Ngày 6/1, tại sự kiện VinFast Global EV Day ở Las Vegas, Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy cho biết VinFast sẽ chính thức chuyển thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022.
Đột ngột chia tay xe xăng
"VinFast sẽ là hãng tiên phong trên thế giới ngừng sản xuất xe xăng để chuyển sang thuần sản xuất xe điện" - bà Thuỷ nói. Điều này có nghĩa, các dòng xe VinFast Fadil, Lux A2.0, Lux SA2.0 và President sẽ không còn được sản xuất sau năm 2022.
Trong năm 2021, VinFast từng hé lộ ý định chuyển đổi thành thương hiệu xe điện hoàn toàn, nhưng đến nay kế hoạch cụ thể mới được xác nhận. Điểm gây bất ngờ với người dùng Việt Nam là mốc thời gian đến sớm hơn dự đoán bởi những chiếc xe mang thương hiệu VinFast lần đầu lăn bánh tại Việt Nam cách đây chưa đầy 2 năm, từ tháng 3/2019. Thậm chí, phiên bản giới hạn VinFast President cũng mới công bố mẫu SUV dành riêng cho thị trường Việt Nam hồi tháng 9/2020. Tức mẫu xe này sẽ mới chỉ tồn tại được 16 tháng trước khi nhận quyết định dừng sản xuất mới.
Quay ngược lại những ngày đầu VinFast được "thai nghén", hồi tháng 6/2019, sự kiện khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast được coi là bước ngoặt mang tính lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đánh dấu mốc công nghiệp ô tô Việt có thể đi vào sản xuất sau 30 năm chỉ gia công, lắp ráp.
Thời điểm đó, đã hơn 20 năm kể từ khi chiến lược công nghiệp ô tô Việt Nam của Chính phủ được công bố. Trong khoảng một phần tư thế kỷ, nhiều thời điểm ngành công thương đã thừa nhận thất bại. Và cũng trong từng đó thời gian, một số nhà lắp ráp và kinh doanh ô tô trong nước như Vinaxuki, THACO, Hyundai Thành Công đã nỗ lực đổi mới và sáng tạo không ngừng để có ô tô "made in Vietnam", nhưng rồi khát vọng đó cũng chưa thể thực hiện. Riêng cái tên Vinaxuki đã phải dừng bước.
Có thể nói, sự xuất hiện và tiềm năng lớn của VinFast cùng mục tiêu xuất khẩu ô tô sang Mỹ đã thổi bùng niềm tự hào Việt, là hãng tiên phong cho chiến lược công nghiệp ô tô Việt Nam, hiển hiện tinh thần kinh doanh mà người Việt Nam vẫn thường khao khát.
Năm 2021, VinFast bán ra thị trường tổng 35.723 ô tô các loại, tăng 21,2% so với năm 2020. Nếu tính riêng doanh số của mẫu xe xăng, VinFast đang là một trong 4 hãng xe có doanh số tốt nhất thị trường. Ở vị trị đầu tiên Hyundai với hơn 70.518 xe bán ra thị trường, tiếp sau đó là Toyota (67.533 xe) và KIA (45.532 xe). Có thể nói, đây là mức tăng trưởng khá nhanh đối với một công ty chỉ mới vài năm tuổi như VinFast.
Vậy nhưng, từ một hãng đặt mục tiêu sản xuất 500.000 xe mỗi năm với số vốn 3,5 tỷ USD đầu tư, Vingroup lại đột ngột quyết định dừng hẳn sản xuất xe xăng để tập trung sang mảng xe điện.
Những quyết định đầu tư dang dở...
Động thái dừng sản xuất xe xăng lần này không phải lần "đóng nhanh, cắt gọn" duy nhất của Tập đoàn Vingroup.
Kể từ khi VinFast xuất hiện, Vingroup đã liên tục đẩy nhanh tiến trình rút chân khỏi những mảng kinh doanh được cho là không còn phù hợp nhằm dồn lực cho kế hoạch toàn cầu của VinFast.
Cuối năm 2019, thị trường bán lẻ bất ngờ với thông tin tập đoàn Vingroup rút chân khỏi ngành sau thời gian đầu tư phát triển. Ngày 3/12/2019, Vingroup thông báo quyết định hoán đổi cổ phần công ty VinCommerce - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho tập đoàn Masan. Vingroup cũng bán luôn VinEco cho Masan trong thương vụ này.
VinMart đồng loạt đổi tên thành WinMart từ 15/1/2021 sau 2 năm bán cho Masan.
Quyết định của Vingroup gây chú ý bởi bán lẻ chính là mảng đóng góp doanh thu đứng thứ hai cho Vingroup, chỉ đứng sau mảng chuyển nhượng bất động sản. Chỉ riêng năm 2019, chuỗi VinMart và VinMart+ mang về cho Vingroup đến 26.000 tỷ đồng doanh thu. Mới đây nhất, ngày 15/1, dưới sự điều hành của WinCommerce (thành viên của tập đoàn Masan), chuỗi siêu thị này đã chính thức đổi tên thành WinMart.
Cũng cuối năm 2019, Vingroup đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy, công nghệ VinPro và sàn thương mại điện tử Adayroi. Tương tự như VinMart, VinMart+, chuỗi điện máy này cũng được Vingroup đầu tư mạnh thông qua việc thâu tóm chuỗi bán lẻ công nghệ lâu đời trước đó là Viễn Thông A vào năm 2018. VinPro từng được kỳ vọng là đối thủ nặng ký của Thế giới Di động khi triển khai chiến lược bán hàng đa dạng từ nồi niêu xoong chảo, đến hóa mỹ phẩm, đồng hồ.
Tháng 7/2019, Vingroup thành lập CTCP Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp. Dự án này có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 1/2020, Vingroup bất ngờ dừng dự án này với lý do việc đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội.
Giữa năm 2018, Vingroup thành lập CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart với vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng. Chỉ sau vài tháng thành lập, điện thoại "made in Vietnam" chính thức ra mắt lần đầu tại Việt Nam. Từ con số 0 và chỉ tới hết năm 2020, điện thoại Vsmart đã đứng thứ 3 thị phần trong nước với 12,7%.
Thế nhưng, đến tháng 5/2021, Vingroup thông báo dừng sản xuất điện thoại, tivi thương hiệu Vsmart với lý do hiện đã có quá nhiều nhà sản xuất tham gia, dư địa đột phá cơ bản không còn nhiều và rõ ràng không mang giá trị lớn hơn cho mọi người.
VinSmart đã đứng thứ 5 về giá trị đầu tư trong hệ sinh thái của Vingroup trước khi bị đóng cửa.
"Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại" - ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup từng chia sẻ với báo giới về quyết định dừng sản xuất điện thoại VinSmart.
Ngoài những thương vụ rút chân đình đám kể trên, Vingroup còn từng mạnh tay cắt giảm những dự án khác trong lĩnh vực thời trang (Emigo), bán lẻ dược phẩm (VinFa), tài chính (Tập đoàn tài chính Vincom)...
Danh sách những lĩnh vực mà tập đoàn này rút lui để tập trung cho phát triển công nghiệp ô tô thêm nối dài với quyết định dừng sản xuất xe xăng.
Việc đóng lại các mảng kinh doanh một cách chóng vánh đặt ra những câu hỏi về các chính sách hậu mãi và tính bổ trợ của hệ sinh thái của Vingroup. Nếu như trước đây người tiêu dùng có thể tích điểm cho các khoản chi trả tại hệ thống Vinmec, Vinschool, Vinpearl… vào VinID, thì sau khi được chuyển nhượng cho Masan chỉ còn chấp nhận tích điểm cho các khoản tiêu dùng tại hệ thống WinMart, WinMart+.
Điều này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Vingroup vẫn đang trên con đường mò mẫm các lĩnh vực kinh doanh? Và khi tình hình thực tế kinh doanh không tốt, Vingroup sẽ tập trung vào mảng ít rủi ro và phát triển những mảng tiềm năng trong tương lai?
Nhưng liệu tương lai này là tương lai xa hay tương lai gần khi mà doanh nghiệp trải qua những quyết định mang tính giai đoạn và dứt khoát, bao gồm cả bán, đóng cửa các mảng kinh doanh vốn đặt nhiều kỳ vọng?
Được và mất
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Khoa Bảo - Trưởng phòng Đầu tư Chứng khoán VPS nhận định, việc một doanh nghiệp đột ngột dừng một mảng kinh doanh đang theo đuổi và nhảy sang mảng khác sẽ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, trong trường hợp của Vingroup, những quyết định rút lui khỏi các lĩnh vực kinh doanh đều ít nhiều ảnh hưởng đến cổ phiếu "họ Vingroup".
Tiêu biểu, ngay sau thông tin tập đoàn này ra mắt 3 mẫu xe điện mới tại triển lãm CES 2022 (Mỹ) sáng 6/1 theo giờ Hà Nội, các mã cổ phiếu liên quan Vingroup đứng đầu về biên độ tăng. VRE chốt phiên tăng hết biên độ, giữ mức giá trần phiên thứ hai liên tiếp. VIC cũng có thêm 4,5%, VHM tăng 1,5%. Nhiều nhà đầu tư đặt cược vào các cổ phiếu này đã có niềm tin về những phiên thắng đậm.
"Tuy nhiên, tác động không phải lúc nào cũng tích cực. Cổ phiếu một doanh nghiệp trước những thông tin lớn như vậy hoặc là tạo sóng ngành nhờ thông tin tốt, hoặc là chìm trong sắc đỏ" - ông Bảo cho biết.
Điển hình, trước một ngày tập đoàn Vingroup tuyên bố rút khỏi hàng không, cổ phiếu VIC của Vingroup đã giảm từ 101.200 đồng/cổ phiếu phiên ngày 14/1/2020 xuống còn 82.810 đồng/cổ phiếu phiên ngày 28/1, sau đó mới bắt đầu tăng lại. Mức giảm tương ứng gần 20%.
Một ví dụ khác, tính từ ngày 16/12/2019, tức một ngày trước khi Vingroup công bố đột ngột ngưng hoạt động sàn thương mại điện tử Adayroi cho đến phiên ngày 19/12/2019, cổ phiếu VIC cũng gần như chìm trong sắc đỏ khi giảm liên tiếp trong tháng 12. VIC giảm từ mức 102.200 đồng/cổ phiếu xuống còn 94.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm khoảng 8%. Vốn hóa thị trường của VRE đã giảm hơn 3.400 tỷ đồng trong một tuần. Cổ phiếu VHM cũng giảm giá, vốn hóa mất gần 30.000 tỷ đồng.
Ông Bảo đánh giá, khi doanh nghiệp đột ngột có thay đổi liên quan đến chiến lược kinh doanh, nhà đầu tư sẽ ở trong trạng thái bị động và nảy sinh tâm lý hoang mang. Họ toàn toàn có thể đặt câu hỏi về sự phát triển ổn định của doanh nghiệp bởi khi doanh nghiệp "quay xe", tham gia một mảng mới sẽ lại cần nhiều thời gian. "Họ đặt niềm tin vào tương lai của ngành và rồi bỗng nhiên niềm tin ấy bị đóng lại. Nếu doanh nghiệp xử lý không tốt sẽ rất dễ đánh mất niềm tin của nhà đầu tư" - ông Bảo cho hay.
TS Phan Phương Nam - Phó khoa Luật Thương mại, Đại học Kinh tế Tp.HCM cũng đánh giá việc dừng mảng xe xăng nói riêng mới đây và dừng nhiều mảng khác trong quá khứ của Vingroup sẽ khiến khách hàng thận trọng với các sản phẩm sau này của Vingroup.
Theo TS Phan Phương Nam, khách hàng kỳ vọng vào hệ sinh thái bền vững của một doanh nghiệp. "Tuy nhiên, qua việc liên tục phải đóng cửa các mảng, Vingroup lại cho khách hàng thấy hệ sinh thái ấy đang gặp nhiều rủi ro trong vấn đề phát triển và họ biết dừng đúng lúc" - ông Nam nói.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, việc doanh nghiệp đa ngành lớn nhất Việt Nam cũng phải thoái lui khỏi nhiều lĩnh vực kinh doanh từng đặt nhiều tham vọng ít nhiều sẽ khiến khách hàng bị động trong việc đón diễn biến thị trường.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc doanh nghiệp đa ngành lớn nhất Việt Nam cũng phải thoái lui khỏi nhiều lĩnh vực kinh doanh từng đặt nhiều tham vọng ít nhiều sẽ khiến khách hàng bị động trong việc đón diễn biến thị trường.
Tuy nhiên, trước nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu Vingroup có quá đột ngột trong việc phát triển chiến lược kinh doanh và không nghiên cứu kỹ thị trường, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần cái nhìn cởi mở hơn. Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng biến nhanh trước các tác động của thị trường, nhiều lĩnh vực sẽ có những thay đổi mạnh chỉ trong thời gian ngắn, khiến doanh nghiệp đứng trước câu hỏi: Tiếp tục hay dừng lại.
Trong trường hợp của Vingroup, ông Doanh cho rằng đây là lựa chọn riêng và chắc chắn Tập đoàn đã có tính toán cho lựa chọn này. Điều này có thể khiến các khách hàng hoàn toàn có cơ sở để phải đặt câu hỏi trước khi lựa chọn một sản phẩm của doanh nghiệp: Liệu rồi sản phẩm này có được phát triển lâu dài hay sẽ bị "khai tử" như nhiều sản phẩm khác đã từng?
"Tuy nhiên, không nên quá nghi ngờ và cho rằng việc thoái lui khỏi các lĩnh vực để tập trung cho một lĩnh vực mới là sai lầm. Doanh nghiệp lớn sẽ biết cách xử lý sao cho công bằng và phù hợp" - ông cho hay.
Tác giả: Thu Thảo - Nguyễn Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Căn hộ Imperia Signature Cổ Loa MIK
- Bcons solary
- Phú Khang chuyên cung cấp Quạt hút công nghiệp
- Dự án Căn hộ Stown Gateway
- mg rx5
- Mitsubishi Trường Chinh
- logistics real estate in viet nam
- ắc quy xe điện
- xe điện gấp gọn
- Công nghệ xe ô tô
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy