Vốn ngân hàng đã bớt “bật tường”
02/07/2015 11:21:50
ANTT.VN – Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, các TCTD giảm mạnh tài sản liên ngân hàng so với cùng cùng kỳ (giảm 21,8%); làm tăng tính lành mạnh trong cơ cấu tài sản và là dấu hiệu tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng.

Tin liên quan

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa tiến hành công bố Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015.

Tăng trưởng tiếp tục duy trì đà phục hồi

Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6,1% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó quý 1 tăng 6,03% và quý 2 tăng 6,15%. Nếu loại trừ tính mùa vụ, tăng trưởng GDP quý 2/2015 xấp xỉ quý 1/2015 (6,52% so với 6,61%). Phân tích yếu tố chu kỳ của tăng trưởng cũng cho thấy phục hồi rõ nét. Với đà phục hồi trên, UBGSTCQG dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%. 

Tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,1% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (5,8%). Trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo 5 tháng/2015 tăng 9,9% (cùng kỳ 2013 tăng 5,5%, năm 2014 tăng 7,5%). Ngoài ra, mức tăng 10,9% của chỉ số IIP ngành sản xuất và phân phối điện (cùng kỳ là 10,6%) cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất. Chỉ số PMI tháng 5/2015 đạt 54,8 điểm – là mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố tháng 4/2011.

Tình hình sản xuất kinh doanh cải thiện giúp duy trì thu nội địa cho NSNN. Lũy kế đến ngày 15/6/2015 thu nội địa tăng 16,4% so với cùng kỳ 2014, tăng xấp xỉ mức tăng 18,2% của cùng kỳ 2014.

Vốn “bật tường” ngân hàng giảm mạnh

So với cùng kỳ năm trước, lạm phát CPI tháng 6 là 1% và lạm phát cơ bản là 2,37%. Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 4 tháng gần đây. UBGSTCQG dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.

Các TCTD đã giảm mạnh tài sản liên ngân hàng so với cùng kỳ (-21,8%)

Đặc biệt, hệ thống tài chính đã được duy trì ổn định: (i) Thanh khoản đảm bảo dù huy động giảm nhẹ, cơ cấu tài sản lành mạnh hơn. Tình hình thanh khoản ổn định; tiền gửi khách hàng tăng 1,62%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi cùng kỳ 2014 (4%). Tỷ lệ LDR tăng nhẹ từ 83,3% lên 84,9%. Bên cạnh đó, các TCTD giảm mạnh tài sản liên ngân hàng so với cùng cùng kỳ (giảm 21,8%); làm tăng tính lành mạnh trong cơ cấu tài sản và là dấu hiệu tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng; (ii) Tín dụng cải thiện ngay từ đầu năm là tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực trong những tháng cuối năm như những năm trước đây. Tính đến 15/6/2015, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 5,78% so với cuối năm trước, cao hơn so với cùng kỳ của 3 năm gần đây.

Với việc các TCTD đã giảm mạnh tài sản liên ngân hàng, có thể thấy hiện tượng “bật tường” vốn giữa các nhà băng đang được hạn chế theo hướng tích cực.

“Tréo ngoe” xuất khẩu – nhập khẩu

Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu; trong đó, khu vực FDI xuất siêu 6,07 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,83 tỷ USD. Nhập siêu tăng do cả xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh.

Tính trạng nhập siêu vẫn là một thách thức với nền kinh tế

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng xuất khẩu (so với cùng kỳ) chưa bằng một nửa cùng kỳ 2014 (7,3% so với 15,4%). Kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng thống kê cả về giá trị và lượng đã giảm 0,22% so với cùng kỳ 2014, chủ yếu do yếu tố giá khi giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng trên đã giảm 1,3%. Trong khi đó, tốc độ tăng nhập khẩu (so với cùng kỳ) 5 tháng/2015 lại cao gấp rưỡi so với cùng kỳ 2014 (15,8% so với 9,6%). Nhập khẩu tăng chủ yếu do tăng nhập các mặt hàng phục vụ sản xuất như: điện tử, máy tính, linh kiện tăng 36,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện khác tăng 35,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 21,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 12,8%. Điều này cho thấy nhập siêu tăng vừa do giá hàng hóa thế giới giảm vừa do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất.

Đồng thời, Báo cáo của UBGSTCQG cũng cho thấy, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại. GDP của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức 2,96% của cùng kỳ năm 2014.

Nhập siêu cùng với xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016. WB dự báo tỷ lệ vốn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp)/GDP vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ 5,4% năm 2014 xuống còn 5,1% và 5% tương ứng trong năm 2015 và 2016.

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến