SHB bán 100% vốn tại SHB Finance cho Krungsri là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua
Loạt ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay tại 19 tỉnh, thành phía Nam
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietcombank mới đây đã quyết định tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8 đến hết 31/12/2021 đối với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, BIDV cũng cho hay từ nay đến hết 31/12/2021, ngân hàng này sẽ giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tổng ngân sách hỗ trợ lên đến 1.000 tỷ đồng.
VietinBank cũng tiếp tục tăng cường các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 như: dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp; vận tải; hàng tiêu dùng thiết yếu…
Gói tín dụng bổ sung của VietinBank đối với khu vực phía Nam có quy mô lên tới 20.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 4,0%/năm, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ đồng.
Được biết, trước tình hình dịch lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là tỉnh phía Nam, NHNN đã chỉ đạo các NHTM giảm tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua 2 nguồn gồm cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận của các NHTM.
Bên cạnh giảm lãi suất, 4 NHTM Nhà nước cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ tại TP. HCM, Bình Dương và một số tỉnh đặc biệt khó khăn bởi dịch bệnh và đang phải cách ly theo Chỉ thị 16.
Gây thất thoát cho Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình bị truy tố lần thứ 3
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội mới đây đã ra cáo trạng truy tố ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) cùng 9 đồng phạm khác liên quan đến vụ án gây thất thoát, thiệt hại cho DAB 184 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, ông Trần Phương Bình trong thời gian từ năm 2007-2014 đã nhiều lần giúp bà Phan Thúy Mai, nguyên Giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch An Phát vay tiền tại DAB do có mỗi quan hệ thân thiết.
Cùng với đồng phạm Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB), ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo DAB chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh tiền cho bà Phan Thúy Mai, bỏ qua các quy trình thẩm định và không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch để vay 184 tỷ đồng. Được biết, bà Nguyễn Thị Kim xuyến là cố đông sở hữu 5% cổ phần tại Công ty An Phát.
Bà Phan Thúy Mai được cơ quan tố tụng xác định là đã sử dung tài liệu giả, tài sản chưa đủ tính pháp lý để giao dịch vay vốn ngân hàng.
Với số tiền 184 tỷ đồng, bà Phan Thúy Mai đã chi 108 tỷ đồng vào việc đầu tư dự án bất động sản tại ngoại thành TP. Hà Nội, số còn lại dùng để trả nợ ngân hàng hoặc vay DAB khoản mới để trả nợ cũ tại chính DAB.
Bà Phan Thúy Mai và Công ty An Phát được cho là không đủ khả năng trả nợ. Viện kiểm sát cho rằng hành vi của ông Trần Phương Bình và đồng phạm đã gây thiệt hại cho DAB 184 tỷ đồng.
MSB muốn thoái vốn MSB AMC thông qua đấu giá công khai
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa thông qua nghị quyết về việc bán đầu giá công khai toàn bộ phần vốn góp của MSB tại Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB AMC) để thoái vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Các thông tin chi tiết về giá khởi điểm, thời gian thực hiện bán đấu giá hiện chưa được MSB công bố.
Ban lãnh đạo MSB cũng quyết định hủy nghị quyết HĐQT của ngân hàng này ngày 24/12/2020 về việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị vốn góp của MSB tại MSB AMC.
Như vậy, sau hơn nửa năm công bố thông tin về thoái vốn, MSB chính thức khởi động lại thương vụ này với hình thức thoái vốn là đấu giá công khai.
Được biết, MSB AMC có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, do MSB sở hữu với tỷ lệ 100%. Hoạt động kinh doanh chính của công ty này là quản lý nợ và khai thác tài sản.
Năm 2020, doanh thu của MSB AMC là 150 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 21,53 tỷ đồng và 17,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, MSB cũng đang lên kế hoạch thoái vốn một đơn vị khác là Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM). Theo tiết lộ của ban lãnh đạo MSB thì việc thoái vốn tại FCCOM dự kiến hoàn tất trong năm 2022, đồng thời cũng cho biết đã có 2-3 đối tác tiếp xúc với MSB về thương vụ này.
FCCOM có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, do MSB sở hữu với tỷ lệ 100%. Công ty này tiền thân là Công ty Tài chính cổ phần Dệt May Việt Nam thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), được MSB mua lại vào năm 2015.
Giá trị thương vụ SHB chuyển nhượng SHB Finance cho Krungsri lên đến gần 3.600 tỷ đồng?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) mới đây đã công bố thông tin về việc chuyển nhượng SHB Finance cho Krungsri – thành viên thuộc Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG).
Tính cuối năm 2020, vốn điều lệ của SHB Finance được công bố là 1.000 tỷ đồng, do SHB sở hữu 100%. Vào tháng 4/2020, HĐTV SHB Finance đã thông qua nghị quyết trình HĐQT SHB đề xuất thông qua ĐHCĐ về việc thoái vốn tại SHB Finance cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.
Chủ tịch SHB – bầu Hiển cho biết tại thời điểm tháng 6/2020 rằng có rất nhiều đối tác muốn mua vốn SHB Finance nhưng phía SHB vẫn đang xem xét và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất với chiến lược phát triển.
Như vậy, thương vụ chuyển nhượng SHB Finance sau hơn 1 năm khởi động đã tìm được nhà đầu tư chiến lược là “đại gia tài chính” đến từ Thái Lan – Krungsri.
Theo thông tin từ phía Krungsri thì giá trị của thương vụ chuyển nhượng này có thể lên đến 3.590,3 tỷ đồng (tương đương 5.184,4 tỷ bạt Thái).
Việc thanh toán sẽ được chia thành 2 đợt. Krungsri sẽ thanh toán 1.573,4 tỷ đồng và nhận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance trong đợt 1. Đến đợt 2, Krungsri sẽ thanh toán phần tiền còn lại là 2.016,9 tỷ đồng sau 3 năm khi kết thúc đợt 1, đồng thời nhận chuyển nhượng 50% phần vốn còn lại của SHB Finance.
Theo Krungsri, mục đích nhận chuyển nhượng SHB Finance là để phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị này ở bên ngoài Thái Lan, tăng lợi thế về cạnh tranh và mở rộng tệp khách hàng tại khu vực Đông Nam Á. Được biết, Krungsri hiện có 23 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, dịch vụ, công nghệ thông tin.
Phó Thống đốc NHNN: Ngân hàng sẽ xem xét cho vay không tài sản bảo đảm với ngành lúa gạo
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo NHNN, lua gạo là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, do vậy, ngành ngân hàng luôn quan tâm đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này, theo đó tốc độ tăng trưởng dư nợ 5 giai đoạn 2016-2020 ngành lúa gạo luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bình quân/năm lúa gạo tăng 24%, nông nghiệp, nông thôn tăng 18,16%).
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo quy định của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ngàng ngân hàng cũng sẽ mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc NHNN, thời gian tới, ngành ngân hàng cũng sẽ linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền cũng như tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.
Agribank đấu giá khoản nợ 255 tỷ, tài sản bảo đảm là công trình thủy điện ở Bắc Giang
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Năng lượng Someco 1.
Theo đó, Someco 1 hiện đang có 2 khoản nợ tại Agribank chi nhánh tỉnh Lạng Sơn bằng nội tệ và bằng ngoại tệ. Khoản nợ 1 phát sinh theo hợp đồng tín dụng ngày 21/1/2009 có tổng dư nợ (tính đến cuối năm 2020) hơn 230 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc à 113,7 tỷ đồng, dư nợ lãi là 116,8 tỷ đồng.
Khoản nợ 2 bằng ngoại tệ phát sinh theo hợp đồng tín dụng ngày 10/7/2009 có tổng dự nợ tính đến cuối năm 2020 là hơn 1,1 triệu USD (tương đương hơn 25 tỷ đồng), trong đó dư nợ gốc là 666.706 USD, dự nợ lãi là 437.240,6 USD.
Tổng giá trị 2 khoản nợ (tính đến cuối năm 2020) là khoảng 255 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này là công trình thủy điện Bắc Giang (bao gồm các hạng mục kiến trúc công trình, máy móc thiết bị, tư vấn giải phòng mặt bằng.... cấu thành nên dự án thủy điện Bắc Giang và các quyền khai thác, sử dụng công trình thủy điện và các quyền khai thác theo quy định của pháp luật đối với dự án thủy điện Bắc Giang) tại bản Đống Mác, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Giá khởi điểm của 2 khoản nợ được Agribank công bố là hơn 193 tỷ đồng, thấp hơn 24% so với giá trị của khoản nợ.
Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 3/9 tới đây tại Trường cán bộ Hội nông dân Việt Nam, phố Dương Khuê, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Tác giả: Hải Đường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy