tỉ đồng. Thế nhưng, giá trị dự kiến vào ngày 31.12.2015 chỉ còn chưa đầy 50 tỉ đồng, theo chứng thư thẩm định của công ty định giá độc lập.
Tính đến hết năm 2015, tổng trọng tải đội tàu của Vinalines khoảng 2,15 triệu tấn, chiếm 25% đội tàu quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ này chắc chắn sẽ giảm xuống đáng kể khi kết thúc năm 2016 bởi nhìn vào bản kế hoạch đặt ra hồi đầu năm thì Vinalines dự kiến sẽ bán và chuyển giao 13 tàu trong năm 2016 có tổng trọng tải khoảng 400.000 tấn. Hiện nay, trong cơ cấu đội tàu của tổng công ty thì số tàu già vẫn chiếm tỷ lệ lớn khi có 20% là tàu trên 20 tuổi và số tàu từ 15 năm trở lên khoảng 42%.
Trong khi đó, doanh nghiệp trực tiếp quản lý tàu là Công ty vận tải biển Vinalines dự kiến số tiền thu được nếu bán Fortuna trong quý 1/2016 chỉ ở mức 34,9 tỉ đồng (chưa trừ chi phí môi giới).
Tương tự, tàu Vinalines Star trọng tải trên 26.000 DWT cũng có mức giá dự kiến chỉ 34,4 tỉ đồng trong khi giá mua năm 2009 là giá 22,9 triệu USD (378 tỉ đồng). Đến cuối năm 2014, để phục vụ cổ phần hóa, tàu được định giá 104 tỉ đồng. Song đến thời điểm 31.12.2015 giá trị tàu tiếp tục giảm đi gần 50%. Một trường hợp khác là tàu Vinalines Ocean cũng mua trong năm 2009 với giá 376 tỉ đồng. Chứng thư thẩm định giá đầu năm 2014 xác định tàu còn 104 tỉ đồng. Đúng một năm sau, một công ty định giá độc lập khác chỉ tính toán giá trị của Vinalines Ocean là 53,9 tỉ đồng. Và nay, tàu được chào bán với giá hơn 34 tỉ đồng.
Càng để càng lỗ nặng
Dù giá bán rớt thê thảm, song các đơn vị thành viên trực tiếp quản lý tàu lẫn công ty mẹ Vinalines đều tỏ ra sốt sắng khi đặt mục tiêu bán càng nhanh càng tốt. Tổng công ty dẫn chứng, tàu Vinalines Ruby trong ba năm gần đây có kết quả kinh doanh lỗ tới 123,6 tỉ đồng. Mức giá thuê định hạn hiện ở mức 6.650 USD/ngày, giảm tới 42% so với giá cho thuê từ tháng 8.2015 - 1.2016.
Còn đại diện Công ty vận tải biển Vinalines thì cho hay tàu Vinalines Star trong 4 năm qua đã lỗ đến 187 tỉ đồng. Tàu Vinalines Ocean còn khủng khiếp hơn khi mức lỗ giai đoạn 2012 - 2015 là gần 223,5 tỉ đồng. Còn Vinalines Fortuna khiêm tốn nhất cũng lên đến 172,7 tỉ đồng.
Trong đơn xin bán tàu vào cuối năm 2015, đơn vị quản lý 3 con tàu kể trên tính toán, nếu thanh lý được trong quý 1/2016 thì doanh nghiệp sẽ lỗ thêm 78 tỉ đồng trong năm nay. Song nếu kịch bản xấu, không bán được và phải chờ đến cuối năm 2018 thì số lỗ sẽ nâng lên thành 95 tỉ đồng.
Tại bản xin phê duyệt chủ trương bán tàu vừa được gửi lên Bộ GTVT tuần trước, Vinalines khẳng định khả năng để các gam tàu nằm trong kế hoạch thanh lý có mức cước được phục hồi về điểm cân bằng lãi/lỗ là "rất khó xảy ra".
Do vậy, doanh nghiệp kiến nghị để các đơn vị thành viên được sớm bán tàu ngay trong tháng 6.2016 nhằm giúp các đơn vị giảm thiệt hại cũng như giảm áp lực tài chính đồng thời tập trung dòng tiền vào khai thác các tàu trẻ hơn, có khả năng sinh lời.
Trong gần 5 năm qua, kinh doanh vận tải biển là mảng bết bát nhất trong số 3 trụ cột (gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ logistics) của ông lớn ngành hàng hải. Dù không công bố con số chi tiết song Chủ tịch Vinalines phải luôn dùng đến những từ “chìm đắm trong lỗ” để nói về hoạt động kinh doanh của khối này.
Nguyên nhân bởi đội tàu được đầu tư nóng trong giai đoạn vận tải biển ở thời kỳ vàng son vào những năm 2006 - 2008. Báo cáo mới đây của doanh nghiệp cho biết chỉ số tàu hàng khô thời kỳ này lên tới 11.730 điểm nhưng sau đó tụt giảm không phanh trong 7 năm liên tiếp từ 80 - 90%. Thậm chí, những tháng đầu năm 2016, chỉ số này đã lập đáy mới với 290 điểm, tức sụt giảm 98%. Do vậy, Vinalines nói rằng không chỉ riêng doanh nghiệp mà các hãng tàu nội địa và nhiều ông lớn khác trên thế giới cũng ở bên bờ vực phá sản, dừng hoạt động đạt mức kỷ lục.
Nên đọc
Theo Thanh Niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy