Bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil) tại phiên tòa. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Mở đầu phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hỏi bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xuyên Việt Oil) về nhận thức của bị cáo khi thực hiện các hành vi phạm tội. Đứng trước tòa, Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, bao gồm hành vi đưa hối lộ cho các cựu quan chức cùng những sai phạm liên quan đến việc thất thoát tiền trong Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với vai trò là người đứng đầu Công ty Xuyên Việt Oil. Tuy nhiên, bị cáo sau đó từ chối trả lời các câu hỏi thêm của luật sư liên quan đến những hành vi này.
Hồ sơ vụ án thể hiện Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm đã 22 lần đưa hối lộ tiền mặt và quà tổng giá trị hơn 31 tỷ đồng cho 8 cựu quan chức. Khi được Viện Kiểm sát yêu cầu lý giải nguyên do thực hiện hành vi này, Hạnh khai bản thân là doanh nhân, muốn tìm kiếm cơ hội, điều kiện trong kinh doanh để có thêm doanh thu cho công ty nên cần tặng quà nhằm tạo quan hệ, đặc biệt khi đó Công ty Xuyên Việt Oil rất cần được cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu hoạt động.
Đối với số tiền 219 tỷ đồng thất thoát từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh cho biết đã sử dụng để đầu tư vào bất động sản. Ngoài ra, bị cáo còn vay mượn tiền từ nhiều ngân hàng và sử dụng nguồn tài chính khác của công ty thực hiện các dự án tại một số tỉnh, thành phố. Về việc không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường được giao thu hộ, bị cáo Hạnh cho biết không cố ý chậm thanh toán khoản tiền này mà đây là số tiền nợ thuế trong khoảng 3 tháng.
Theo Hạnh, Công ty Xuyên Việt Oil từng xếp thứ 10 trong số các doanh nghiệp có doanh thu lớn, mỗi tháng đóng 500 tỷ đồng tiền thuế nhưng vào thời điểm xảy ra COVID-19, giá xăng dầu biến động và thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu của công ty thua lỗ. Do không còn khả năng tài chính, công ty sử dụng tiền quỹ và tiền thuế để trang trải.
Về khả năng khắc phục hậu quả vụ án, Hạnh khai hiện bị cơ quan chức năng phong tỏa 36 tài khoản ngân hàng, kê biên 11 bất động sản và ngăn chặn giao dịch nhiều tài sản khác. Bên cạnh những tài sản này, Hạnh còn nhờ người thân đứng tên một căn biệt thự rộng 667 m2 tại thành phố Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Bị cáo xin được dùng tài sản này khắc phục hậu quả vụ án.
Hạnh xin dùng một số tài sản không bị thế chấp, kê biên bao gồm tài sản đứng tên công ty (3-4 cà vẹt xe, xe bồn…), tài sản cá nhân, tài sản hình thành trước khi kinh doanh và tài sản nhờ người quen đứng tên để khắc phục hậu quả. Cùng với đó là một số bất động sản do Hạnh dùng tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để mua hiện không thế chấp cho các khoản vay, có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, nếu bán được, bị cáo Hạnh muốn khắc phục vào khoản tiền 219 tỷ đồng mà bị cáo đã gây thiệt hại cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Các bị cáo bị truy tố với nhiều tội danh khác nhau. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Tiếp đó, đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) liên quan tới hành vi nhận hối lộ từ Mai Thị Hồng Hạnh. Bị cáo Hải xác nhận thời điểm đó Công ty Xuyên Việt Oil chưa đủ điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu nhưng Hải vẫn gọi điện thoại cho bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) yêu cầu “làm nhanh, làm sớm” thủ tục cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Hải thừa nhận có nhận hối lộ từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh số tiền 50.000 USD.
Cáo trạng cho thấy, qua lời giới thiệu của Đỗ Thắng Hải, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn nhận lời giúp đỡ Mai Thị Hồng Hạnh trong việc cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Bị cáo Tuấn cùng cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil trong cấp giấy phép. Cả hai nhận hối lộ của bị cáo Hạnh 250.000 USD và chia tiền tại phòng làm việc. Trong đó, bị cáo Đông giữ lại 20.000 USD và đưa Tuấn 130.000 USD.
Tại tòa, Hoàng Anh Tuấn thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết. Tuấn cho biết khi đó bị cáo được giao trách nhiệm làm trưởng đoàn kiểm tra Công ty Xuyên Việt Oil nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội nên bị cáo không thể kiểm tra hết các đại lý của công ty có trong hồ sơ kiểm tra vì các cơ sở này nằm tại nhiều địa phương khác nhau.
Tuy vậy, Tuấn vẫn ký biên bản xác nhận Công ty Xuyên Việt Oil cơ bản đáp ứng điều kiện để được cấp lại giấy phép và có tờ trình đề xuất để bị cáo Đỗ Thắng Hải đã ký ban hành giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Tuấn khai bản thân không chủ động đòi hỏi lợi ích gì từ bị cáo Hạnh khi thực hiện hành vi trên.
Theo cáo buộc, cựu Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh Lê Duy Minh đã 5 lần nhận hối lộ tổng số tiền 4,8 tỷ đồng (gồm 190.000 USD và 500 triệu đồng) từ Mai Thị Hồng Hạnh. Thông qua việc đưa hối lộ, bị cáo Hạnh nhờ bị cáo Minh tạo điều kiện chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tại tòa, bị cáo Lê Duy Minh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và cho biết đã nộp lại số tiền nhận từ bị cáo Hạnh. Luật sư bào chữa cho bị cáo Minh sau đó hỏi bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh về việc bị cáo Minh có đặt vấn đề đưa tiền không. Hạnh cho biết đã tự nguyện, chủ động tìm đến bị cáo Minh để đưa hối lộ. Bị cáo Minh không chủ động đòi hỏi, đặt vấn đề với bị cáo.
Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, phiên tòa kết thúc phần thẩm vấn đối với các bị cáo.
Hội đồng xét xử thông báo tòa tạm nghỉ đến sáng 25/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 15 bị cáo.
- Phương thức Công ty Xuyên Việt Oil rút quỹ bình ổn giá xăng dầu
- Cựu Thứ trưởng Công Thương cùng thuộc cấp bị cáo buộc nhận hối lộ 365.000 USD
- Điều bất ngờ trong lý lịch tư pháp của cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
- Quan chức nhận hối lộ từ Xuyên Việt Oil nộp bao nhiêu tiền khắc phục hậu quả?
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy