Dòng sự kiện:
Vốn hóa thị trường của BIDV 'bốc hơi' hơn 40.000 tỷ đồng
29/02/2020 12:07:28
Tính từ đầu năm (30/1 - 28/2), cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giảm khoảng 18% khiến vốn hoá thị trường nhà băng này bị 'bốc hơi' hơn 40.000 tỷ đồng.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 28/2, cổ phiếu BID của BIDV tạm đứng mức 45.500 đồng, giảm 3,4%, tức giảm 1.600 đồng/cổ phiếu.

Tính từ đầu năm (30/1 - 28/2) cổ phiếu BIDV đã giảm khoảng 18%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 10.000 đồng. Như vậy, với hơn 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường BIDV bị "bốc hơi" khoảng hơn 40.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu BIDV giảm mạnh từ sau Tết Nguyên đán.

Theo kế hoạch HĐQT, đại hội cổ đông thường niên 2020 của BIDV sẽ diễn ra vào ngày 7/3 tới để bàn về kế hoạch kinh doanh trong năm cũng như việc tăng thêm vốn điều lệ.

Theo đó, HĐQT ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn từ 40.220 tỷ đồng hiện tại lên 45.549 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Nhà băng này dự kiến phát hành gần 282 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành thêm hơn 251 triệu cổ phiếu mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

BIDV sẽ thực hiện quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV năm nay và đang chờ phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với kế hoạch chào bán thêm cổ phần, BIDV sẽ phát hành thêm 6,25% số cổ phần đang lưu hành tính đến cuối năm 2019 trong giai đoạn 2020-2021. Thời điểm cụ thể sẽ được HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Thông qua đó, ngân hàng này dự kiến tăng thêm 5.329 tỷ đồng vốn điều lệ. Toàn bộ vốn tăng thêm sẽ được dùng để bổ sung vốn hoạt động tín dụng, đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ…

Theo kế hoạch, đến năm 2022, ngân hàng sẽ nâng tổng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài lên tối đa 30%, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống tối thiểu 65%, còn lại dành cho các nhà đầu tư khác.

Từ sau năm 2022, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tổi thiểu tại BIDV sẽ được điều chỉnh giảm xuống 51%.

Cũng tại tài liệu đại hội cổ đông lần này, BIDV dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng tài sản tăng từ 1,49 triệu tỷ đồng lên 1,59 triệu tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính như huy động vốn tăng 9%, tín dụng tăng trưởng theo giới hạn được Ngân hàng Nhà nước giao (hiện tại là 9%).

Kết thức năm vừa qua, tổng tài sản BIDV đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 12,4%, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên. Trong năm, ngân hàng cũng có 2 lần hạ lãi suất hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, hoàn thành bán vốn cho KEB Hana Bank. Với những lần hạ lãi suất như trên, doanh thu giảm gần 1.000 tỷ đồng. 

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư năm 2019 đạt 1.299.997 tỷ đồng. Riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5%, quy mô đến 31/12/2019 đạt 374.526 tỷ, chiếm tỷ trọng 34,1% tổng dư nợ, tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng bán lẻ... Tổng dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ.

Nguồn vốn huy động của BIDV đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1.349.279 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.167.995 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.768 tỷ đồng, ROA đạt 0,61%, ROE đạt 15,2%.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến