Dòng sự kiện:
VNDirect nói lý do muốn tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng
18/06/2023 06:03:17
Lãnh đạo của VNDirect cũng lý giải việc đầu tư mạnh trái phiếu Trung Nam và trấn an cổ đông.

Chứng khoán VNDirect (VND) vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023 để thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, Đại hội đã thông qua việc phát hành tổng cộng 523,65 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm 243,56 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; 243,56 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 24,35 triệu cổ phiếu ESOP và 12,18 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động.

Song song đó, VND dự kiến phát hành gần 61 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông năm 2022, tỷ lệ 5%. Đây cũng là năm đầu tiên sau 6 năm, Công ty không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Hồi năm 2022, VND đã chi gần 609 tỷ đồng trả cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%.

Nếu hoàn tất 100% các kế hoạch, công ty sẽ phát hành thêm gần 585 triệu cổ phiếu mới. Điều này đồng nghĩa với việc vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng từ 12.178 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng, qua đó trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn. Hiện, công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất SSI với hơn 15.011 tỷ đồng, ngay sau là VPBank Securities với 15.000 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc năm 2024, sau khi có chấp thuận của UBCKNN.

Nói về kế hoạch tăng vốn, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Long cho biết cơ hội của thị trường vốn nhiều, mở rộng nguồn vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì cạnh tranh, trước áp lực của thị trường và các công ty chứng khoán khác có vốn của ngân hàng.

Đối với phương án phát hành riêng lẻ, ông Long cho biết VNDirect đang rất cần đối tác chiến lược có những kinh nghiệm đầu tư trên thị trường vốn ở trong hay ngoài nước nhằm nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận kinh nghiệm từ các thị trường phát triển.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, VND luôn duy trì tỷ lệ phát hành 10-20% mỗi năm. Đây cũng là chiến lược để duy trì sức tăng trưởng của nguồn vốn ổn định, thay vì phát hành riêng lẻ, công ty sẽ mất nhiều thời gian để tìm hiểu và lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược.

Về việc phát hành ESOP, đây là năm đầu tiên sau giai đoạn tái cấu trúc, bộ máy công nhân viên cốt lõi đã tương đối rõ ràng, HĐQT và Ban lãnh đạo cho rằng đây là điều cần thiết nhằm gắn kết với tổ chức và người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh VNDirect đang gặp nhiều cạnh tranh về mặt nhân sự, ngoài đãi ngộ sẽ cần có thêm nhiều chính sách mang tính dài hạn hơn.

Với phương án chia cổ tức, ông Long khẳng định VND luôn muốn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Dù vậy, bối cảnh thị trường khó khăn năm 2022 và biến động của 2023, công ty xin ý kiến cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu như thị trường hồi phục, VND sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế và sau thuế năm 2023 lần lượt 2.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% và 17% so với thực hiện năm 2022.

Về việc mua lại trái phiếu của Trung Nam Group, bà Phạm Minh Hương - Tổng giám đốc VNDirect chia sẻ công ty nhận bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Trung Nam vì nhận thấy đây là doanh nghiệp có tiềm năng. Tuy nhiên, sau hàng loạt sự kiện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cũng như sự kiện Vạn Thịnh Phát xảy ra, hay vụ việc liên quan đến việc thu mua điện, đó là những rủi ro hệ thống.

“Chúng tôi đánh giá đây rủi ro của Trung Nam là rủi ro tạm thời của thanh khoản, mô hình kinh tế, của chính sách. Điều này cũng nằm trong kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp bảo lãnh phát hành của VNDirect”, bà Hương chia sẻ.

Bà Hương cũng trấn an cổ đông rằng, các giao dịch của VND với Trung Nam đều được nghiên cứu kỹ và đồng bảo lãnh phát hành với Ngân hàng Vietcombank.

Tác giả: Diệu Thanh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến