Dòng sự kiện:
VN-Index trong 'vùng trống' thông tin hỗ trợ!
18/08/2019 18:19:06
Tâm lý tích cực (nếu có) nhiều khả năng sẽ chỉ trở lại vào giữa tháng tới khi nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm tiếp lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 9.

Khả năng để VN-Index chinh phục lại mốc 1.000 điểm trong ngắn hạn đang dần trở nên khó khăn. Ảnh minh họa Thành Hoa

Chỉ số chứng khoán VN-Index đang trải qua chuỗi phiên biến động mạnh theo chiều hướng điều chỉnh trước diễn biến “rung lắc” mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới. Kết thúc tuần giao dịch trước, chỉ số VN-Index lùi về mốc 974 điểm, giảm 1,7% so với tuần trước đó. Đà giảm tuần qua diễn ra trên diện rộng, ở hầu hết các nhóm ngành.

Ngay cả nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, vốn là nhóm có giao dịch rất tích cực kể từ đầu năm đến nay, cũng bị chốt lời mạnh sau giai đoạn tăng nóng trước đó. Mặc dù vậy, thị trường vẫn xuất hiện một vài cơ hội tại các blue-chips như FPT, VCS, MWG, PNJ... hay các cổ phiếu ngành logistics.

Về thanh khoản, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn Hose tuần qua đạt 3.207 tỉ đồng/phiên, tăng 10% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tăng trong bối cảnh thị trường giảm điểm không phải là tín hiệu thật sự tốt khi cho thấy áp lực bán là khá mạnh.

Bị ảnh hưởng chung bởi sự bất ổn và khó lường trên TTCK thế giới, giao dịch của khối ngoại là điểm trừ trong tuần qua khi khối này đẩy mạnh bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng một phần ba lượng bán ròng đến từ các quỹ ETFs như FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF, Premia MSCI Vietnam ETF.

Việc các dòng vốn nóng, điển hình như dòng vốn thông qua quỹ ETFs, đảo chiều khi bối cảnh bên ngoài gặp bất lợi là hoàn toàn có thể lường trước được. Đặc điểm của dòng vốn này là ra vào rất nhanh, khiến tính liên thông của TTCK Việt Nam với TTCK thế giới ngày càng tăng cao. 

Song hành cùng với chứng khoán, giá dầu tuần qua cũng trồi sụt mạnh trước lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại từ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giá dầu WTI có thời điểm về sát mốc 50 đô la/thùng trước khi hồi phục lên mốc 54 đô la Mỹ/thùng. Dù vậy, so với tuần trước đó, giá dầu vẫn ghi nhận mức giảm 1,8%. Việc giá dầu trên đà đi xuống khiến triển vọng của nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục ảm đạm.

Trong tuần này, TTCK thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tập trung sự chú ý vào những diễn biến xoay quanh cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung và những động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) liên quan việc niêm yết tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ hàng ngày. Mặc dù ngay sau khi đồng nhân dân tệ vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ, giới đầu tư đã rất lo ngại nhưng PBoC đã nhanh chóng có động thái can thiệp để “neo giữ”, ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, có thể thấy PBoC đã tạm thời thành công ở mục tiêu trên. Tuy vậy, triển vọng đồng nhân dân tệ từ giờ cho tới cuối năm vẫn được nhận định theo hướng sẽ yếu dần. Còn mức độ giảm giá bao nhiêu sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ suy giảm của kinh tế Trung Quốc, độ “nóng” của xung đột thương mại Mỹ - Trung và “ý chí” điều hành của Trung Quốc.

Các chuyên gia quốc tế nhận định trong kịch bản tiêu cực, tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ có thể tăng lên mốc 7,2-7,3 vào thời điểm cuối năm nay, tức là giảm thêm 3-4% so với mức hiện tại.

Ngày 13-8, ngay khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ bất ngờ thông báo loại một số mặt hàng ra khỏi danh sách 300 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc bị đánh thuế 10%, đồng thời thời điểm đánh thuế đối với một số mặt hàng trong danh sách sẽ trì hoãn đến giữa tháng 12-2019 thay vì từ ngày 1-9-2019 như ấn định. Động thái bất ngờ này từ phía Mỹ giúp mang lại một tia hy vọng rằng kịch bản tiêu cực nhất sẽ không xảy ra.

Ở trong nước, sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2, VN-Index đang bước vào giai đoạn trống vắng các thông tin hỗ trợ. Tháng 7 Âm lịch cũng không phải là giai đoạn nhà đầu tư ưa thích việc đẩy mạnh giao dịch. Ngoài ra, trong tuần này, phiên thứ 5 (15-8) cũng là thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh F1908. Thống kê cho thấy những phiên đáo hạn phái sinh gần đây thường có biến động mạnh.

Trên cơ sở đó, khả năng để VN-Index chinh phục lại mốc 1.000 điểm trong ngắn hạn đang dần trở nên khó khăn. Diễn biến tỷ giá, chiến tranh thương mại đang khiến khối ngoại bán ròng và nếu xu hướng này còn tiếp diễn sẽ là điều không tốt cho thị trường. Cơ hội lúc này vẫn còn ở một vài nhóm cổ phiếu riêng lẻ, nhưng rủi ro đang ngày càng tăng cao.

Bản tin của nhiều công ty chứng khoán thời điểm hiện tại đa phần khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, tranh thủ các phiên thị trường tăng điểm bán để giảm tỷ trọng. Động thái của khối ngoại cùng là diễn biến cần theo dõi vì nếu dòng tiền ETFs tiếp tục rút ra, lực cầu trên toàn thị trường sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Mặc dù xu hướng chung có thể là giảm điểm nhưng dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục có sự luân phiên, dịch chuyển mang tính chọn lọc giữa các nhóm cổ phiếu được nhận định sẽ hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, logistics, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu bất động sản...

Khả năng để VN-Index chinh phục lại mốc 1.000 điểm trong ngắn hạn đang dần trở nên khó khăn.

Diễn biến tỷ giá, chiến tranh thương mại đang khiến khối ngoại bán ròng và nếu xu hướng này còn tiếp diễn sẽ là điều không tốt cho thị trường.

Cơ hội lúc này vẫn còn ở một vài nhóm cổ phiếu riêng lẻ, nhưng rủi ro đang ngày càng tăng cao.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : lãi suất , fed , vn-index
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến