Đang tranh chấp dân sự, biến thành vụ án hình sự
Như VOV đã có loạt bài điều tra: Trong những năm 2012-2014, Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) do ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân làm Giám đốc ký hợp đồng tín dụng vay Agribank Cần Thơ 258 tỷ đồng để xây dựng Dự án nhà máy chế biến nông thủy sản ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Để được vay tiền, ông Nhân đã thế chấp nhiều tài sản là bất động sản có giá trị lớn.
Vì nhiều lý do khác nhau, tháng 11/2015, Công ty Tây Nam yêu cầu thanh lý hợp đồng với Agribank Cần Thơ. Do không thỏa thuận được, nên tháng 1/2016, hai bên đưa vụ việc ra Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) để giải quyết tranh chấp theo thủ tục dân sự.
Ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (áo sẫm) tại phiên tòa sơ thẩm mở lần 2 năm 2018
Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều thụ lý và đang trong quá trình giải quyết, thì bất ngờ Cơ quan An ninh Điều tra (Công an Cần Thơ) yêu cầu chuyển hồ sơ, tài liệu để xác minh, sau đó khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cùng 5 cán bộ của Agirbank Cần Thơ về hành vi “chiếm đoạt lãi suất ưu đãi”.
Sau nhiều lần thay đổi tội danh, cả 6 bị can bị điều tra, truy tố về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179, Bộ luật Hình sự 1999 với cáo buộc “gây thiệt hại” cho Agribank hơn 303 tỷ đồng.
Suốt từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều lần cơ quan An ninh điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP.Cần Thơ thay đổi tội danh, tạm đình chỉ vụ án; nhiều lần ban hành Kết luận Điều tra và Cáo trạng nhưng vụ án đến nay vẫn chưa hoàn thành xét xử sơ thẩm.
Trong những bài viết trước, nhóm phóng viên VOV đã phân tích rõ “Những bất thường trong điều tra, truy tố”. Đó là việc cơ quan An ninh điều tra - điều tra sai thẩm quyền; việc định giá tài sản thế chấp là các bất động sản không phù hợp với Kết luận của Thanh tra Chính phủ và quá thấp so với thực tế. Đặc biệt là việc lấy tổng số tiền vay và tiền lãi ngân hàng, trừ đi tài sản thế chấp và coi chênh lệch đó là thiệt hại để làm căn cứ buộc tội, thì dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế càng thể hiện rõ.
Những bất thường nêu trên của Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP.Cần Thơ khiến Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ 3 lần trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra lại; 2 lần xét xử vào các năm 2017 và 2018 không xong vì Tòa trả hồ sơ yêu cầu định giá lại tài sản thế chấp và chưa thể tuyên án. Trong những lần trả lại hồ sơ, Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ yêu cầu cơ quan An ninh điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ chứng minh có hay không có thiệt hại? Thiệt hại ở mức nào và cách tính thiệt hại trong vụ án ra sao? Bởi chính Agribank đã từng có hai văn bản khẳng định “họ chưa bị thiệt hại” và VOV.VN từng đặt câu hỏi, trong vụ án này “Con số thiệt hại thật hay ảo?”
Lấy cái sai này để bảo vệ cái sai kia
Trong lúc Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ đang chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Cần Thơ thì bất ngờ, ngày 9/8/2021, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều ban hành Quyết định số 15/2021/QĐST-KDTM tiếp tục đưa vụ án tranh chấp giữa Công ty Tây Nam và Agribank Cần Thơ ra xét xử theo thủ tục dân sự. Đây là vụ án mà Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều đã thụ lý và tạm đình chỉ giải quyết theo yêu cầu của Cơ quan điều tra năm 2016.
Dự án Nhà máy chế biến nông thủy sản ở thành phố Vị Thanh, Hậu Giang ngừng thi công từ 2016 đến nay
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh Bùi Quang Nghiêm phân tích, Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Văn bản 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân Tối cao, thì “Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bao gồm: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, những tài sản đã bị mất hoặc bị hủy hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”.
Như vậy, theo Luật sư Bùi Quang Nghiêm, quyết định số 15/2021/QĐST-KDTM của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều tiếp tục đưa vụ án tranh chấp giữa Công ty Tây Nam và Agribank Cần Thơ ra xét xử không đúng với Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và hướng dẫn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của TANDTC.
“Vụ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân tại Agribank Cần Thơ là vụ án kinh tế thương mại đã bị hình sự hóa. Việc đang xử dân sự, chuyển thành hình sự, rồi lại quay về dân sự cho thấy dấu hiệu bất bình thường, chưa có tiền lệ. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cần Thơ đang lấy cái sai này để sửa cái sai trước, hoặc là lấy cái sai này để bảo vệ cái sai trước. Cái sai ở đây là cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can, biến vụ án kinh tế thương mại thành vụ án hình sự”, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, Bùi Quang Nghiêm nói.
Ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cho biết, đã hàng trăm lần gửi đơn kêu oan tới các cơ quan từ Trung ương tới địa phương và đề nghị vụ án nhanh chóng kết thúc theo đúng pháp luật và bản chất vụ việc.
“Vụ án đã kéo dài 6 năm gây thiệt hại không nhỏ về vật chất và tinh thần không chỉ đối với gia đình tôi”, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bày tỏ./.