Dòng sự kiện:
Vơi bớt nỗi lo sở hữu chéo ngân hàng
27/06/2019 10:17:31
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng cho biết, tỷ lệ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã giảm đáng kể.

Triệt tiêu sở hữu chéo

Sau 6 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, xóa “mạng nhện” sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, tình trạng này đã giảm đáng kể. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, hiện số cặp sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm đáng kể, từ 56 cặp cách đây 6 năm xuống còn 2 cặp. Tỷ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm chỉ còn 1 ngân hàng, so với con số 19 nhà băng cách đây 6 năm.

“NHNN đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào tìm đối tác và thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn Nhà nước”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói và cho biết, theo Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, từng nhà băng sẽ xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại. Vì vậy, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ được xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

Đó cũng là lý do gần đây các ngân hàng chạy đua thoái vốn nhằm đáp ứng Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Agribank vừa thông báo sẽ bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Trong khi đó, Vietcombank và VietinBank cũng đẩy mạnh thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Cụ thể, Vietcombank đã thoái hết vốn cổ phần tại OCB sau nhiều lần đấu giá. Lần gần nhất, Vietcombank đã bán đấu giá toàn bộ số cổ phần OCB còn lại với gần 1,48 triệu cổ phần, giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần, thu về gần 27,9 tỷ đồng.

Ngoài OCB, Vietcombank đã thoái vốn khỏi Công ty Tài chính Xi măng và Saigonbank. Vietcombank cũng đang thực hiện thoái vốn khỏi Eximbank và MB. Đồng thời, nhà băng này cũng dần thoái vốn cổ phần tại MB và Eximbank. VietinBank cũng vừa thông báo sẽ thoái hết vốn khỏi Saigonbank. Hội đồng quản trị VietinBank đã nhất trí thông qua chủ trương thoái toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Saigonbank…

Theo quy định, ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Các ngân hàng có tỷ lệ vốn sở hữu vượt quá giới hạn phải hoàn tất việc thoái vốn vào giữa năm 2019, nên thời gian còn lại không nhiều.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, việc thoái vốn theo Thông tư 36 là quy định quan trọng để kiểm soát ngân hàng cùng với thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên có “sân sau” trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần.

Mặc dù tình trạng sở hữu chéo đã giảm mạnh, nhưng Thống đốc NHNN cũng thừa nhận, vẫn có sở hữu chéo đối với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh thanh tra mới phát hiện được những vi phạm tinh vi này.

Thực tế cho thấy, sở hữu chéo ngân hàng mặt ngoài có thể giảm, nhưng vẫn còn đâu đó bên trong sự lòng vòng, lắt léo của các mối quan hệ, “ẩn mình” dưới nhiều tầng lớp do lợi ích nhóm điều phối. Điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc thoái vốn của các doanh nghiệp tại các TCTD cũng gặp không ít “trắc trở” do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như đầu năm 2018, VNPT đã lần thứ 3 thất bại khi muốn bán hơn 71 triệu cổ phiếu MSB do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Theo các chuyên gia, việc giảm sở hữu chéo cần những chỉ đạo và hoạt động “mạnh tay”, thực chất hơn nữa để các TCTD tuân thủ, giúp hệ thống ngày càng lành mạnh. Ngoài ra, NHNN cũng cho rằng, tình trạng tiêu cực vẫn tồn tại do một số ngân hàng chạy theo lợi nhuận bất chấp quy định của pháp luật, quy định của ngành.

Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của NHNN cần được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, nhằm theo dõi chặt chẽ việc chấp hành các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Hơn nữa, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các cơ quan như NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể kết nối để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những số liệu, thông tin, tránh trường hợp “bình mới rượu cũ” về sở hữu chéo.

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn

Theo quy định, từ năm 2021, cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD khác.

Cụ thể, từ ngày 1/3/2019, Thông tư số 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Đó cũng chính là lý do các ngân hàng chạy đua thoái vốn khỏi TCTD khác trong thời gian vừa qua.

Thông tư 46 cũng yêu cầu TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác; TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất đến ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung). Vì vậy, với kế hoạch khắc phục tối thiểu phải có danh sách nhóm cổ đông lớn có liên quan, biện pháp và lộ trình khắc phục.

Thêm nữa, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại TCTD đầu mối, TCTD khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp: Nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu, mua cổ phiếu phát hành thêm khi TCTD đầu mối, TCTD khác tăng vốn điều lệ, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn tại Luật Các TCTD.

Thông tư cũng quy định, TCTD đầu mối, TCTD khác không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 55 Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung)… Đối với các trường hợp sở hữu vượt giới hạn khác, sẽ bị NHNN xử lý theo Thông tư số 06/2015/TT-NHNN.

Đánh giá về quy định mới này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc NHNN ban hành Thông tư 46 là động thái rất tích cực, quyết liệt trong tiến trình giảm dần tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTD Việt Nam. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu: “Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại”.

Xử lý tình trạng sở hữu chéo đã và đang có những tín hiệu tích cực, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn có nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Trong khó khăn đó, theo TS. Bùi Quang Tín, liên quan tới vấn đề tính toán lại giá trị của các cổ phần sau thời gian đầu tư.

Hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện nay vẫn được kỳ vọng khả quan, khi ngân hàng lên sàn giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tăng, trong trường hợp có thoái vốn cũng ít có khả năng bị lỗ hơn. Một chuyên gia ngân hàng cũng chia sẻ, sở hữu chéo có liên quan tới các doanh nghiệp nhà nước thì rất khó có thể xử lý dứt điểm trong một sớm một chiều, mà cần có lộ trình. Nếu làm hiệu quả, các ngân hàng mới có điều kiện thoái vốn một cách minh bạch, nhanh chóng và công khai. Hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, trong khi sở hữu chéo ngân hàng có dính tới nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ có ảnh hưởng dây chuyền.

Đánh giá tình hình trong năm 2019, giới quan sát thị trường cho rằng, vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống TCTD sẽ có những chuyển biến tích cực, bởi các ngân hàng cũng sắp tới thời điểm tuân thủ các quy định theo thông lệ quốc tế. Trong đó, các tiêu chuẩn của Basel II buộc nhà băng phải đáp ứng đầu năm 2020. Đồng thời, Việt Nam đã chính thức tham gia sân chơi CPTPP, đón nhận sự tham gia của nhiều ngân hàng nước ngoài bước chân vào thị trường tài chính Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch, lành mạnh, tuân thủ luật lệ.

Thấu hiểu điều đó, nên dù tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được NHNN kiểm soát, nhưng Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng lưu ý, trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gây bất ổn cho hoạt động của từng TCTD cũng như toàn hệ thống. Đây là một trong những điểm rất đáng quan tâm mà trong quá trình cơ cấu lại, toàn bộ hệ thống ngân hàng phải nhận diện, đánh giá. Từng bước xử lý và xoá bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo, sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong TCTD có liên quan.

Thực tế, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã trải qua giai đoạn 1 và đang ở trong giai đoạn 2 (2016 - 2020), với nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống TCTD hiện đại, an toàn, đa dạng về cấu trúc sở hữu, quy mô và loại hình, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến.

Đồng thời, nâng cao vai trò chi phối của các TCTD Việt Nam, chấn chỉnh hoạt động của các TCTD vi mô, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD nước ngoài hoạt động và cạnh tranh bình đẳng ở Việt Nam. Xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống chính là một trong những động lực quan trọng đẩy nhanh tiến trình này.

Theo Phương Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến