Biến chủng mới lây lan nhanh, chu kỳ trong 2 ngày
Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch bùng phát lần thứ 4 nghiêm trọng hơn về cả số ca lây nhiễm, tốc độ lây nhiễm và mức độ tấn công của virus vào người bệnh. Theo đánh giá của Bộ Y tế, đợt dịch này nguy hiểm hơn vì virus biến chủng kép của Ấn Độ được đánh giá có tốc độ lây nhiễm 1,7 lần so với các loại virus trước.
Việt Nam đã có nhiều ngày ghi nhận số trường hợp lây nhiễm trong nước lên đến vài trăm ca. Tại ổ dịch trong khu công nghiệp của Bắc Giang, tỉ lệ phát hiện dương tính trong số các mẫu được xét nghiệm có thời điểm lên đến gần 40%. Tại nhà máy Hosiden (Khu công nghiệp Quang Châu) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55%.
Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2
Bộ Y tế cũng nhận định, hiện nay virus đã có sự lây nhiễm cao trong môi trường chật hẹp. Đó là lý do vì sao chỉ trong 3 tuần qua, Việt Nam đã vượt mốc 1.900 ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Trong đợt dịch thứ 4 này, kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm từ người đã mắc COVID-19 do các địa phương gửi về để xác định biến thể của virus SARS-CoV-2 do Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương thực hiện cho thấy bệnh nhân ở các tỉnh, thành hầu hết đều nhiễm chủng Ấn Độ B.1.617.2.
Theo các chuyên gia thì chu kỳ lây nhiễm dịch COVID-19 trước đây là 6,7 ngày, rồi rút xuống 3,4 và đến nay chỉ trong vòng 2 ngày. Chủng virus mới này được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (đặc tính của biến chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc-xin (đặc tính của chủng virus Nam Phi) nên được gọi là chủng biến thể kép.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, chủng SARS-CoV-2 mới lây lan rất nhanh, rất mạnh và có khả năng nhân lên, phát tán mầm bệnh trong không khí. Theo Bộ trưởng, đợt dịch lần này không còn theo chuỗi lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp như trước kia, thay vào đó xuất hiện thêm lây nhiễm trong không khí do virus phát tán trong không gian kín, hẹp, một người có thể cùng lúc lây cho nhiều người. Các ổ dịch lớn hiện tại hầu hết đều nhiễm biến chủng Ấn Độ với đột biến kép, tăng khả năng lây nhiễm nhanh gấp nhiều lần.
"Trước đây chủng của Anh lây nhanh gấp 1,7 lần so với chủng cũ thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng Anh. Với các chủng virus cũ, khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm phải mất 3-4 ngày mới mọc nhưng theo các chuyên gia về xét nghiệm, chủng lần này ngày thứ 2 đã mọc rất nhiều", Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.
Tránh lây chéo virus bằng cách nào?
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, so với các biến chủng của virus trước đó, biến thể kép lần này của Ấn Độ lây nhanh hơn nhiều. Chẳng hạn chu kỳ lây nhiễm của đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng đợt tháng 7 năm 2020 là 5-7 ngày thì đợt dịch này chỉ 2-3 ngày.
"36 tiếng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh thì một người đã có thể có xét nghiệm dương tính và có trường hợp đã lây cho người khác sau 2 ngày bị phơi nhiễm", ông Thái nói.
Theo các chuyên gia, biến thể mới của Ấn Độ có tăng độc lực hay không thì đến nay chưa có dữ liệu rõ ràng. Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ trong đợt dịch thứ 4 này tại nước ta là virus lây lan rất nhanh.
Trong các đợt dịch trước, trong một nhà thường chỉ phát hiện 1-2 ca mắc nhưng trong đợt dịch này có nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc như trường hợp 4 người trong một nhà ở Times City (Hà Nội) hay gia đình của cựu Giám đốc Hacinco…
Theo quan điểm của TS, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh virus này tồn tại trong không khí dễ hơn và lâu hơn bình thường.
"Virus gây bệnh hô hấp nào cũng vậy chỉ lây qua giọt bắn. Virus SARS-CoV-2 cũng vậy đường lây truyền chính là giọt bắn. Tuy nhiên đối với biến thể Ấn Độ, rất có thể giọt bắn này có thể tồn tại ở dạng lơ lửng trong phòng kín, rơi xuống chậm. Vì vậy, khi người lành hít phải giọt bắn mang virus sẽ bị mắc bệnh", BS Khanh nói.
"Yếu tố không khí được hiểu ở đây là lây trong không khí ở môi trường kín, có bật máy điều hòa (máy lạnh), không mở cửa thông thoáng khí như: các công xưởng kín, phòng karaoke, quán bar, cơ sở massage hay trong các tòa nhà kín bật điều hòa liên tục… Điều này có thể thấy qua ổ dịch trong các KCN ở Bắc Giang hay chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc và gần đây nhất là chùm ca bệnh liên quan đến Công T& T ở Hà Nội", một chuyên gia giải thích.
GS-TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Ttrung ương thông tin, do đặc tính lây lan nhanh trong không khí, nhất là môi trường kín nên các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, cơ sở cách ly tập trung phải tắt máy lạnh, mở cửa, dùng quạt máy trong phòng bệnh để không khí lưu thông, tránh lây chéo và hạn chế việc virus tồn tại.
Các chuyên gia khuyến cáo thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần lưu ý mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa, hạn chế đông người…
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Bảo Khánh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy