Tin liên quan
Ngày 21/2 Sở Y tế Hà Nội đã chính thức công bố nguyên nhân tử vong của hai nạn nhân Quách Thị Mai Phương (SN 1979, ở 92 Phó Đức Chính, Hà Nội) và Hoàng Văn Trấn (SN 1982, ở Phú Xuyên, Hà Nội) hôm 25/12/2015 tại BV Trí Đức.
Trước đó, ngày 17/2 đã diễn ra cuộc họp Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành như GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức – BV Hữu Nghị Việt Đức, TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai, TS Vũ Hoàng Phương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức – BV Xanh pôn, Ths Nguyễn Thành , Trưởng khoa Hồi sức tích cực – BV Thanh Nhàn cùng chánh thanh tra và trưởng phòng nghiệp vụ y, trưởng phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân của Sở y tế HN. Bà Trần Thị Nhị Hà – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn.
Bệnh viện đa khoa Trí Đức - nơi xảy ra vụ việc
Tử vong do sốc phản vệ (?!)
Trên cơ sở báo cáo của BV Trí Đức và Bản kết luận giám định pháp y tử thi hai nạn nhân do Viện pháp y quốc gia (Bộ Y tế) công bố ngày 19/1/2017, Hội đồng chuyên môn kết luận: “quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình tự cho cả hai trường hợp”. Khi xảy ra sự cố, các bệnh nhân được bóp bóng và cấp cứu. BV Trí Đức quyết định chuyển 2 bệnh nhân lên tuyến trên là hợp lý…
Tuy nhiên, Hội đồng y khoa nhận định: “Bất cứ thuốc nào cũng có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ”, do đó nguyên nhân được kết luận là: “Suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê, nghĩ nhiều đến sốc phản vệ mức độ nặng (phù hợp kết quả giải phẫu bệnh). Tuy nhiên chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả hai trường hợp trên”.
Nạn nhân Hoàng Văn Trấn tử vong sau ca tai biến (ảnh chụp tại BV Bạch Mai trưa 25/12/2016 - ảnh: Minh Minh)
Kết luận được mòn mỏi chờ đợi sau hai tháng này không làm hài lòng gia đình hai nạn nhân. Chia sẻ với ANTT.VN chiều 21/2, chị Quách Thị Phương Thanh (em gái nạn nhân Quách Thị Mai Phương) bức xúc nói: “Gia đình chúng tôi cảm thấy không thỏa mãn với kết luận này. Chị tôi đang hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ gây mê tiểu phẫu u lành tuyến giáp mà tử vong là không thể chấp nhận được. Chúng tôi cảm thấy quá trình xử trí tai biến y khoa của BV Trí Đức rõ ràng có vấn đề. Biên bản pháp y kết luận chị tôi chết lúc 11h ngày 25/12 là không chính xác, bởi vì chính bác sĩ khoa A9 BV Bạch Mai cho biết chi tôi đã ngừng thở 30 phút trước khi được đưa đến BV Bạch Mai. Tôi cho rằng có gì đó không minh bạch ở đây”.
Chia sẻ với ANTT.VN cách đây ít phút, vợ nạn nhân Hoàng Văn Trấn – chị Vũ Hà Phương cũng cho rằng đây chưa thể là kết luận cuối cùng, bởi vì không có ai đi cắt amidan mà chết ngay từ lúc gây mê cả. “Sở y tế giải thích mọi thứ đều đúng quy trình, đúng quy trình mà chồng tôi và một nạn nhân nữa cùng chết trùng hợp một lúc, vậy tôi xin hỏi chồng tôi và chị kia chết có đúng quy trình không?” – chị Phương nghẹn ngào nói.
Vẫn còn nhiều điểm mập mờ, khó hiểu
Căn cứ Biên bản họp Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Hà Nội chủ trì ngày 17/02/2017, chúng tôi nhận thấy có một vài điểm đáng lưu ý như sau: Mặc dù khẳng định “Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình tự cho cả hai trường hợp”, song chính Hội đồng chuyên môn này cũng thừa nhận “không có đủ cơ sở để kết luận” nguyên nhân tử vong có phải do thuốc hay không, bởi vì “quy trình mua bán thuốc, cấp phát thuốc, bảo quản thuốc chưa có đủ thông tin”.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về dược cho biết, mỗi loại thuốc men đều cần có điều kiện nghiêm ngặt về mua bán, cấp phát và bảo quản để có thể an tâm về nguồn gốc xuất xứ cũng như đảm bảo thuốc không bị hư hỏng do quá trình vận chuyển, bảo quản. Do đó, khi không đủ cơ sở kết luận về điều kiện này thì cũng không thể loại trừ nguyên nhân tử vong có phải do thuốc gây mê không đảm bảo hay không.
Trong khi trước đó, ngày 26/12/2016 trong buổi trao đổi nhanh với báo chí xung quanh vụ 2 nạn nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức sáng 25/12, với nghi vấn đặt ra về việc công tác bảo quản thuốc có thể không đảm bảo, bà Trần Thị Nhị Hà – Phó giám đốc Sở y tế Hà Nội khẳng định đoàn kiểm tra chuyên môn đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại Bệnh viện Trí Đức. Kết quả cho thấy điều kiện đảm bảo phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm của thuốc.
Ngoài ra, biên bản họp Hội đồng chuyên môn này cũng có nhiều dòng diễn đạt chung chung, mập mờ theo hướng có lợi cho BV Trí Đức. Biên bản không chỉ rõ những yếu kém thiếu sót của BV Trí Đức mà lại nói kiểu “mềm mại” như sau: “Cần có máy chống rung tim trong phòng phẫu thuật. Nếu theo dõi được EtCO2 và FiCO2 thì chẩn đoán và hồi sức thuận lợi hơn”, “Quyết định vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên là đúng nhưng cần đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển an toàn người bệnh cấp cứu”.
Nhiều điểm chung chung, mập mờ trong Biên bản họp hội đồng chuyên môn ngày 17/2/2017
Nói như vậy có nghĩa là một trang thiết bị cần có để phục vụ chẩn đoán và hồi sức trong phòng mổ là máy chống rung tim thì BV Trí Đức không có. Và trong trường hợp hai ca tử vong này, BV Trí Đức xử trí chuyển lên tuyến trên là đúng nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển an toàn người bệnh cấp cứu (!!)
Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy còn một điểm khó hiểu nữa là bản kết luận giáp định pháp y tử thi của hai nạn nhân đều đã có từ ngày 19/01/2017, nhưng hơn một tháng sau mới được công bố. Hơn nữa, thời điểm đầu tháng 2/2017, cả đại diện Sở y tế Hà Nội và Công an Hai Bà Trưng vẫn trả lời báo chí rằng hiện chưa có kết quả pháp y và vẫn đang phải chờ. Không rõ sự chậm trễ này nguyên nhân vì sao.
Một điểm nữa rất khó hiểu là biên bản giám định pháp y của cả hai nạn nhân Quách Thị Mai Phương và Hoàng Văn Trấn đều được ghi nhận là có sự chứng kiến của một nhân vật là “Ông Đào Thanh Tùng – em rể nạn nhân”. Không rõ đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là do sự cẩu thả của ngành y tế??
Sự trùng hợp hay cẩu thả khi cả 2 nạn nhân có chung một người em rể?
Kết luận của Hội đồng chuyên môn cũng không nhắc gì tới trách nhiệm của Bệnh viện Trí Đức cũng như các thành viên của 2 kíp mổ.
Được biết, gia đình hai nạn nhân nói trên sẽ tiếp tục gửi đơn cầu cứu lên cấp cao hơn để mong được làm sáng tỏ, thỏa đáng vụ việc.
ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…
Sáng 25/12, bệnh nhân Quách Thị Mai Phương (sinh năm 1979, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) được chẩn đoán đa u 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật vô cảm bằng gây mê nội khí quản và anh Hoàng Văn Trấn (sinh năm 1982, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) được chỉ định phẫu thuật nội soi xoang - cắt Amidal - chỉnh hình vách ngăn- nạo sùi vòm và cũng gây gây mê nội khí quản tại Bệnh viện Trí Đức. Tuy nhiên, chỉ sau 30 giây, cả 2 bệnh nhân đều có biểu hiện sốc phản vệ. Sau khi xử trí tại chỗ không hiệu quả, hai bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong. |
Minh Minh
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy