Nguồn vốn này sẽ được ngân hàng sử dụng để mở rộng phân khúc chiến lược bán lẻ và SME, trong khi tiến sâu hơn vào mảng khách hàng doanh nghiệp lớn – trong đó có doanh nghiệp FDI.
Mở lối kinh doanh
VPBank đang thực hiện những thủ tục cuối cùng với cơ quan chức năng để hoàn thiện giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), dự kiến nhận về 90% số tiền bán vốn còn lại trong một vài tháng tới. Nguồn lực mới sẽ giúp ngân hàng mở rộng kinh doanh – đặc biệt lấn sân sang phân khúc khách hàng lớn và FDI, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh doanh tham vọng trong thời gian tới.
Trong buổi cập nhật kết quả kinh doanh quý 1 với nhà đầu tư tổ chức tuần trước, Phó Tổng giám đốc thường trực của VPBank, bà Lưu Thị Thảo, cho biết quá trình hoàn thiện các bước cuối cùng của giao dịch phát hành riêng lẻ của ngân hàng cho nhà đầu tới từ Nhật Bản sẽ mất khoảng 2-3 tháng – ước tính khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 thủ tục sẽ hoàn tất, và ngân hàng sẽ nhận 90% giá trị còn lại của giao dịch ghi nhận vào vốn của VPBank.
Trước đó, 10% đặt cọc của giao dịch đã được phía đối tác chuyển cho VPBank ngay trước thềm đại hội cổ đông của ngân hàng này được tổ chức giữa tháng 4.
VPBank đạt được thỏa thuận bán 15% cổ phần cho SMBC với giá trị gần 1,5 tỉ đô la Mỹ cuối tháng 3 vừa qua – đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng từ 103,5 tỉ đồng (tại thời điểm 31-12-2022) lên gần 140 nghìn tỉ đồng (31-3-2023). Đối tác tới từ Nhật Bản cũng chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng VPBank trong chặng đường phát triển sắp tới.
Cái bắt tay của hai đối tác sẽ chứng kiến mỗi bên phát huy thế mạnh vượt trội của mình, đồng thời bổ sung các mảnh ghép còn thiếu của đối phương nhằm tối ưu các cơ hội mà thị trường mang lại – trong đó có tiềm năng tăng trưởng rộng mở của khối FDI tại Việt Nam đặt trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, SMBC mở ra cơ hội giúp VPBank tiếp cận tệp khách hàng lên tới 200.000 doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia của mình, bên cạnh những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam mà ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản này đang phục vụ.
Trong khi đó, VPBank vốn có thế mạnh về mảng ngân hàng bán lẻ cùng sự am hiểu sâu sắc thị trường nội địa. Khi được tiếp thêm nguồn lực từ thương vụ bán vốn, ngân hàng có thể tiến tới mở rộng phạm vi kinh doanh, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng cá nhân – trong đó bao gồm các cán bộ nhân viên của nhiều doanh nghiệp FDI hiện hữu và tiềm năng – được khai thác từ tệp khách hàng của SMBC.
“FDI là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và chúng tôi có trách nhiệm phục vụ các khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một mối quan hệ lâu bền giữa hai đối tác để tạo ra cục diện hai bên đều có lợi thông qua các sản phẩm và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam,” ông Mochizuki Masashi, Giám đốc Trung tâm FDI của VPBank, chia sẻ tại một hội thảo về FDI mới đây.
Gia tăng nội lực
Bên cạnh việc mở rộng hoạt động kinh doanh, với nguồn tiền mới từ khoản đầu tư chiến lược, VPBank hiện đã trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 Việt Nam, từ đó cho phép ngân hàng củng cố nền tảng vốn, tăng cường tiềm lực tài chính và giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng.
Theo ban lãnh đạo của VPBank, với bộ đệm vốn tăng cường, ngân hàng có thể đảm bảo các mục tiêu an toàn vốn của ngân hàng trước các biến đổi khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cũng như hiện thực hóa các tham vọng tăng trưởng cao lên tới 36% ở nhiều chỉ tiêu như tín dụng (35%), huy động (36%), lợi nhuận trước thuế (31%)….
Với gần 36 nghìn tỉ đồng bổ sung vào vốn cấp 1, hàng rào vốn của ngân hàng được tăng cường, kéo theo hệ số an toàn vốn (CAR) được gia cố. Trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm hồi tháng 4 vừa qua, Moody’s cho biết tỷ lệ CAR của VPBank sau thương vụ bán vốn đã được nâng lên mức gần 19% – cao nhất trong các ngân hàng tổ chức này đánh giá xếp hạng tại Việt Nam.
Trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng chịu nhiều áp lực do chi phí vốn tăng cao trong năm 2022, một hàng rào vốn vững chắc sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu các tác động của các biến động vĩ mô trong năm 2023.
“Hệ số CAR cao sẽ là yếu tố tích cực, hỗ trợ cho sự tăng trưởng dài hạn của VPBank và có vai trò rất quan trọng đối với 1 ngân hàng thương mại có khẩu vị rủi ro cao hơn bình quân trong môi trường kinh doanh nhiều khó khăn như hiện nay,” công ty chứng khoán (CTCK) HSC nhận định trong một báo cáo phát hành hồi tháng 3.
“Hệ số CAR được xem là cao nhất ngành của VPBank sẽ hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nợ xấu”, CTCK Yuanta cho biết.
Ngoài ra, tỷ lệ CAR cao cũng là một trong những tiêu chí để ngân hàng nhận được hạn mức tín dụng cao từ Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2022, VPBank được NHNN giao hạn mức 31%, cao nhất hệ thống.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy