Dòng sự kiện:
Vụ bùn đe dọa cảng Chân Mây: BQL Dự án Đầu tư xây dựng Khu Kinh tế nói gì?
06/06/2018 09:16:25
Chủ đầu tư dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giải thích rằng, dù đã có phương án đổ bùn nhấn chìm ngoài biển, nhưng vì quá “nhạy cảm” nên thống nhất chọn phương án đưa bùn vào đất liền.

Ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế - Chủ đầu tư dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 cho biết: Dự án có tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng và dự thực hiện trong vòng 3 năm. Bờ đê có chiều dài 450m, thân đê bằng đá phủ bê tông. Việc nạo hút bùn từ đáy biển có độ sâu từ 10-12m rồi theo ống dẫn đổ vào đất liền và sau đó đổ vật liệu xuống tạo phần đáy đê. Theo đó, khối lượng bùn, cát hút lên bờ khoảng 870.000m3 và được tập kết tại bải thải có diện tích 40ha thuộc khu vực lưu thông hàng hóa cảng Chân Mây mà khu vực này trước đây là bờ biển cũ.

Ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Trước đây chúng tôi đã có phương án là đổ bùn đen nhấn chìm ngoài biển, nhưng vì quá “nhạy cảm” nên thống nhất chọn phương án đổ bùn vào đất liền. Việc tập kết bùn trên đất liền đã được xây dựng vị trí bãi thải cũng như đánh giá tác động môi trường. Theo đó, bùn đen từ đây sẽ có hệ thống mương thoát nước nhằm lắng bùn và sau đó chảy ra biển nước. Tuy nhiên, đơn vị thi công chưa làm kịp hệ thống mương nên đã xảy ra tình trạng gây mất an toàn lưới điện với một số cột điện tại nơi bùn, cát tràn vào. Thế nhưng, sau khi báo chí phản ánh, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được công văn của Sở Điện lực”, ông Điểm giải thích.

 Văn bản Điiện lực Phú Lộc gửi Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 28/5, đến nay ông Điểm vẫn chưa nhận được.

Trước những câu hỏi của PV về việc gần 1 triệu khối bùn lầy bốc mùi hôi bao phủ cảng biển du lịch không có hàng rào xung quanh mà chỉ một số biển báo sơ sài, nguy cơ dẫn đến mất an toàn uy hiếp đến tính mạng, ông Tôn Thất Viễn Điểm cho biết sẽ sớm chỉ đạo đơn vị thi công triển khai dựng hàng rào bao quanh đầm lầy tại khu vực bãi thải.      

 

Số lượng bùn và ống dẫn như "con rắn khổng lồ" đang cuộn trườn trên đất liền đã lấp đầy chuồng trại khiến nhiều cây cối chết, người dân địa phương hoang mang và lo lắng.

Riêng về mùi hôi thối của bùn sau khi được nạo hút vào tập kết tại khu vực bãi thải, ông Điểm khẳng định bùn biển… không hôi và tuyến đường đi ngang bãi thải là đường nội bộ, du khách không đi qua (?!).

Được biết, sau khi việc nạo hút bùn cát xong đến khi thời gian khô được một doanh nghiệp đổ các vật liệu vào bãi thải này nhằm tạo mặt bằng và làm theo phương pháp cắm bấc thấm, từ đó xây dựng kho bãi lưu thông hàng hóa để phục vụ cảng Chân Mây.

Dự án gây ảnh hưởng đến hệ thống trạm biến áp khi nước dân lên đến gần trụ áp. Thế nhưng, ông Tôn Viễn Điểm đổ lỗi này do phía điện lực làm cột điện thấp nên nước bùn vào mới gặp sự cố.

Trước đó, như ANTT đã thông tin, thời gian gần đây, nhiều người dân sống gần khu vực Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế), liên tục phản ánh tình trạng nhiều đơn vị thi công trên địa bàn khi tiến hành nạo vét hút bùn đất đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới hệ thống trạm biến áp, cột điện, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Sớm chỉ đạo đơn vị thi công triển khai dựng hàng rào bao quanh đầm lầy tại khu vực bãi thải.     

Qua tìm hiểu của PV được biết, số lượng bùn đất mà người dân phản ánh thuộc dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 được 6 nhà thầu liên doanh triển khai thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua. Trong đó, Công ty xây dựng Lũng Lô và Công ty Cổ phần Đạt Phương thực hiện gói thầu hút bùn đất. Còn Công ty TNHH Long Đại Thịnh thi công gói thầu san lấp mặt bằng khu lưu thông hàng hóa cảng Chân Mây.

Ông Điểm khẳng định bùn biển… không hôi và tuyến đường đi ngang bãi thải là đường nội bộ, du khách không đi qua (?!).

Theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, hàng triệu khối bùn đen được các đơn vị tiến hành nạo vét hút bùn từ ngoài cửa biển rồi theo ống dẫn đổ đầy bãi tập kết trên đất liền và tràn ra môi trường gây ảnh hưởng đến hệ thống trạm biến áp trên địa bàn, nhiều cây cối chết hàng loạt và chuồng trại, am miếu thờ tín ngưỡng của dân đang dần dần bị phủ lấp đầy.

Phi Hoàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến