Phối cảnh Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc sau khi được nhóm tội phạm “chế” lại với công trình nhà liền kề, nhà ở cao tầng.
Bán đất “vịt giời” thu 265 tỷ đồng của 148 nhà đầu tư
Dự kiến ngày 11/3, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TST (Công ty TST).
Theo cáo trạng, tháng 7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản Việt Nam (Công ty Bất động sản Việt) làm chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội năm 2008, Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc thuộc diện phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch.
Năm 2009, Công ty Bất động sản Việt ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải để xây dựng dự án này. Theo đó, Công ty Hưng Hải trả cho Công ty Bất động sản Việt 57 tỷ đồng để được hưởng 90% quyền thực hiện Dự án, Công ty Bất động sản Việt còn sở hữu 10%.
Năm 2010, Nguyễn Thị Minh Thương, Phó giám đốc Công ty TST biết đến Công ty Hưng Hải và Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc nên giới thiệu cho Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TST mua lại 90% quyền sở hữu Dự án của Công ty Hưng Hải.
Hai bên thỏa thuận, Công ty TST trả 295 tỷ đồng cho Công ty Hưng Hải. Tiếp đó, Công ty TST đã thành lập Ban Quản lý dự án và giao Nguyễn Thị Minh Thương làm Trưởng ban Quản lý Dự án.
Mặc dù biết quy hoạch 1/500 của Dự án không có nhà liền kề, nhưng Nguyễn Thị Minh Thương vẫn đề xuất với Phạm Mạnh Cường về việc nếu thay đổi quy hoạch chủ yếu từ nhà biệt thự sang nhà liền kề thì lợi nhuận thu được hơn 400 tỷ đồng.
Phạm Mạnh Cường đã đồng ý với phương án mà Nguyễn Thị Minh Thương đưa ra, thuê vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 gồm các lô đất liền kề, lô đất nhà vườn, nhà ở hỗn hợp cao tầng… để đưa ra bán tại các sàn bất động sản.
Quá trình mua bán, khách hàng phải nộp tiền chênh, có giấy biên nhận của sàn giao dịch bất động sản. Khi đến Công ty ký hợp đồng chính thức, Thương thu lại giấy biên nhận tiền chênh. Khách hàng đóng 50% giá trị hợp đồng không kể tiền chênh, sau 1 năm trả nốt 50% và nhận đất. Khách hàng phải trả từ 20 - 80 triệu đồng tiền chênh cho các sàn giao dịch bất động sản Hương Đất, Tú Minh và một số cá nhân khác.
Mặc dù biết rõ Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải phóng mặt bằng, quy hoạch không có nhà liền kề và Công ty TST không phải là chủ đầu tư, nhưng với mục đích hưởng lợi, Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương đã dùng các thủ đoạn đưa thông tin gian dối: Dự án thuộc Khu Đô thị Đại học Vân Canh mở rộng và đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang trong quá trình san lấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đưa ra bản đồ quy hoạch không có thật để thông qua người môi giới và các sàn bất động sản quảng bá, giới thiệu và bán cho khách hàng.
“Với thủ đoạn như trên, từ năm 2010 - 2011, dưới hình thức góp vốn đầu tư, thực chất là mua bán đất, Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương đã lừa đảo, chiếm đoạn của 148 người với tổng số tiền 265,29 tỷ đồng. Cường đã trả được hơn 107 tỷ đồng, số tiền chưa trả là hơn 157,3 tỷ đồng”, cáo trạng cáo buộc.
Xuất hiện tình tiết mới liên quan đến vụ án
Khi vụ án đang chuẩn bị đưa ra xét xử, thì các khách hàng mua nhà tại Dự án đã phát hiện một tình tiết mới liên quan đến vụ án. Theo đó, một số khách hàng đã tố cáo Công ty TST đã giả mạo hồ sơ giấy tờ để thay đổi đăng ký kinh doanh trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều khách hàng mua nhà đất Dự án Viet-Inc.
Cụ thể, ngày 2/1/2019, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 18 cho Công ty TST. Trong hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh có Biên bản họp Hội đồng Thành viên của Công ty TST, Hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn của ông Phạm Trường Sơn, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc cho bà Lê Thị Giáp. Các hồ sơ giấy tờ này ký ngày 18/12/2018.
Trong khi đó, theo Giấy báo tử của Bệnh viện Quân y 354, ông Phạm Trường Sơn đã chết vào ngày 12/10/2018, tức đã chết trước thời điểm ký hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh hơn 2 tháng.
Dấu hiệu giả mạo hồ sơ còn nằm ở việc, tại thời điểm ký các hồ sơ chuyển nhượng, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TST đang bị cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ông Cường bị bắt tạm giam từ ngày 18/8/2016 đến nay). Còn ông Phạm Ngọc Tú, thành viên góp vốn Công ty TST đang bị tâm thần (có hồ sơ bệnh án). Theo quy định của pháp luật, hai thành viên này (chiếm 85% cổ phần của Công ty TST) không thể và không đủ năng lực để ký vào hồ sơ để Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội) cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Với những phát hiện trên, các khách hàng mua nhà tại dự án cho rằng, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 18 của Công ty TST có dấu hiệu giả mạo, trái các quy định của pháp luật. Đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng có thể gây hậu quả xấu, ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng trăm khách hàng mua nhà tại Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc.
“Để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà tại Dự án, chúng tôi đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc điều tra hành vi giả mạo hồ sơ, chuyển nhượng vốn trái pháp luật tại Công ty TST. Đồng thời, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội tiến hành các thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 18 ngày 02/01/2019 của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TST”, ông N.Đ.T (trú tại số 32 Hội Vũ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khách hàng mua nhà tại Dự án đề nghị.
Phóng viên Báo Đầu tư đã có buổi làm việc với Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội) về các dấu hiệu giả mạo hồ sơ giấy tờ của Công ty TST.
Tại buổi làm việc, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh đã viện dẫn Nghị định số 78/2015/NĐ - CP và Nghị định số 108/2018/NĐ - CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2015/NĐ - CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và cho rằng, doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, hợp pháp và chính xác của các thông tin đó. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp không chịu trách nhiệm về những vi phạm của doanh nghiệp.
Vị đại diện này cũng cho biết, để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có dấu hiệu giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần phải phối hợp với cơ quan điều tra có kết luận về vụ việc mới có thể tiến hành thu hồi.
Hiện Báo Đầu tư đã gửi công văn đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội) chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xác minh dấu hiệu giả mạo của đăng ký thay đổi lần thứ 18 ngày 2/1/2019 đối với Công ty TST, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.
Cơ quan điều tra nên sớm vào cuộc Có thể thấy rằng, việc Công ty TST giả mạo hồ sơ để cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thể sẽ gây ra các hậu quả pháp lý khó lường như việc Công ty TST chuyển nhượng, bán dự án cho các đối tác khác, tẩu tán tài sản, hoặc các khách hàng sẽ tiếp tục mua dự án mà không biết pháp nhân vô hiệu. Từ đó, ảnh hưởng tới việc thu hồi tài sản của các khách hàng là bị hại trong vụ án này. Vì vậy, cơ quan điều tra nên sớm vào cuộc, xác minh làm rõ sự việc và yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp. |
Báo Đầu tư sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc.
Theo báo Đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy