Dòng sự kiện:
Vụ 3 tỷ 'bốc hơi' tại ngân hàng: Luật sư nêu quan điểm về vụ việc
21/08/2018 10:18:08
Theo luật sư, vụ việc không có gì phức tạp vì vụ án đã sáng tỏ; các đối tượng đều đã được lấy lời khai, việc tiến hành xác minh các chứng cứ, lời khai từ ngân hàng, phòng công chứng… đều có thể tiến hành thuận lợi.

Liên quan đến vụ khách hàng tố bị lừa đảo 3 tỷ đồng sau khi thực hiện giao dịch tại một ngân hàng ở Hải Phòng và CQĐT cho rằng đây là vụ án phức tạp nên tách làm 2 vụ việc, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Ngọc Hải, Phó giám đốc Công ty luật Hợp Danh V.I.P, số 186 Quán Thánh, quận Ba Đình (TP Hà Nội) về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý.

Theo Luật sư Hải, đây là vụ việc không có gì phức tạp, vụ án đã sáng tỏ; tất cả các chứng cứ, các đối tượng đều đã được lấy lời khai, không có đối tượng bỏ trốn (đối tượng bỏ trốn đã đầu thú); việc tiến hành xác minh từ ngân hàng, phòng công chứng, địa chỉ cư trú của các đối tượng… đều có thể tiến hành một cách thuận lợi không gặp trở ngại khó khăn.

Luật sư Phạm Ngọc Hải cho rằng đây là vụ việc không có gì phức tạp, vụ án đã sáng tỏ.

"Việc CQĐT Công an quận Lê Chân (TP Hải Phòng) cho rằng đây là vụ việc phức tạp, tôi không hiểu phức tạp ở chỗ nào. Nếu có phức tạp thì việc tiến hành điều tra vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự", Luật sư Hải nói.

Về việc CQĐT ra "thông báo" gửi tới bị hại là anh Lê Văn Thái (SN 1992), trú tại xã Thái Sơn, huyện An Lão, (TP Hải Phòng), Luật sư Hải cho hay, theo quy định của pháp luật, thời hạn giải quyết tin tố giác tội phạm cho đến khi trả lời là 20 ngày, nếu sự việc phức tạp cũng không quá 4 tháng.

Thời điểm anh Thái tố cáo là ngay ngày hôm sau khi biết mình bị lừa đảo, cho đến khi nhận được "thông báo" của CQĐT về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm đã quá thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chỉ có thể phải ra một trong các Quyết định: "Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố".

Như vậy, CQĐT Công an quận Lê Chân phải trả lời anh Thái bằng một "quyết định" chứ không bằng một "thông báo". Việc này không đúng quy định của pháp luật.

Anh Lê Văn Thái tố cáo bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 3 tỷ đồng khi giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn.

Về việc vì sao CQĐT không khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Luật sư Ngọc Hải bày tỏ quan điểm, hoàn toàn có sơ sở để khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự, bởi anh Thái đã chuyển 3 tỷ đồng vào tài khoản của Tuấn tại ngân hàng; Tuấn cũng đã mời Vinh làm hợp đồng công chứng (hợp đồng đã ký tên điểm chỉ); Tuấn, Tùng đã giao sổ đỏ cho anh Thái, sau đó các đối tượng bỏ trốn…

Hành vi dùng thủ doạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành, thỏa mãn đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.

Các đối tượng Tuấn, Tùng hoàn toàn có đủ căn cứ để khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn đối tượng Thiềm, Vinh… và các đối tượng khác phải căn cứ vào kết quả điều tra.

Cũng theo quan điểm của Luật sư Hải, ở đây còn một vấn đề nữa là đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu việc lừa đảo trên 500 triệu (khoản 4 Điều 174 với khung hình phạt từ 15-20 năm tù, tù chung thân) theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT cấp tỉnh. Nhưng không hiểu tại sao trong vụ này, CQĐT Công an quận Lê Chân lại không chuyển hồ sơ cho CQĐT TP Hải Phòng theo quy định của pháp luật?

Nói về việc CQĐT chỉ khởi tố vụ án Làm giả con dấu, tài liệu, còn vụ Lừa đảo lại cho các bên thỏa thuận tại CQĐT vào ngày 18/5/2018, Luật sư Ngọc Hải cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, nếu phát hiện hành vi lừa đảo, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì CQĐT phải tiến hành khởi tố. Nếu là quan hệ dân sự thì trả lời người dân và hướng dẫn gửi đơn đến Tòa án giải quyết theo thẩm quyền.

CQĐT Công an quận Lê Chân đã vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Tùng (29 tuổi) và Vũ Thị Minh Nguyệt (26 tuổi) về tội Làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan Nhà nước.

Vụ việc này hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc làm giả con dấu, tài liệu với mục đích là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, việc CQĐT cho tiến hành hòa giải vào ngày 18/5 là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Cũng theo LS. Hải, theo quy định tại Điều 478 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

"Như vậy, nếu anh Thái cho rằng người nào có hành vi bao che cho tội phạm, cố ý không khởi tố…, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì hoàn toàn có quyền tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền", Luật sư Hải nói thêm.

Trước đó như ANTT đã đưa tin, sau khi phát hiện có dấu hiệu mình bị một số người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi chuyển 3 tỷ đồng thực hiện giao dịch tại một ngân hàng, anh Lê Văn Thái đã có đơn tố cáo nhóm người của Nguyễn Ngọc Tùng (29 tuổi) gửi Công an quận Lê Chân.

CQĐT Công an quận Lê Chân sau đó vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố bị can với 2 đối tượng Nguyễn Ngọc Tùng và Vũ Thị Minh Nguyệt (26 tuổi) về tội Làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan Nhà nước. Nguyệt được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú do đang nuôi con nhỏ.

Sa Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến