Dòng sự kiện:
Vụ bé 23 ngày tuổi chết bất thường: Lời khai nào có giá trị?
30/11/2017 19:30:04
Luật sư cho biết, lời khai của nghi phạm là một trong những cơ sở để cơ quan chức năng điều tra vụ án, nghi phạm có thể khai hoặc không khai; trách nhiệm của cơ quan chức năng là điều tra lời khai đó đúng hay sai.

Liên quan đến vụ án cháu bé 23 ngày tuổi tử vong bất thường tại TX Bỉm Sơn (Thanh Hoá), thông tin mới nhất, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, nghi phạm Phạm Thị Xuân (65 tuổi), bà nội cháu bé bất ngờ thay đổi lời khai.

Nghi phạm Phạm Thị Xuân.

Theo đó, bà Xuân khai nhận lúc bế cháu đã vô ý làm rơi, trái ngược hoàn toàn với việc tự tay slàm chết cháu như lời khai ban đầu.

Nhiều người thắc mắc, trước việc nghi phạm Xuân có 2 lời khai thì đâu mới là lời khai có giá trị? Nhiều độc giả đồng ý với quan điểm: Lời khai ban đầu tại CQĐT luôn là lời khai đúng nhất.

Nhằm giải đáp thắc mắc của độc giả, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh.

Thưa luật sư, vụ án cháu bé 23 ngày tuổi tử vong bất thường ở Thanh Hóa đang có diễn biến phức tạp khi nghi phạm số 1 là bà Phạm Thị Xuân đột ngột thay đổi lời khai. Trên phương diện pháp luật lời khai nào sẽ có giá trị?

Đây là một vụ án rất phức tạp đòi hỏi cơ quan chức năng phải thận trọng trong quá trình điều tra. Như chúng ta đã biết, nghi phạm Xuân đột ngột thay đổi lời khai và cho biết cháu bé tử vong do bà vô ý đánh rơi lúc đang bế, sự việc sau đó là do bà dàn dựng hòng qua mặt CQĐT.

Luật sư Thơm cho biết, tất cả các lời khai đều có giá trị đối với CQĐT. Tuy nhiên nó không phải là kết luận cuối cùng mà chỉ được xem là một trong những cơ sở để cơ quan chức năng điều tra vụ việc. Lấy ví dụ từ chính vụ án này, việc bà Xuân có 2 lời khai chống nhau sẽ đi đến nhiều trường hợp: trường hợp thứ nhất, 1 trong 2 lời khai là đúng, trường hợp thứ hai, cả 2 lời khai đó đều sai…. Nhiệm vụ của cơ quan chức năng là điều tra xem lời khai đó đúng hay không.

Như vậy, không thể nói lời khai thứ nhất có giá trị hơn lời khai thứ hai được, việc xác định lời khai nào đúng, lời khai nào sai là trách nhiệm của CQĐT.

Xin ông cho biết, cơ quan chức năng sẽ dựa vào đâu để xác định lời khai nghi phạm là đúng hay sai?


Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh.

Như tôi đã đề cập, việc xác định nghi phạm có tội hay không là trách nhiệm của CQĐT. Cơ sở để cơ quan chức năng thẩm định lời khai là chứng cứ, lời khai của nghi phạm có phù hợp với chứng cứ CQĐT thu thập được hay không, có phù hợp với hiện trường vụ án hay diễn biến tâm lý tội phạm hay không... tất cả các yếu tố này sẽ được CQĐT xem xét khi lấy lời khai của nghi phạm.

Trong trường hợp nghi phạm không khai báo nhưng chứng cứ CQĐT thu thập được đủ chứng minh nghi phạm có tội thì CQĐT có thể kết luận vụ án mà không cần lời khai của nghi phạm.

Nghi phạm nếu có lời khai thành khẩn sẽ là một trong những tình tiết giảm nhẹ tội trong quá trình xét xử.

Luật sư có nghi ngờ gì về lời khai thứ 2 của nghi phạm Xuân hay không ?

Nhìn lại vụ án kể từ khi bị phanh phui, có thể nhận định nghi phạm Xuân là một người xảo quyệt. Sự xảo quyệt thể hiện ngay khi bà Xuân dàn dựng cảnh cháu nội bị một đôi nam nữ bắt cóc, chính tình tiết này đã giúp cho bà Xuân từ một nghi phạm trở thành nạn nhân trong vụ án. Thậm chí, khi được báo chí tiếp cận phỏng vấn, bà Xuân cho thấy mình có khả năng “diễn xuất” tài tình khi thản nhiên cho rằng mình là người bị hại.

Đó là một trong những yếu tố gây khó khăn cho cơ quan chức năng, nếu điều tra theo lời khai của bà Xuân có thể vụ án đã đi theo một hướng hoàn toàn sai lệch. Tuy nhiên, những dàn dựng đó đã không qua mặt được CQĐT.     

Đề cập thêm về lời khai thứ 2 của nghi phạm Xuân, người này nói do sơ ý đánh rơi cháu bé lúc đang bế. Tuy nhiên, với diễn biến tâm lý của một người bà thông thường, điều đầu tiên khi làm rơi cháu bé sẽ là hoảng hốt và lập tức tìm cách cấp cứu cháu mình. Đằng này bà Xuân lại bình tĩnh tạo dựng tình tiết giả, thậm chí còn vứt xác phi tang, rõ ràng có sự phi lý ở đây. Cơ quan chức năng chắc chắn sẽ dựa vào tình tiết này để điều tra sự việc.

Trong trường hợp lời khai thứ 2 của nghi phạm Xuân là đúng thì người này sẽ phải đối mặt với mức án nào?

Nếu cơ quan chức năng điều tra và đưa ra kết luận vụ án trùng với lời khai thứ 2 của nghi phạm Xuân thì người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây chết người theo điều 98 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, việc phi tang xác cũng đủ cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo điều, 246 Bộ luật hình sự.

Một điểm nữa trong vụ án đó là, nghi phạm Xuân có thể chịu thêm tình tiết tăng nặng khi có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che giấu hành vi phạm tội.

Xin cảm ơn Luật sư!

 Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến