Dòng sự kiện:
VPS 5 quý liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới sàn HoSE
07/04/2022 08:05:08
VPS tiếp tục bỏ xa vị trí thứ 2 là SSI. Đáng chú ý, thị phần môi giới quý I/2022 có sự xáo trộn giữa TCBS và HSC.

Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa công bố bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm quý I/2022.

Theo đó, 10 công ty chứng khoán có giá trị môi giới lớn nhất trên sàn này gồm VPS (Chứng khoán VPS), SSI (Chứng khoán SSI), VNDirect (Chứng khoán VNDirect), TCBS (Chứng khoán Kỹ thương), HSC (Chứng khoán Tp.HCM), MAS (Chứng khoán Mirae Asset), MBS (Chứng khoán MB), VCSC (Chứng khoán Bản Việt), KIS (Chứng khoán KIS), FPTS (Chứng khoán FPT).

VPS tiếp tục tăng mạnh thị phần từ 17,12% quý IV/2021 lên 17,94% trong quý này và tiếp tục soán ngôi vương số 1 môi giới chứng khoán trên sàn HoSE. Trong khi đó, với Chứng khoán SSI, dù vẫn ở vị trí thứ hai song thị phần lại sụt giảm từ 10,28% quý liền kề trước đó xuống còn 9,66%. Như vậy, khoảng cách giữa VPS và SSI đang ngày càng nới rộng.

VnDirect tiếp tục đứng ở vị trí thứ ba với 8,01% thị phần, tăng nhẹ so với mức 7,67% quý IV/2021. Một sự kiện hy hữu đã xảy ra tại công ty chứng khoán này khi sáng hôm nay (6/4), hàng loạt nhà đầu tư mở tài khoản tại Chứng khoán VNDirect cho biết không thể đăng nhập vào website của doanh nghiệp này và cả trang giao dịch chứng khoán.

Lý do bất ngờ lại là tên miền vndirect.com.vn và các trang mở rộng khác (như trade.vndirect.com.vn hay banggia.vndirect.com.vn) đã hết hạn sử dụng. Do vậy dù sử dụng laptop hay thiết bị di động đều không đăng nhập được.

Tuy nhiên, cập nhật ngay trước giờ giao dịch, hiện hệ thống của VNDirect đã hoạt động trở lại và nhà đầu tư đã có thể đặt lệnh trên nền tảng website của doanh nghiệp, nhưng chỉ khi sử dụng 4G-5G. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể đặt lệnh qua các phương thức khác.

Đáng chú ý nhất trong thị phần môi giới trong lần công bố lần này là sự hoán đổi vị trí giữa TCBS và HSC. TCBS vươn lên vị trí thứ tư với thị phần 5,55% thay cho vị trí của HSC còn 5,24%. Còn lại, MAS, MBS và VCSC vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 và thứ 7, thứ 8. Trong khi đó, KIS thăng hạng lên vị trí thứ 9 với thị phần tăng lên 3,27% còn FPTS lùi về vị trí cuối cùng thứ 10 với thị phần giảm còn 3,24%.

Tổng thị phần của top 10 công ty đầu ngành chiếm đến 66,86% thị phần của toàn ngành chứng khoán, tăng đáng kể so với con số 65,74% của quý liền trước.

Trong quý đầu năm 2022, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 801 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 25.900 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 23% về khối lượng và 67% về giá trị bình quân so với cùng kỳ năm 2021.

Dòng tiền đổ cuồn cuộn vào thị trường với lượng tài khoản mở mới liên tiếp đổ xô kỷ lục cũ đã giúp các công ty chứng khoán có năm 2021 bội thu. Dù nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và phải báo lỗ thì các công ty chứng khoán vẫn báo lãi lớn với các mốc kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Công ty chứng khoán là một trong những được hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ này.

Tuy nhiên, thị phần môi giới không đại diện cho hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán. Nguồn thu của công ty chứng khoán không chỉ đến từ chi phí giao dịch của khách hàng mà còn được tính từ nhiều khác. Năm 2021, dù VPS dẫn đầu cả 4 quý về thị phần môi giới, tuy nhiên về kết quả kinh doanh chỉ xếp thứ 7 toàn ngành. Dẫn đần về hiệu quả kinh doanh năm vừa rồi là TCBS, sau đó đến SSI, VNDirect, VCSC, SHS, HSC.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến