Dòng sự kiện:
VPBank: Nan thi kế hoạch lợi nhuận 2015
14/09/2015 10:55:57
ANTT.VN – Với việc chỉ được NHNN phân bổ cho “quota” tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 ở mức 18%, không loại trừ khả năng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ “hụt hơi” kế hoạch lợi nhuận năm.

Tin liên quan

Như đề cập trong kỳ trước, tính đến hết quý II/2015, VPBank (ngân hàng mẹ) đã dùng hết 11,42% trên tổng số “quota” 18% tăng trưởng tín dụng được cấp cho năm 2015.

Điều này đồng nghĩa với việc trong nửa cuối năm còn lại, khi mùa tín dụng thực sự đi vào “chính vụ” thì VPBank sẽ lại chỉ được mở rộng tín dụng “dè sẻn” ở mức 6,58%. 

Trong khi đó, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, VPBank này đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2015 lên tới 30%, đồng thời, trên cơ sở này, cân đối mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức  2.500 tỷ đồng.

Tính hết 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị lợi nhuận trước thuế hợp nhất VPBank ghi nhận mới chỉ là 769 tỷ đồng, bằng 30,76% kế hoạch năm, dù đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ hoạt động cho vay với mức tăng trưởng thần tốc (+22,8%).

Trước việc ngân hàng mẹ (bộ phận kiến tạo lợi nhuận chủ yếu) chỉ còn được mở rộng tín dụng 6,58% (bằng phân nửa so với con số 11,42% đã thực hiện trong nửa đầu năm), giá trị thu nhập lãi của VPBank trong 6 tháng tới nhiều khả năng sẽ bị vơi đáng kể. Đồng nghĩa với điều này, doanh thu của ngân hàng chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Bởi lẽ, lâu nay trên thị trường, VPBank vốn chỉ mạnh về tín dụng; doanh thu của ngân hàng đại đa số cũng được kiến tạo từ mảng này, còn các hoạt động khác như dịch vụ hay kinh doanh thường chỉ mang lại những khoản thu “gọi là”, thậm chí lỗ lớn (như kinh doanh ngoại hối và vàng đã lỗ tới 170 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm).

VPBank sẽ khó lòng "về đích" như kỳ vọng

Đó là chưa kể tới việc trong phần còn lại của năm, VPBank còn phải thực hiện trích lập những khoản chi phí dự phòng khổng lồ cho nợ quá hạn, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Xét riêng 4.842 tỷ đồng (tính đến 30/6/2015) trái phiếu đặc biệt VAMC, giá trị trích lập dự phòng của VPBank trong năm 2015 đã lên đến cả nghìn tỷ đồng…

Nói thế để thấy, mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng mà VPBank đã đề ra cho 2015 hiện nan thi đến mức nào.

Cân đối dòng tiền: Bài toán hóc búa

Quota tín dụng chật hẹp sẽ ít nhiều tác động tới chiến lược huy động vốn và không loại trừ khả năng VPBank sẽ phải thực hiện tiết chế tiền gửi khách hàng.

Nhưng tiết chế huy động lại không phải là một cách hay vì sẽ làm ảnh hưởng đến thị phần cũng như khiến ngân hàng mất đi sự chủ động về nguồn vốn cho các năm kế tiếp. Do đó, nhiều khả năng VPBank sẽ vẫn phải cạnh tranh huy động và đang dạng hóa những đầu ra ngoài tín dụng. Vậy, hướng đi mới là gì?

Đó có thể là con đường liên ngân hàng nhưng cách này không dễ bởi hầu hết các nhà băng khác đều đang trong trạng thái dư thừa thanh khoản, đồng thời, tỷ suất lợi nhuận từ kênh này cũng thấp hơn rất nhiều so với cho vay khách hàng.

Hướng đi khả dĩ hơn cả có lẽ là chứng khoán (cả chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh).

Chứng khoán kinh doanh có lợi thế là tỷ suất sinh lời cao, tính thanh khoản tốt nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh “đỏ sàn” liên tiếp của thị trường như hiện nay.

Chứng khoán đầu tư có tỷ suất sinh lời thấp hơn nhưng lại giàu tính an toàn và khi cần vốn ngân hàng vẫn có thể đem sang các TCTD khác cầm cố vay vốn, chiết khấu hay đem lên NHNN xin vay tái cấp vốn. Nguồn cung chứng khoán, đặc biệt là Trái phiếu Chính phủ hiện nay cũng rất dồi dào, tính cạnh tranh không cao trong khi lãi suất khá tốt. Xét với bối cảnh của VPBank hiện nay, đây có lẽ là kênh sáng hơn cả.

Tính đến ngày 30/6/2015, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đang có 5.274 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh và 47.567 tỷ đồng chứng khoán đầu tư.

Sau cho vay khách hàng, chứng khoán đầu tư chính là khoản mục “rót tiền” nhiều thứ 2 của VPBank. Trong đó, 19.713 tỷ đồng là Trái phiếu Chính phủ, 2.160 tỷ đồng là tín phiếu kho bạc nhà nước, 527 tỷ đồng là tín phiếu kho bạc, 9.783 tỷ đồng là trái phiếu do các TCTD trong nước phát thành, 11.072 tỷ đồng là trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành…

Trong 6 tháng đầu năm, các khoản kinh doanh và đầu tư chứng khoán đã đem lại cho VPBank 1.629 tỷ đồng thu nhập lãi.

Tuy nhiên, nếu so sánh với thu nhập lãi từ cho vay khách hàng (6.461 tỷ đồng) thì thu nhập lãi từ chứng khoán kinh doanh cũng như chứng khoán đầu tư chỉ bằng ¼ trong khi giá trị cho vay khách hàng cũng chỉ lớn chưa đến 2 lần.

(Còn nữa)

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến